Theo ông Obama, thị trường dầu hỏa tuy khắt khe nhưng đủ để cung cấp mà không cần dầu Iran. Việc cấm vận có mục đích cô lập hơn nữa đối với Ngân hàng Trung ương của Iran, là nơi trung chuyển hầu hết nguồn tiền mua dầu hỏa từ Iran trên trường quốc tế. Quyết định của ông Obama dọn đường cho Mỹ bắt đầu trừng phạt các cơ sở tài chính ngoại quốc đang kinh doanh dầu hỏa với Iran, bằng cách ngăn họ không được mở chi nhánh tại Mỹ hay làm ăn tại đây.
10 nước EU và Nhật được ngoại lệ vì đã tự nguyện cắt giảm việc mua dầu của Iran từ trước. Ngoại lệ này được xem là dấu hiệu Mỹ nhắm tới Iran chứ không phải nhắm tới đồng minh. Các nước khác có thời hạn ba tháng để chứng tỏ họ có cắt giảm việc mua dầu của Iran một cách đáng kể, trước khi biện pháp trừng phạt bắt đầu được thi hành.
Vấn đề cho Obama là phải quyết định xem khi các nước khác không thể mua dầu Iran thì có đủ dầu từ nguồn khác không. Ðây là một câu hỏi cũng có khía cạnh chính trị, vào thời điểm giá xăng quá cao trong thời gian bầu cử tổng thống. Obama bật đèn xanh sau khi cân nhắc đến lượng dầu dự trữ có sẵn, gia tăng sản xuất dầu ở các nước khác, kể cả đến tình trạng kinh tế trên toàn cầu. Nhà Trắng nhấn mạnh, Obama sẽ tiếp tục để mắt đến thị trường dầu hỏa, để bảo đảm thị trường này lẫn giới tiêu thụ vẫn còn chịu đựng được trước việc giảm mua dầu của Iran.
Với giá dầu đã tăng cao trong năm nay, vào lúc càng có thêm căng thẳng về việc tranh cãi vấn đề nguyên tử giữa Iran với các nước Tây phương, giới chức Mỹ tìm cách bảo đảm rằng sự thúc giục các nước thôi mua dầu của Iran sẽ không làm giá xăng tăng cao hơn nữa. Cho đến giờ phút này, không rõ việc cấm mua dầu của Iran sẽ ảnh hưởng đến giá xăng như thế nào.
Mỹ dự trù bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận từ ngày 28/6/2012, trong khi việc cấm mua dầu của châu Âu đã được chấp thuận từ tháng Giêng.
Theo các giới chức chính phủ Obama, Iran sắp phải đối diện với một áp lực kinh tế đè nặng nhất từ xưa đến nay. Mỹ hiện hoàn toàn không mua dầu của Iran.
Những nước mua dầu quan trọng của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Hàn Quốc. Chính phủ Mỹ sẽ miễn cưỡng phải trừng phạt một quốc gia thân hữu như Hàn Quốc hay Ấn Ðộ, hoặc một đồng minh trong khối NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện đang làm việc với những nước này để thuyết phục họ giảm mức nhập khẩu dầu của Iran. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/3 thông báo giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran bớt 20%, có vẻ như trước áp lực cấm vận của Mỹ.
Cả Mỹ lẫn các nước đồng minh đều tin rằng Iran đang theo đuổi việc chế tạo bom nguyên tử, điều mà Iran vẫn luôn bác bỏ. Biện pháp ngoại giao của Obama nhằm bóp nghẹt Iran được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng Quốc hội, trước đây chấp thuận kế hoạch cấm vận nằm trong một ngân sách quốc phòng thông qua hồi tháng 12/2011.
Các chuyên gia về dầu hỏa trong phiên điều trần trước một ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm 29/3 trình bày rằng, căng thẳng về vấn đề Iran đã thực sự đẩy giá xăng ở Mỹ lên cao. Và việc gia tăng cấm vận sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn nữa.
Petrotimes.vn