Tin chuyên ngành

Dự án NMNĐ Long Phú 1: Công trình trọng điểm về năng lượng điện quốc gia

Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Long Phú 1 thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú đặt tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, được Chính phủ phê duyệt và giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất 2x600 MW, sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn, đốt than phun, nhiên liệu chính là than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc.

Để thực hiện dự án, ngày 11/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 978/TTg-KTN về danh mục các dự án chỉ định thầu trong năm 2010 của PVN, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định thầu NMNĐ Long Phú 1.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PVN đã tiến hành tìm kiếm và chọn ra đơn vị đủ năng lực và uy tín cho vị chí tổng thầu dự án. Sau 6 tháng chuẩn bị, trên cơ sở phương án thực hiện gói thầu EPC do PTSC đệ trình đã được PVN đánh giá đáp ứng nhu cầu của dự án cũng như chỉ đạo của Chính phủ khi đồng ý cho phép PVN chỉ định thầu, tại công văn số 10941/DKVN-HĐTV ngày 2/12/2010, PVN đã báo cáo Chính phủ về việc xin phê duyệt phương án nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án NMNĐ Long Phú và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Việc định hướng PTSC làm tổng thầu EPC cho NMNĐ Long Phú 1 nhằm mục đích từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành cơ khí trong nước và phát triển mô hình tổng thầu cho các đơn vị trong ngành để tham gia thực hiện các dự án trong và ngoài ngành theo chiến lược phát triển của ngành Dầu khí đã được Thủ tướng chấp thuận. PVN đã quán triệt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị tại thông báo số 246/TB-TW (ngày 31/7/2009) cũng như Chỉ thị số 494/CP-TTg (ngày 20/4/2010) của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản phẩm trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.

PTSC là đơn vị chủ lực hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao cho ngành công nghiệp dầu khí ở trong và ngoài nước. Tổng số cán bộ công nhân viên của PTSC hiện có khoảng trên 9.000 người với năng lực chuyên môn tốt và được rèn luyện qua môi trường hoạt động kinh doanh quốc tế. Tổng giá trị tài sản của PTSC năm 2012 là 21.223 tỉ đồng. Doanh thu của PTSC năm 2012 là 25.522 tỉ đồng. Hiện nay, Tổng công ty PTSC với hơn 25 công ty con trực thuộc, đã trở thành một nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu tại Việt Nam và có tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á.

PTSC đã và đang tham gia với tư cách tổng thầu EPC/EPIC/EPCI nhiều công trình và dự án lớn trên bờ cũng như ngoài khơi, trong và ngoài ngành Dầu khí: Thiết kế, mua sắm, chế tạo, tổ hợp, lắp dựng, tiền chạy thử, hạ thuỷ, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử các giàn khoan (Tam Đảo 03, Biển Đông, Sư Tử Trắng, Tê Giác Trắng, Chim Sáo, Sư Tử Đen, Lan Tây); Đóng mới kho nổi FSO5, Khối thượng tầng SDA, Tháp đuốc Sư Tử Vàng; Cung cấp dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Mua sắm vật tư chính và thi công, tiền chạy thử khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm HEERA (HRD) cho chủ đầu tư ONGC (Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ)… Đây là điều kiện thuận lợi và bảo đảm tốt để PTSC “chèo lái” cũng như tìm kiếm, lựa chọn các nhà thầu phụ đủ uy tín và năng lực cho việc triển khai dự án.

Trong những năm qua, suy thoái kinh tế đã tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng cơ bản. Nhiều dự án lớn đã phải dừng, giãn tiến độ do khó thu xếp được vốn. Dự án NMNĐ Long Phú 1 cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Những diễn biến không thuận lợi về tình hình kinh tế, tài chính trong nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tìm được đối tác vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thương mại và vừa thu xếp vốn khả thi để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án.

Phối cảnh Trung tâm Điện lực Long Phú.

Dự án NMNĐ Long Phú 1 là dự án trọng điểm của Nhà nước có vốn đầu tư rất lớn, trong hoàn cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì việc thu xếp vốn phụ thuộc nhiều vào nhà thầu. Sau một quá trình đàm phán hết sức khó khăn, Tổng thầu PTSC đã đạt được thỏa thuận và lựa chọn được Nhà thầu OJSC Power Machines (PM) và BTG là các nhà thầu phụ cung cấp thiết bị, đáp ứng cơ bản yêu cầu kỹ thuật của dự án và có phương án thu xếp vốn khả thi, tổng thể cho dự án đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Theo đó, trong quá trình triển khai dự án, nhà thầu phụ nước ngoài sẽ đảm nhận công tác cung cấp thiết bị chính, chạy thử cũng như chịu trách nhiệm về các thông số kỹ thuật của nhà máy. PTSC và các doanh nghiệp trong nước đảm nhận việc xây dựng, lắp đặt và gia công kết cấu/thiết bị trong nước.

