Những đề xuất mới của Tổng thống Putin bao gồm bãi bỏ thuế xuất khẩu với những dự án dầu khí khả thi ngoài khơi. Đặc biệt hơn, ông Putin đã đề xuất cho phép các công ty dầu khí tư nhân khai thác dầu khí ở các mỏ ngoài khơi nước Nga vốn trước đây được ưu tiên cho các công ty nhà nước như Gazprom, Rosneft.
Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là một nỗ lực nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án khí đốt khổng lồ Shtokman cũng như tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác chiến lược khai thác dầu khí ở Bắc Cực giữa ExxonMobil của Mỹ và tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga.
Nga là nước khai thác dầu thô hàng đầu thế giới và đang có kế hoạch đến năm 2020 khai thác ít nhất 10 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, để duy trì tổng sản lượng, đang sụt giảm tại các mỏ truyền thống và các mỏ đang cạn kiệt dần ở Tây Siberia, Nga đang thúc đẩy tìm kiếm, khai thác những mỏ mới ở Bắc Cực và Đông Siberia.
Tại một cuộc họp có sự tham dự của những người đứng đầu 2 tập đoàn dầu mỏ và khí đốt quốc gia Rosneft và Gazprom và một số thành viên Chính phủ, Thủ tướng Putin cũng cam kết rằng tất cả các quy định được đề xuất không nên được thay đổi trong ít nhất 15 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy mô công nghiệp.
“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là đảm bảo sự lãnh đạo của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu”, ông Putin nói.
Ông cũng đề xuất đánh thuế khai thác khoáng sản thấp hơn cho các dự án dầu khí phức tạp ở Bắc Cực.
Theo ông Putin, các dự án ngoài khơi, nơi dự trữ dầu khí của Nga được ước tính khoảng hơn 100 tỷ tấn dầu tương đương, cần thu hút đầu tư ít nhất là 500 tỷ USD trong khoảng thời gian 30 năm.
Các nhà thầu tham gia dự án khai thác mỏ khí đốt Shtokman là Gazprom, Total (Pháp) và Statoil (Na Uy) từ lâu đã vận động hành lang xin được miễn, giảm các loại thuế như thuế xuất khẩu, thuế khai thác khoáng sản,… Thậm chí, liên doanh này đã trì hoãn quyết định đầu tư cuối cùng đến vài lần vì môi trường thuế thiếu ổn định ở Nga.
Tuần trước, một quan chức hàng đầu của liên doanh này còn cho biết họ có thể gác lại kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Bắc Cực và chỉ tập trung vào sản xuất khí đốt hóa lỏng.
“Thách thức hiện nay là vấn đề làm cho dự án có tính khả thi thương mại. Điều này có thể có được nhờ giảm chi phí đầu tư và có một khuôn khổ tài chính tại chỗ với các dự án phức tạp ở ngoài khơi như thế này”, phát ngôn viên của Statoil – ông Baard Pedersen vui mừng trước tín hiệu tích cực của chính phủ Nga.
Các nhà phân tích và giới chuyên gia cho rằng, để duy trì mức sản lượng dầu cao kỷ lục như hiện tại, Nga phải cho phép các công ty tư nhân khai thác các mỏ ngoài khơi. Hiện nay, pháp luật Nga đang hạn chế sự tham gia vào các dự án dầu khí ngoài khơi Bắc Cực của các công ty, ngoại trừ Gazprom và Rosneft.
Trước đó, hôm 12/4, một phát ngôn viên của nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 của Nga – hãng dầu khí tư nhân Lukoil – vốn luôn phàn nàn rằng họ không được tham gia khai thác các mỏ lớn ở Nga, cho biết: Lukoil, Surgutneftegaz, TNK-BP và Bashneft đã cùng ký một bản kiến nghị lên Thủ tướng Putin, đề nghị ông cho phép họ tham gia khai thác vào các dự án dầu khí ngoài khơi.
Thủ tướng Putin – người sẽ trở lại điện Kremlin vào tháng 5 cho nhiệm kỳ Tổng thống 6 năm tới đã ra tín hiệu rằng: ông có thể chấp thuận yêu cầu này.
Theo petrotimes.vn