Tham dự Đại hội, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Nguyễn Hùng Dũng - Thành viên HĐTV Petrovietnam; cùng đại diện các Ban của Tập đoàn. Về phía PVC có ông Lương Đình Thành - Thành viên phụ trách HĐQT, Tổng giám đốc PVC; các Thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban/đơn vị thành viên cùng đại diện cổ đông được ủy quyền tham dự.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội |
Tại Đại hội, PVC đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng bao gồm: Tờ trình về việc sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2020 và kế hoạch năm 2021; Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2020 và kế hoạch SXKD năm 2021; Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2020 và kế hoạch năm 2021; Tờ trình về việc Thông qua Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020 và phương án phân phối lợi nhuận năm 2020; Tờ trình về việc quyết toán thù lao năm 2020 và phương án thù lao năm 2021 của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát; Tờ trình về việc lựa chọn công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021; Tờ trình về việc thông qua Quy chế nội bộ về quản trị Tổng Công ty và Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị; Tờ trình về kết quả thực hiện công tác thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch thoái vốn của Tổng Công ty tại các đơn vị thành viên giai đoạn 2021 – 2025; Bầu cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát.
Ông Nghiêm Quang Huy - Ủy viên HĐQT báo cáo hoạt động của HĐQT tại ĐHĐCĐ |
Thay mặt Ban lãnh đạo PVC, Ủy viên HĐQT PVC Nghiêm Quang Huy đã điểm lại những nét chính trong hoạt động SXKD của Tổng công ty trong năm 2020 và và 6 tháng đầu năm 2021.
Năm 2020 là một năm đầy thách thức trong việc thực hiện kế hoạch SXKD của PVC, các đơn vị thành viên khi phải đối mặt với các khó khăn trong bối cảnh phải chịu tác động từ "khủng hoảng kép" do giá dầu giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19, những khó khăn do lỗ lũy kế từ giai đoạn trước để lại, hạn chế về nguồn việc làm cũng như nguồn lực tài chính, con người…đã ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng kế hoạch SXKD của PVC.
Công tác tìm kiếm nguồn việc mới gặp rất nhiều khó khăn, hợp đồng ký mới không nhiều, giá trị nhỏ. Công ty mẹ và các đơn vị chủ yếu thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp từ các năm trước. Về tài chính của PVC gặp nhiều khó khăn do lỗ lũy kế từ các năm trước để lại lớn, thiếu hụt về tài chính dẫn đến thiếu nguồn lực để có thể tập trung triển khai các dự án, đặc biệt tại dự án NMNĐ Thái Bình 2; còn nhiều vướng mắc về cơ chế, khó khăn về tài chính chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, công tác thoái vốn góp đầu tư tài chính của PVC gặp nhiều vướng mắc do các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn chủ yếu thua lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn tạo nên những khó khăn cho PVC và các đơn vị thành viên trong việc thực hiện công tác tái cơ cấu, thoái vốn theo kế hoạch. Bên cạnh đó, khi PVC làm việc với các đối tác cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động SXKD của PVC ngày càng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác tiếp thị, tìm nguồn việc mới.
Toàn cảnh Đại hội |
Trong năm 2020, HĐQT PVC đã tập trung chỉ đạo Công ty mẹ và các đơn vị thành viên chú trọng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua. Năm 2020, PVC có tổng doanh thu hơn 1.626 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 75,39 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên là 10,07 triệu đồng/người/tháng.
Tại dự án trọng điểm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tiến độ tổng thể của dự án đến thời điểm 31/12/2019 đạt 85,87%. Hoàn thiện phụ lục bổ sung số 33 hợp đồng EPC về việc Quy trình phối hợp lựa chọn nhà thầu phụ thực hiện phần công việc trong nước có giá điều chỉnh của hợp đồng EPC; hoàn thành 84/84 ô sàn, toàn bộ bê tông lót của nền trục A1 hệ thống hố thu nước và hoàn thành thi công nền băng tải trong kho than; dự kiến, ngày 31/12/2021 sẽ đốt dầu lần đầu và hoàn thành nhà máy vào 31/12/2022.