Một điều hết sức quan trọng theo thỏa thuận, Nhà thầu PM cam kết sẽ chịu trách nhiệm thu xếp tối thiểu 80% vốn của hợp đồng EPC. Nguồn vốn này xuất phát từ vốn vay tín dụng từ các nước xuất khẩu hàng hóa (thiết bị, dịch vụ), tức là nguồn vốn có thời hạn dài, lãi suất cạnh tranh, phù hợp với yêu cầu tối đa hóa nguồn vốn của Chính phủ và chủ trương của PVN về đầu tư phát triển cũng như tính chất của các dự án hạ tầng. Đồng thời, nguồn vốn do Nhà thầu PM cam kết nêu trên cũng đã được các cơ quan cấp bảo hiểm tín dụng EXIAR, EGAP, EXIMBANKA cam kết hỗ trợ bảo hiểm vốn vay cho chủ đầu tư. Đây là điều kiện then chốt để đảm bảo việc thu xếp vốn cho dự án thành công.

Với những lý do quan trọng nêu trên, việc kiến nghị điều chỉnh Tổng thầu PTSC thành Liên danh nhà thầu, trong đó PTSC vẫn là thành viên, trong khi nhà thầu cung cấp thiết bị PM-BTG làm thành viên đứng đầu liên danh là việc làm cần thiết để đảm bảo việc triển khai dự án thành công, đúng yêu cầu của Chính phủ cũng như nhằm tránh những bất cập khi nhà máy đi vào chạy thử. Chính vì thế, PTSC đã báo cáo PVN kiến nghị thành lập Liên danh tổng thầu giữa nhà thầu nước ngoài và PTSC để thực hiện hợp đồng EPC cho NMNĐ Long Phú 1, trong đó PM - BTG là nhà thầu đứng đầu liên danh.

Dự án Biển Đông 1 thi công trên biển rất khó khăn, phức tạp do PTSC làm tổng thầu.

Đề xuất của PTSC cần được hiểu là sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư áp dụng phương pháp điều chỉnh cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Việc thành lập Liên danh tổng thầu này cần phải thực hiện để có thể thu xếp vốn thành công, gắn trực tiếp trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài này với chủ đầu tư và giảm thiểu các vướng mắc về thủ tục trình duyệt, kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án và tăng hiệu quả quản lý dự án. Sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, PVN nhận thấy kiến nghị của PTSC cũng như mô hình thực hiện dự án theo hình thức liên danh tổng thầu là hợp lý. Trên cơ sở đó, PVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chủ thể trong hợp đồng EPC của NMNĐ Long Phú 1 từ PTSC là Tổng thầu thành Liên danh tổng thầu PM-BTG-PTSC trong đó PM-BTG là thành viên đứng đầu liên danh.

Trước những đề xuất hợp lý trong phương án điều chỉnh mà PTSC và PVN đã kiến nghị, ngày 7/8/2013, Bộ Công Thương có công văn số 801/TCNL-NĐ&ĐHN chỉ đạo PVN sớm xem xét triển khai các thủ tục chỉ định Tổ hợp nhà thầu gồm PM-BTG-PTSC làm Liên danh tổng thầu EPC cho dự án.

Từ kiến nghị cụ thể của PVN, Bộ Công Thương đã tiến hành thẩm định và báo cáo Chính phủ về phương án điều chỉnh. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ (tháng 8/2013), đa số các bộ ngành đã đồng thuận phương án điều chỉnh tổng thầu dự án NMNĐ Long Phú 1 như kiến nghị của Bộ Công Thương và PVN, theo đó trong Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 6/9/2013 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 đã chỉ rõ: “Chính phủ đã thống nhất thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù theo đề nghị của Bộ Công Thương đối với dự án NMNĐ Long Phú 1”. Đây là “phương thuốc đặc trị” xóa đi mọi nghi ngại liên quan đến dự án như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh thời gian qua. Có thể thấy rằng, việc Chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc thù với dự án NMNĐ Long Phú 1 mà cụ thể là chấp thuận phương án điều chỉnh tổng thầu là biện pháp kịp thời trước diễn biến thực tế. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu không có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt, việc triển khai xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy việc triển khai dự án xây dựng NMNĐ Long Phú 1 là chủ trương lớn của Chính phủ, trong đó PVN là đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai dự án, PVN đã thực hiện đúng các quy trình, theo đúng pháp luật. Từ công tác lựa chọn nhà thầu, tháo gỡ những vướng mắc đều được PVN tiến hành công khai minh bạch, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương. Dưới sự chỉ đạo sát sao và cơ chế hợp lý của Chính phủ và Bộ Công Thương, PVN đã và đang tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tiếp tục triển khai dự án theo yêu cầu đã đề ra.

OJSC Power Machines (PM) được thành lập từ 1857 với cái tên: Leningradsky, sản xuất tới 95% tất cả các sản phẩm cho nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân tại CHLB Nga. Tập đoàn PM có tới 58 nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân lành nghề. Đây cũng chính là tập đoàn tham gia một phần thiết kế và thi công công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình năm xưa ở nước ta, một công trình hợp tác tầm cỡ thế kỷ với biết bao ý nghĩa sâu sắc, dạt dào tình hữu nghị Việt - Xô.

P.V Petrotimes


Bài viết liên quan