Trong tương lai, có thể có sự đột phá ở khu vực Bắc Cực không chỉ do xảy ra những thay đổi về khí hậu, mà nhờ những công trình nghiên cứu về công nghệ. Những tàu phá băng có công suất hết sức lớn được chế tạo ra, những con tàu vỏ kép loại đi trong băng đã xuất hiện. Tuy nhiên, hiện nay những đánh giá về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Bắc Cực còn rất khác nhau.
Theo các số liệu của Liên Hợp Quốc (LHQ), trữ lượng dầu mỏ ở khu vực Bắc Cực đã được khảo sát là trên 100 tỉ tấn, còn trữ lượng khí ước 50.000 tỉ m3. Đánh giá của Cơ quan địa chất Mỹ cũng không kém ấn tượng. Các chuyên gia Mỹ nói rằng có khoảng 25% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới ở khu vực Bắc Băng Dương. Theo những đánh giá này, tại 25 khu vực ở Bắc Cực có trữ lượng dầu mỏ tương đương với 13 tỉ tấn cộng với gần 30% trữ lượng khí đốt tiềm năng của thế giới.
Cho đến nay vẫn chưa có các số liệu được luận chứng khoa học về các nguồn tài nguyên. Việc này liên quan tới các công trình nghiên cứu chưa đáng kể về thời gian và độ sâu của các vùng lãnh thổ Bắc Cực mà con người mới tiếp cận được. Do công việc thăm dò địa chất ở thềm lục địa hiện mới ở giai đoạn đầu, vì trình độ công nghệ hiện nay chưa cho phép khoan tới độ thật sâu trong điều kiện khí hậu phức tạp.
Đối với Nga, việc đến Bắc Cực là vì các mỏ dầu và khí đốt đang khai thác trên đất liền đang cạn dần. Do vậy, các khu vực thềm lục địa Bắc Cực rất hấp dẫn, đặc biệt vùng biển Baren và Kara rất có triển vọng. Theo các đánh giá khác nhau, trữ lượng dầu mỏ ở các vùng đó là khoảng 14 tỉ tấn, còn khí đốt ở một số mỏ vào khoảng vài nghìn tỉ m3. Các mỏ mới được Nga coi là cơ sở nhiên liệu – năng lượng mới.
Rõ ràng là sự hoạt động tích cực của các công ty dầu mỏ của Nga trong việc nghiên cứu thềm lục địa Bắc Cực còn phải phụ thuộc vào giá dầu mỏ và khí đốt, vào việc ưu đãi về thuế và việc có công nghệ thích hợp cho hoạt động trong những điều kiện rất khắc nghiệt. Vấn đề thăm dò và khai thác các nguồn hydrocacbon và vận tải đường biển ở Bắc Cực trùng hợp về thời gian với sự thay đổi khí hậu.
Trong mấy thập kỷ gần đây, những biến động tự nhiên kéo dài nhiều năm đã khiến băng tan dẫn. Dự kiến trong những thập kỷ tới, mùa Đông ở Bắc Cực sẽ bớt lạnh hơn do nhiệt độ trung bình tăng lên một vài độ. Những dự đoán các khu vực ven biển sẽ không còn đóng băng trong một thời gian dài đã thúc đẩy nhiều nước bắt đầu chuẩn bị các kế hoạch khai thác dầu mỏ và khí đốt từ các mỏ ở Bắc Cực. Tuy nhiên, vấn đề môi trường ở Bắc Cực cần được lưu ý đúng mức.
Trong những thập niên gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng biển Bắc Cực đang là vấn đề cấp bách. Vấn đề này nảy sinh trong những thập kỷ qua, từ trước khi con người tới đây khai thác dầu mỏ và khí đốt. Tình trạng ô nhiễm môi trường bắt đầu từ khi các tuyến đường biển phía Bắc được khai thác. Kế hoạch mở rộng thăm dò và khai thác nguyên liệu hydrocarbon, chủ yếu để xuất khẩu, được đưa vào các chương trình cấp nhà nước về phát triển khu vực Bắc Cực, sẽ dẫn đến gia tăng áp lực đối với các hệ sinh thái ở khu vực này. Nếu không có cơ chế đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ môi trường, thì những hoạt động nói trên có thể sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường, đặc biệt là ở khu vực thềm lục địa biển Baren, Pechora và Kara.
Việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực trực tiếp phụ thuộc vào chính sách của Nga tại khu vực này. Một số văn bản trong những năm gần đây cho thấy Nga đang xây dựng một chính sách nhất quán ở Bắc Cực.
Mới đây Tổng thống Medvedev đã tuyên bố về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga sẽ bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực. Ông Medvedev nói: “Nếu chúng ta không đầu tư vào đó, thì các nước ngoài khu vực sẽ đến”.
Đáng chú ý là vào cuối tháng 11/2011, Na Uy đã tuyên bố bắt đầu thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở biển Baren. Rõ ràng là tiếp sau Na Uy, các nước khác bắt đầu chuẩn bị các kế hoạch tương tự.
Theo petrotimes.vn