Trong năm 2020, PVC đã thực hiện xử lý thu hồi công nợ được là 80,45 tỷ đồng. Số dư nợ chưa xử lý được chủ yếu là các khoản nợ liên quan đến quyết toán các dự án/công trình chưa hoàn thành so với tiến độ đề ra; hoàn thành thoái toàn bộ phần vốn góp tại PVCLand, Long Sơn-PIC và Petrowaco với giá trị thu về 172,13 tỷ đồng; thực hiện giảm 25% vốn điều lệ của PVC-Duyên Hải, PVC đã thu về 19,35 tỷ đồng; hoàn thành quyết toán với Chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án thi công san lấp và xử lý nền dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nhà máy Xử lý khí Cà Mau; trong công tác tiếp thị đấu thầu, PVC-MS, DOBC và PVC-Đông Đô đã có nhiều nỗ lực tiếp thị, tham gia dự thầu và trúng thầu tại một số công trình dự án để góp phần bổ sung nguồn việc làm của đơn vị.
Phó Tổng giám đốc PVC Nguyễn Trung Trí báo cáo kết quả SXKD năm 2020 và kế hoạch SXKD năm 2021 tại Đại hội |
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp; giá dầu nhiều biến động, PVC tiếp tục phải đối diện với các khó khăn về việc tìm kiếm nguồn công việc cũng như các rủi ro tiềm ẩn tiếp tục bộc lộ đã ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng kế hoạch SXKD của PVC. Trước khó khăn, PVC đã điều chỉnh kế hoạch trình ĐHĐCĐ, trong đó một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như giá trị SXKD 1.368 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.383 tỷ đồng, doanh thu Công ty mẹ ước khoảng 677 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên là 9,35 triệu đồng/người/tháng.
Thay mặt Ban lãnh đạo, Phó Tổng giám đốc PVC Nguyễn Trung Trí đã trình bày trước ĐHĐCĐ 5 nhóm giải pháp trong thực hiện kế hoạch SXKD 2021. Cụ thể là các giải pháp về công tác tái cấu trúc, công tác tiếp thị đấu thầu, công tác tài chính kế toán, công tác chỉ đạo điều hành thi công tại các dự án/công trình, và công tác tổ chức quản lý nhân sự, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, sẽ tiến hành với các nhiệm vụ trong tâm: Xây dựng phương án tái cấu trúc lại toàn bộ PVC; nâng cao năng lực và chất lượng bộ máy điều hành; huy động tối đa mọi nguồn lực, tập trung nâng cao năng lực thi công, khả năng cạnh tranh để trở thành một nhà thầu EPC chuyên nghiệp có đủ kinh nghiệm và năng lực, có khả năng đảm nhiệm xây lắp các dự án lớn trong và ngoài ngành; tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân sự, nguồn vốn, cơ sở vật chất, thiết bị thi công để có thể triển khai các công trình/dự án trọng điểm của Tập đoàn và của các chủ đầu tư…
Cổ đông nêu những câu hỏi, góp ý tại phiên họp |
Thấu hiểu tình trạng và những khó khăn mà PVC đang phải đối mặt, các cổ đông tham dự Đại hội đã góp ý thẳng thắn, đặt ra nhiều câu hỏi về công tác điều hành, quản trị của PVC. Với tinh thần minh bạch, rõ ràng mọi thông tin của doanh nghiệp cũng như đánh giá và nhìn nhận đúng thực trạng thị trường, những rủi ro tiềm ẩn trong từng dự án, Ban lãnh đạo PVC đã trả lời toàn bộ những vấn đề các cổ đông cũng như đại diện cổ đông đưa ra tại Đại hội.
Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng tặng hoa chúc mừng các đồng chí thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát PVC |
ĐHĐCĐ năm 2021 của PVC đã thống nhất cao với số phiếu gần như tuyệt đối của các đại biểu thông qua Nghị quyết Đại hội về những công tác cốt lõi của PVC trong năm 2021 như báo cáo tài chính, lợi nhuận, kế hoạch SXKD, thù lao cho HĐQT - Ban Tổng giám đốc….ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc: Miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Lê Văn Long; đồng thời bầu ông Trần Hải Bằng và ông Chu Thanh Hải làm thành viên HĐQT PVC; bầu ông Nguyễn Ngọc Cương và ông Phùng Văn Sỹ vào Ban Kiểm soát PVC.
Phát biểu bế mạc Đại hội, ông Lương Đình Thành - Thành viên phụ trách HĐQT, Tổng giám đốc PVC gửi lời cảm ơn đến Petrovietnam, các quý cổ đông đã luôn hỗ trợ, ủng hộ, đồng hành với PVC. Lãnh đạo PVC sẽ nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ, toàn diện các nội dung, ý kiến tại Đại hội; bày tỏ sự cảm kích trước sự tin tưởng mà Petrovietnam và ĐHĐCĐ đã đặt vào tập thể Ban Lãnh đạo và người lao động PVC; sự tin tưởng vào đường hướng phát triển kinh doanh mới của PVC.
Nguồn: Petrotimes