Hơn 50% khối lượng công việc dành cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực hiện. Dự án do Petrocons làm Tổng thầu và đang thể hiện rõ nhiệm vụ của một tổng thầu ngày càng chuyên nghiệp cho những dự án công nghiệp của đất nước mà trước đó, vai trò này thường chỉ các đơn vị nước ngoài đảm nhiệm.
Đến công trường sau 2 tháng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 có tổng công suất 1200MW, kể từ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức lễ hòa lưới điện Tổ máy số 1 (13/5), đánh dấu mốc phát điện thử lên lưới điện quốc gia sớm 1 tuần so với dự định, chúng tôi thấy dự án đang rất khẩn trương để hoàn thành tiến độ đưa tổ máy một đi vào phát điện thương mại vào tháng 11 và tổ máy 2 vào 31 tháng 12 năm nay.
Không khỏi không băn khoăn pha chút lo lắng thay cho ban lãnh đạo điều hành dự án, liệu dự án có đáp ứng đúng tiến độ không?
“Chúng tôi vừa họp xong về vấn đề này, tất cả các đơn vị thi công đều thể hiện quyết tâm, làm ngày đêm cam kết hoàn thành đúng tiến độ” Ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Petrocons), một công ty thuộc Tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam được giao làm nhiệm vụ Tổng thầu cho dự án Thái Bình 2 cho biết.
Trong bối cảnh Covid, đứt gãy chuỗi cung ứng logistic toàn cầu đã gây cản trở rất nhiều, khó khăn nhất là nguyên vật liệu nhưng rồi cũng về tới dự án. Dù chỉ tập kết trước Tết, nhưng tất cả các đơn vị đối tác nhà thầu thi công đều đang phải cố gắng, sáng tạo vượt qua sức ép khó khăn về tiến độ để cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung là đảm bảo cho việc phát điện thương mại không thay đổi như đã có trong kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí.
Hiện Petrocons đã rà soát lại tiến độ công việc có khâu vượt tiến độ, có khâu chậm đầu vào do yếu tố khách quan… và đây là điều mà các đơn vị nhà thầu thi công Việt Nam đã chủ động giải quyết rất tốt. Nhiều nhà thầu Việt Nam như Lilama, Vinalift đã có kinh nghiệm thi công cho các Tổng thầu, đối tác nước ngoài lớn của Nhật, Hàn Quốc,…nên không khó khăn gì nhiều khi đảm bảo chất lượng và kết nối với các đối tác nước ngoài ở dự án này để kịp tiến độ.
Doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam chế tạo được hệ thống vận tải than hiện đại nhất cho Nhà máy Nhiệt điện.
Có thể nói Tổng thầu Petrocons mong muốn có kết quả cụ thể ngày hôm nay là cơ khí Việt Nam chế tạo được một hệ thống vận tải than hiện đại nhất ở nhà máy nhiệt điện.
Hệ thống vận tải than từ cảng sông đi vào hai tổ máy số 1 và số 2 có tổng chiều dài hơn 6707m được nhập một số trang thiết bị hiện đại của CHLB Đức, còn toàn bộ phần kết cấu khác được thực hiện chế tạo trong nước gồm 5 cổng trục hệ thống băng tải than, 3 kho than… hoạt động điều khiển từ xa.
Tổng trị giá 41.700 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD trong đó hơn nửa giá trị đã dành cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thi công, lắp đặt và chế tạo. “Cái được khi Petrocons làm Tổng thầu, quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam chúng tôi có thể cùng tính toán rà soát lại và đàm phán với đối tác về giá cho toàn bộ dự án. Đương nhiên, dù Tổng thầu trong nước hay nước ngoài thì các nhà thầu thi công phần lớn vẫn là các đơn vị Việt Nam. Nếu tất cả để nước ngoài làm thì các đơn vị cơ khí trong nước bị o ép về giá, lãi ít, hòa, thậm chí còn bị lỗ làm thì chỉ vì doanh nghiệp cần có việc.
Có thể so sánh với tổng vốn đầu tư nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, công suất 2 tổ máy bằng ½ công suất nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tức 600MW) đã có tổng mức đầu tư 26,5 nghìn tỷ VNĐ thì đầu tư cho NMNĐ Thái Bình 2 có công suất phát điện gấp đôi là 1200MW mà Việt Nam chỉ đầu tư 41,7 nghìn tỷ đồng thì Việt Nam đã tiết kiệm một khoản tiền lớn cho đất nước.
Với cái nhìn của người làm cơ khí: Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi đi vào vận hành thành công sẽ đánh dấu không chỉ sự “hồi sinh” của một dự án không bị kéo dài lãng phí cho đất nước mà còn là một bước ngoặt mới đối với việc một doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chứng minh đủ bản lĩnh thực hiện vai trò tổng thầu cho các dự án công nghiệp phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong gian đoạn tới.
Nhìn lại:
Nhà Máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bắt đầu được khởi công năm 2011, do nhiều yếu tố như các nhà thầu Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên nhà máy dừng điều chỉnh vốn đầu tư vào năm 2014, đến 2017 nhà máy chạy lại rồi lại tạm dừng để thanh tra. Trong quá trình triển khai, Dự án đã gặp vô vàn khó khăn như vậy, bị đình trệ do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc. Nhưng vượt lên những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể đó, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất của tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từ Bộ Chính trị, Chính phủ trong nhiệm kỳ mới đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Dự án đã chuyển động mạnh mẽ, tiến độ đang từng bước được rút ngắn. Điều vui mừng là người lao động, kỹ sư, công nhân tham gia dự án đã nhận được lương đều đặn không còn bị chậm lương có thời kỳ lên tới 5-6 tháng và các nhà thầu phụ như Lilama, Vinalift, Hameco... đã có việc để trưởng thành phát triển.