Tin chuyên ngành

Việt Nam hợp tác với Nga khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông: Đó là quyền của Việt Nam

Một số tờ báo của Trung Quốc đã đăng tải những lời lẽ phi lý về việc Nga hợp tác với Việt Nam, đặt những dòng tít như “Nga không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông” và cho rằng việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký hiệp định hợp tác khai thác dầu khí với Gazprom là cách Nga “phát tín hiệu một cách mơ hồ cũng như can thiệp vào vấn đề Biển Đông” (?!).

 

Trong buổi họp báo thường kỳ lần thứ 6 ngày 12/4/2012 tại Hà Nội, trước câu hỏi: “Xin cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Trung Quốc yêu cầu Nga dừng các dự án khai thác dầu khí ở biển Đông?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị khẳng định: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Công ty Công nghiệp Khí đốt của Nga (Gazprom), đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982. Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam”.

Trước đó, một số tờ báo của Trung Quốc đã đăng tải những lời lẽ phi lý về việc Nga hợp tác với Việt Nam, đặt những dòng tít như “Nga không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông” và cho rằng việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký hiệp định hợp tác khai thác dầu khí với Gazprom là cách Nga “phát tín hiệu một cách mơ hồ cũng như can thiệp vào vấn đề Biển Đông” (?!). Gazprom là công ty nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước Nga và cho dù hợp tác với Việt Nam có khả năng chỉ là lợi ích kinh tế, nhưng việc làm này trên góc độ chiến lược sẽ bị cho là đại diện cho thái độ của Nga. Đây không chỉ là cảm nhận của người Trung Quốc mà còn là trực giác của toàn bộ dư luận quốc tế và cho rằng sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc nếu nảy sinh vấn đề thì cả hai sẽ đều… “mất giá” trước phương Tây…

Như Năng lượng Mới đã đưa tin, mới đây ngày 5/4/2012 Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Miller A.B đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVN và Gazprom là hai tập đoàn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Việt Nam và Liên bang Nga. Doanh thu năm 2010 của Tập đoàn Gazprom đạt khoảng 117 tỉ USD. PVN và Gazprom đã thành lập Xí nghiệp Liên doanh Gazpromviet và đang hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ triển khai nhiều hoạt động trao đổi thông tin, liên kết trong nhiều dự án lớn.

Tại buổi làm việc này, Chủ tịch Phùng Đình Thực đã chia sẻ: Việc Xí nghiệp Liên doanh Gazpromviet ra đời đã gắn kết mối quan hệ kinh tế giữa PVN và Gazprom ngày thêm bền chặt. Liên doanh Gazpromviet không chỉ là kết quả tốt đẹp của quan hệ kinh tế Việt – Nga mà còn mở ra nhiều liên doanh khác, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn ở các lĩnh vực hai nước Việt – Nga có thế mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Miller A.B cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng ở Việt Nam, Gazprom sẽ đầu tư nhiều dự án vào Việt Nam và PVN sẽ là cầu nối để Gazprom thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam.

Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan

Tin tức mới