Tham dự hội thảo có lãnh đạo và chuyên gia của Chi hội Dầu khí Hà Nội, Ban Tìm kiếm Thăm dò PVN, lãnh đạo PVEP, PVEP Sông Hồng và các chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam.
Vùng trũng An Châu là bể trầm tích trước Đệ tam, nằm trong vùng rừng núi Đông Bắc, thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, với diện tích 10.000 km2. Trước năm 1954, các nhà địa chất người Pháp đã tiến hành khảo sát sơ bộ vùng này. Trên cơ sở đánh giá nhiều khả năng vùng trũng An Châu hội tụ nhiều điều kiện của một bể trầm tích có triển vọng dầu khí, từ năm 1978, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô (cũ) đã tiến hành khảo sát kỹ hơn nhằm tìm kiếm nguồn tài nguyên dầu khí ở nơi này. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật còn lạc hậu nên các kết quả nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt việc đánh giá triển vọng dầu khí của vùng còn nhiều tranh luận.
Đáng chú ý nhất là giai đoạn 1976 với các tài liệu báo cáo của Đoàn 36C đã phân tích về địa tầng, cấu - kiến tạo và hệ thống dầu khí (tổ hợp sinh - chứa - chắn), nghiên cứu sâu về địa chất thủy văn vùng trũng An Châu. Đặc biệt là đã tổng hợp được mức độ biến đổi thứ sinh của các đá trong vùng, đề nghị tìm kiếm dầu khí bằng công trình khoan và địa vật lý theo thứ tự từ rìa Nam (Dương Hưu) vào trung tâm (Lưỡng Mã) và cuối cùng là rìa Tây Bắc (Nà Mò) nhằm đánh giá triển vọng dầu khí khu vực.
Vùng trũng An Châu được đánh giá là có nhiều dấu hiệu khả quan, có tiềm năng dầu khí.
Ngày nay, với sự tiến bộ về công nghệ, ta có thể nghiên cứu làm rõ được bức tranh địa chất sâu, xác định được các chỉ tiêu phục vụ cho đánh giá tiềm năng dầu khí, đặc biệt là các công nghệ khai thác, chiết xuất dầu khí từ các vỉa, đối tượng mà trước đây không thể làm được. Hơn nữa, các bể trầm tích trước Đệ tam ở các khu vực lân cận thuộc nền Hoa Nam gọi là bể trầm tích Shiwan Dashan (Thập vạn Đại sơn) - Trung Quốc, có cấu trúc địa chất gần tương tự như vùng trũng An Châu, đã có những phát hiện dầu khí cả trong móng Paleozoi lẫn trầm tích lớp phủ Mesozoi.
Sau khi đất nước tiến hành đổi mới đến 2010, các kết quả nghiên cứu chủ yếu là tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước đây. Thực hiện chủ trương của PVN, PVEP Sông Hồng đã lập đề án điều tra khảo sát tài nguyên dầu khí khu vực Trũng An Châu và đã được PVN phê duyệt triển khai giai đoạn I từ tháng 2/2012.
Các nhà khoa học tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã nghe báo cáo nghiên cứu đánh giá của PVEP Sông Hồng về các kết quả thu được trong giai đoạn 1 nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu cấu trúc, đánh giá tầng sinh tầng chứa và tiềm năng dầu khí truyền thống, phi truyền thống tại vùng trũng An Châu. PVEP Sông Hồng đã tiến hành khảo sát quy mô, thu thập và phân tích mẫu địa hóa, thạch học, cơ lý; nghiên cứu thạch học, môi trường trầm tích; tiến hành khảo sát địa hóa khí bề mặt, khảo sát từ - trọng lực hàng không độ phân giải cao... tại vùng trũng An Châu. Khối lượng công việc được thực hiện với 332 mẫu loại, 14 lỗ khoan nông sâu ~100m, khảo sát 477km tuyến địa hóa khí bề mặt và 9118km tuyến từ - trọng lực hàng không. Giai đoạn 1 đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc của dự án đề ra, làm rõ đặc điểm địa tầng, môi trường trầm tích và lần đầu tiên xây dựng được sơ đồ khái quát môi trường trầm tích của các thành tạo Mesozoi trên mặt.
Căn cứ các kết quả nghiên cứu phân tích mới của giai đoạn 1, báo cáo đã đưa ra các kết luận đáng chú ý là xác định được hệ thống đứt gãy chính và các cấu trúc nâng hạ của mặt móng, phát hiện một số cấu tạo dị thường trọng lực dương và xác định có thể tồn tại hai hệ thống dầu khí trong Paleozoi và Mesozoi.
Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thành phố Hà Nội Vũ Văn Kính kết luận tại hội thảo
PVEP Sông Hồng đã đề ra phương hướng tìm kiếm thăm dò tiếp theo với mục tiêu tiếp tục làm rõ mô hình cấu trúc các thành tạo Paleozoi, Mesozoi và hệ thống dầu khí vùng trũng An Châu, xác định đối tượng tiềm năng và phân vùng triển vọng. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn tiếp theo là tập trung nghiên cứu hệ thống dầu khí Pz (D, C-P) và Mz (chủ yếu trong Trias); nghiên cứu tiềm năng khí đá phiến sét tong các hệ tầng Mia Lé, Lạng Sơn và Văn Lãng; nghiên cứu tiềm năng khí trong cát kết chặt sít trong các thành tạo Trias.
Tại hội thảo này, PVEP Sông Hồng cùng các nhà khoa học sau khi trao đổi thảo luận các phương án được đưa ra đã thống nhất phương án tối ưu nhất cho giai đoạn tiếp theo là: đồng thời với việc tiến hành khảo sát địa chấn 2D theo 2 tuyến ưu tiên Tây Bắc – Đông Nam sẽ lựa chọn khoan giếng khoan tham số - tìm kiếm tại vị trí có cơ sở tin cậy nhất để kết thúc dự án sẽ có câu trả lời rõ nét về tiềm năng dầu khí của Trũng An Châu.
PVEP Sông Hồng sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, tài liệu đã thu thập được và hoàn thiện báo cáo chính thức, trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt giai đoạn tiếp theo của đề án.