Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới như Royal Dutch Shell, GDF Suez và Statoil đang quảng bá khí đốt khai thác từ các tầng đá phiến là một loại nhiên liệu rẻ, thân thiện với môi trường, trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng vọt, còn than thì quá bẩn.
Khí đốt đá phiến sạch hay bẩn?
Chủ tịch Hãng Shell James Smith tuyên bố lựa chọn khí đốt đá phiến sẽ giúp thế giới “có chỗ để thở” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Luận điểm của các công ty năng lượng dựa trên báo cáo của Hãng tư vấn McKinsey, do tổ chức vận động hành lang Diễn đàn vận động khí đốt châu Âu (EGAF) thuê viết. Theo báo cáo này, Liên minh châu Âu (EU) có thể tiết kiệm được 900 tỉ euro (1.300 tỉ USD) mà vẫn hoàn thành mục tiêu giảm khí thải vào năm 2050 nếu đầu tư vào khí đốt thay vì năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió... Báo cáo này đã được đưa đến tận tay Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso cùng hàng loạt cao ủy EU cũng như thành viên Nghị viện châu Âu (EP).
Ở Mỹ, chiến dịch vận động cũng diễn ra dữ dội. Chỉ riêng tại bang New York, năm 2010 các công ty đã chi 1,6 triệu USD cho nỗ lực vận động chính quyền bang nghiêng về khai thác khí đốt đá phiến. Công nghệ chính để khai thác khí đốt từ các tầng đá phiến là “gây nứt gãy bằng thủy lực”, nghĩa là bơm nước, cát và hóa chất vào tầng đá phiến, tạo ra các vết nứt để dễ dàng hút dầu và khí đốt trong lòng đất.
Khí đốt đá phiến có thật sự là năng lượng thân thiện với môi trường? Theo báo cáo của McKinsey, sản xuất điện từ khí đốt sẽ giúp giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với than. Tuy nhiên, thực tế không được như vậy. Theo nghiên cứu của ĐH Cornell (Mỹ), hoạt động khai thác khí đốt từ đá phiến bằng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” khiến khí methane và CO2 rò rỉ ra môi trường. Methane gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 20 lần so với CO2. Do đó, giới chuyên gia xác định các nhà máy điện chạy bằng khí đốt đá phiến xả ra khí nhà kính nhiều hơn 20% so với nhà máy điện chạy than.
“Sẽ là cực kỳ sai lầm nếu quảng bá khí đốt đá phiến khi trên thực tế nó gây hiệu ứng nhà kính còn tệ hơn than - chuyên gia Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) Jenny Banks khẳng định - Chúng ta cần loại bỏ khí đốt từ nguồn này, giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khai thác tiềm năng của nhiên liệu thay thế”.
Bơm chất độc vào đất
Tại Mỹ đã có những cảnh báo về tác hại môi trường nghiêm trọng của công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực”. Theo báo cáo điều tra của Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ (CEC), từ năm 2005-2009 tổng cộng 14 công ty dầu khí hàng đầu nước Mỹ bơm 780 triệu gallon (2,95 tỉ lít) chất lỏng, chứa 750 loại hóa chất khác nhau vào trong đất ở 13 bang để khai thác khí đốt. Điều đáng nói là trong số các loại hóa chất được sử dụng có 29 loại gây ung thư, bị xếp vào dạng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong số đó có những loại cực kỳ độc hại như methanol, benzene, axit lưu huỳnh và chì.
Trên thực tế, các tập đoàn dầu khí đang áp dụng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” để khai thác khí đốt trên phạm vi toàn thế giới.
Kết quả điều tra của báo New York Times cho thấy các công ty dầu khí Mỹ chuyển nước thải chứa nhiều độc chất từ các dự án sử dụng công nghệ “gây nứt gãy bằng thủy lực” tới các nhà máy xử lý nước thải không được thiết kế để xử lý nước thải chứa quá nhiều chất độc như vậy. Và các nhà máy này đã xả nước thải ra sông hồ.
Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), các nhà máy ở Pennsylvania xả nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn chứa lượng benzene cao gấp 28 lần mức cho phép ra một con sông trong vùng hồi tháng 5-2008, thậm chí còn chứa cả chất phóng xạ cao gấp nhiều lần mức cho phép. Hiện tại EPA đang điều tra nghi vấn này.
Theo tuoitre.vn