Dự kiến, Nga sẽ xây dựng những bể ngầm có thể chứa 15 triệu tấn dầu mỏ. Theo các chuyên gia, nếu ý tưởng này được thực hiện thì Nga sẽ có một nguồn dự trữ dầu mỏ giống như dự trữ vàng, ngoại tệ.
Từ cuối tháng 8/2011, Bộ Năng lượng Nga đã công bố cuộc thi “đề xuất và luận chứng về tính hợp lý của việc tạo nguồn dự trữ dầu mỏ của nhà nước ở Nga”. Viện Năng lượng và Tài chính Mátxcơva đã thắng trong cuộc thi và được giao chuẩn bị dự án. Hiện nay dự án đã được hoàn thành. Bộ Năng lượng tuyên bố luận chứng kinh tế – kỹ thuật đã xong và những kết quả của dự án đã được thông qua. Kết luận chính của bản báo cáo là Nga cần phải có nguồn dự trữ dầu mỏ của riêng mình.
Ông Vladimir Feigin, Viện trưởng Viện Năng lượng và Tài chính, một trong những tác giả của bản báo cáo được chuẩn bị cho Bộ Năng lượng, cho biết dự trữ dầu mỏ có hai mục đích. Thứ nhất, để tác động đến thị trường trong nước. Thứ hai, mục đích quan trọng hơn là để tác động đến khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Ông Feigin nói: “Nếu chúng ta bán dầu từ nguồn dự trữ ở thời điểm giá cao nhất, chúng ta có thể được lợi hơn, đồng thời kéo giá xuống. Và chúng ta ít nhiều giữ được giá, bằng cách mua dầu mỏ để dự trữ khi giá dầu hạ. Các giai đoạn giá cao và thấp sẽ tiếp tục trong vài tháng, do đó, để không phải nhượng bộ giá, hệ thống dự trữ cần được tạo ra sớm hơn”.
Theo Vladimir Revenko, phụ trách một bộ phận thuộc Viện Năng lượng và Tài chính, tính toán sơ bộ trong dự án là tạo ra nguồn dự trữ 15 triệu tấn. Ông Revenko nói: “Xây dựng các bể chứa trên mặt đất với khối lượng như vậy sẽ rất tốn kém. Vì vậy, chúng tôi đề xuất xây dựng các bể chứa dầu mỏ dưới lòng đất trong các mỏ muối. Mỗi bể chứa phải được xây dựng để chứa các loại dầu chủ yếu của chúng ta (dầu Urals, ESPO, Siberia Light). Sẽ là lôgích nếu nguồn dự trữ dầu có một văn bản luật pháp riêng để điều chỉnh, khác với các văn bản điều chỉnh các nguồn dự trữ khác của Nga.
Ông Mikhail Silin, Phó hiệu trưởng thứ nhất của Trường đại học Dầu khí Quốc gia I.M. Gubkin, nhận định các nguồn dự trữ của chính các nhà máy lọc dầu không lớn và chỉ bảo đảm hoạt động trong 2-3 ngày. Việc bảo toàn các giếng dầu không thật hiệu quả, về mặt công nghệ lấy dầu từ bể chứa dễ dàng hơn nhiều. Ông Silin nhấn mạnh việc xuất khẩu không phải là chủ yếu, mà cần phải đặt an ninh của nền kinh tế quốc dân lên hàng đầu.
Nguồn dự trữ 15 triệu tấn dầu mỏ do Viện Năng lượng và Tài chính đề xuất là 3% khối lượng dầu được khai thác ở Nga trong năm 2011 (511 triệu tấn) và dưới 6% số dầu đã được chế biến. Năm ngoái, Nga đã bắt đầu tạo nguồn dự trữ dầu mỏ, tồn tại độc lập với nguồn dự trữ chiến lược. Nếu trên thị trường xuất hiện tình trạng thiếu hụt (chẳng hạn, do nhà máy chế biến dầu mỏ nào đó đột nhiên ngừng hoạt động), thì theo quyết định của một ủy ban đặc biệt của chính phủ, các đại lý của nhà nước thuộc “Rosneftegaz” cần nhanh chóng loại bỏ tình trạng thiếu hụt đó.
Trên thế giới, nhiều nước đã có nguồn dự trữ dầu mỏ như Mỹ, Đức, Pháp, Nam Phi. Trong đó, Mỹ dự trữ hơn 100 triệu tấn dầu mỏ trong 4 bể chứa ngầm. Chi phí cho việc cất giữ này là 2 USD/tấn/năm. Có nghĩa là để duy trì các nguồn dự trữ 15 triệu tấn vàng đen, mỗi năm Nga sẽ phải chi khoảng 30 triệu USD. Các tác giả của bản báo cáo đề xuất cần phải chủ động quản lý các nguồn dự trữ để bù đắp cho các chi phí này. Theo ông Feigin, kết hợp kinh phí từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách là hợp lý.
Theo petrotimes.vn