Tin chuyên ngành

Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận đã thu hút 4,7 tỉ USD

Chiều 23/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và vùng phụ cận.

Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn.

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, diễn ra ngay sau Lễ khởi công Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn – dự án lọc hóa dầu tầm cỡ Đông Nam Á.

KKT Nghi Sơn là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm được Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Với các dự án trọng điểm, có tác động đòn bẩy phát triển như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, cảng biển nước sâu Nghi Sơn, sân bay Thọ Xuân, và nhiều dự án khác, tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội, vận hội lớn.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện tại có 5 khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Cùng với việc xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn; thực hiện Thông báo số 55 ngày 4/2/2013 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa, để phát huy lợi thế của Cảng Hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa đang tập trung xây dựng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng thành Khu liên hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với đô thị du lịch dịch vụ hiện đại, có tổng diện tích khoảng 6.000 ha, định hướng trong tương lai sẽ cùng với KKT Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh.

Đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng, được vận hành theo quy chế đặc thù với những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhất trong cả nước. KKT Nghi Sơn có Cảng nước sâu Nghi Sơn lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam.

Sau hơn 7 năm thành lập đi vào hoạt động, KKT Nghi Sơn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội và thực hiện các dự án đầu tư. Đến nay, đã thu hút được 65 dự án đầu tư, tổng mức vốn đăng ký đầu tư khoảng 16,8 tỉ USD, trong đó có 15 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 10 tỉ USD.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Marubeni và Công ty Kepco ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn nhận thức: “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu trước mắt và lâu dài của Thanh Hóa” và cam kết “Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt những nhiệm vụ: Đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng; phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, phát huy tiềm năng; chú trọng tay nghề của người lao động. Ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là kỹ năng quản lý tiên tiến. Tiếp tục nâng cao thủ tục hành chính, chú ý đến vấn đề môi trường, không thể để tỉnh phát triển với công nghệ thấp. Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu kinh tế xã hội với vùng biên, hải đảo. Tạo động lực thương mại trong kết cấu với các nước ASEAN. Tỉnh phải tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương luôn quan tâm theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hấp dẫn trong thu hút đầu tư để họ yên tâm làm ăn tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại diễn đàn, tỉnh Thanh Hóa thực hiện lễ ký kết và trao giấy chứng nhận đầu tư. Ông Eiji Hijikata, Giám đốc điều hành cấp cao Ban Điện và cơ sở hạ tầng, Đại diện Tập đoàn Marubeni, Nhật Bản và ông Seonho Baek, Tổng Giám đốc Ban Kinh doanh ở nước ngoài, Công ty Kepco; đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại KKT Nghi Sơn có công suất 1.200MW, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 2,3 tỉ USD do Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn Marubeni – Nhật Bản và Công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco) thực hiện. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm từ tháng 4/2015 đến tháng 4/2019, thời gian vận hành thương mại 25 năm.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Cũng tại diễn đàn, đồng chí Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Thọ Xuân – Thanh Hóa, Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn, Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD của Công ty TNHH Bảo Đức; Dự án Cảng quốc tế Gang thép Nghi Sơn và dự án Tổ hợp dịch vụ Khu Kinh tế Nghi Sơn, Dự án thứ 6 là Bến cảng container Minh Quang, Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp, Dự án Cảng chuyên dụng Công Thanh, Dự án tiếp Trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, được đầu tư giữa Công ty CP Sữa Việt Nam và Công ty TNHH Thống Nhất; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; Dự án thứ 11 là Tổ hợp khách sạn, nhà hàng Mường Thanh, Thanh Hóa.

Bên cạnh 11 dự án vừa trao giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm 8 dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận. Như vậy, tại Diễn đàn này đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư trên 4,7 tỉ USD. Với số lượng dự án và tổng vốn đầu tư thu hút được, chắc chắn KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận tỉnh Thanh Hóa sẽ có nhiều bước phát triển nhanh chóng và tốt đẹp.

Nhìn nhận Thanh Hóa có khả năng thu hút các nhà đầu tư lớn như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án nhỏ mà lãnh đạo tỉnh vừa trao giấy chứng nhận, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần gắn kết chặt chẽ môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, học tập các mô hình phát triển kinh tế của một vài nước đang phát triển tương đương… để tăng tốc phát triển kinh tế.

Bà Victoria Kwakwa đánh giá, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với các dự án đầu tư lớn khác trong KKT Nghi Sơn có thể là cực tăng trưởng quan trọng cho tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận.

Diễn đàn cũng ghi nhận những đóng góp về mặt chính sách, kinh nghiệm phát triển khu kinh tế của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Kazutoshi Shimmura.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kazutoshi Shimmura, Tổng Giám đốc Liên doanh Lọc hóa Dầu Nghi Sơn: Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỉ USD mong muốn trở thành một nhà đầu tư có thế mạnh cạnh tranh có tầm cỡ thế giới trong thị trường năng lượng và là tổ hợp đầu tư mẫu mực nhất cho các nhà đầu tư châu Á tại Việt Nam. Khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An.

Đức Chính - Hiền Anh


Bài viết liên quan