Tin chuyên ngành

Điểm tin dầu khí quốc tế

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Shell Trung Quốc đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) thăm dò, khai thác và phát triển khí đá phiến sét trên khối Fushun-Yongchuan trong lưu vực Tứ Xuyên của Trung Quốc.

 

Giàn khoan nước sâu "Dầu khí Hải dương 981" của Công ty TNHH Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC)

Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ tránh xa Biển Đông: Gọi Biển Đông là một khu vực tranh chấp, Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ kiềm chế trong việc thăm dò và khai thác dầu ở các lô giàu tiềm năng tài nguyên của Việt Nam nhằm đảm bảo “hòa bình và ổn định” trong khu vực. Phó phụ trách Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Duy Đồng nhấn mạnh chủ quyền các đảo ở Biển Đông là một vấn đề lớn và Ấn Độ không nên tiến hành các hoạt động thăm dò cho tới khi có giải pháp cụ thể với vấn đề này. (Theo India Times)

Malaysia: Thủ tướng Malaysia Najib Rajak cho biết nước này sẽ tạm dừng nhập khẩu dầu từ Iran. Hãng thông tấn chính thức của Malaysia Bernama thì cho hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) sẽ ngừng nhập dầu của Iran từ tháng 4 tới, trước thời hạn lệnh cấm nhập dầu Iran của Mỹ có hiệu lực 2 tháng. Ước tính mỗi ngày Malaysia nhập khoảng 50.000 – 60.000 thùng dầu thô từ Iran. (Theo Menafh)

Thái Lan: Tập đoàn Thăm dò và Khai thác Dầu khí Thái Lan (PTTEP) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) sẽ tăng lượng khí đốt cung cấp cho Thái Lan trong thời gian từ ngày 8 – 17/4 do nguồn cung cấp khí từ Myanmar phải tạm dừng để bảo dưỡng. Trong khoảng thời gian trên, PTTEP và Petronas sẽ cung cấp thêm 50 triệu feet khối tiêu chuẩn khí mỗi ngày từ khu vực phát triển chung Thái Lan – Malaysia. Bên cạnh đó, một lượng khí đốt tương tự cũng được PTTEP cung cấp bổ sung từ dự án South Bongkok. Theo Thư ký thường trực Bộ Năng lượng Thái Lan Norkun Sitthiphong, dự trữ năng lượng của Thái Lan trong khoảng thời gian này sẽ bị giảm xuống từ 5 – 20%. (Theo Business Time – Malaysia)

Indonesia: Đề xuất tăng giá nhiên liệu lên thêm 1.500 Rp/lít xăng của chính phủ đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Jakarta và các thành phố khác của Indonesia vài ngày qua và khiến lực lượng cảnh sát nước này phải vất vả đối phó để ngăn chặn biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực. Hạ viện Indonesia đứng trước 2 sự lựa chọn: 1 là giới hạn trợ cấp năng lượng của chính phủ đến 225,6 nghìn tỉ Rp (24,6 tỉ USD) và cho phép chính phủ tăng giá nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục tăng; 2 là giới hạn trợ cấp năng lượng của chính phủ đến 243 nghìn tỉ Rp và không tăng giá nhiên liệu. (Theo Bernama)

Indonesia: Salamander Energy Plc (SMDR) đang tìm kiếm đối tác thăm dò tại mỏ North Kutei ở Indonesia. Theo SMDR, mỏ North Kutei có trữ lượng 676 triệu thùng dầu quy đổi. (Theo Bloomberg)

Trung Quốc: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Shell Trung Quốc đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) thăm dò, khai thác và phát triển khí đá phiến sét trên khối Fushun-Yongchuan trong lưu vực Tứ Xuyên của Trung Quốc. Theo đó, diện tích khí đá phiến quy định trong hợp đồng PSC của 2 bên theo phê duyệt của chính phủ là 3.500 km2. Khí đốt chiếm 4% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc trong năm 2010. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính tài nguyên đá phiến sét ở Tứ Xuyên và và lưu vực Tarim ở mức 145 nghìn tỉ m3. (Theo OGJ)

Trung Quốc: Chủ tịch Phó Thành Ngọc (Fu Chengyu) của Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec Corp) cho biết hãng lọc dầu lớn nhất châu Á này đang chuẩn bị mua lại các tài sản thượng nguồn ở nước ngoài từ công ty mẹ của mình – Tập đoàn Sinopec để tăng cường mảng thăm dò và phân phối sản xuất đang tương đối yếu của mình. Tuyên bố này của ông Fu được đưa ra sau công bố lợi nhuận Quý IV/2011 của Sinopec Corp sụt giảm mạnh do thua lỗ ở phân khúc lọc hóa dầu.

Giàn khoan của Malaysia ở vùng biển quần đảo Trường Sa

Iran: Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan Shell đang phải “chật vật” tìm phương án trả gần 1 tỉ USD (tương đương khoảng 8 triệu thùng dầu) nợ tiền mua dầu của Iran do bị  các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ và Liên minh châu Âu “làm khó”. Với khối lượng hợp đồng 100.000 thùng/ngày với Iran, cùng với Total của Pháp, Shell chỉ đứng sau Tupras của Thổ Nhĩ Kỳ trong danh sách khách hàng công ty lớn nhất của Iran. (Theo Reuters)

Iran: Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 3/2012 đã giảm mạnh do lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc nhiều khách hàng phải hạn chế hoặc ngừng mua dầu từ nước này. Công ty tư vấn Petrologistics cho biết trong tháng 3/2012, lượng xuất khẩu dầu thô của Iran giảm khoảng 300.000 thùng so với tháng 2/2012, tương đương 14%. Petrologistics ước tính lượng xuất khẩu dầu thô tháng 3/2012 của Iran là 1,9 triệu thùng, ít hơn so với 2,2 triệu thùng trong tháng 2/2012. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Mỹ của ngân hàng Societe Generale, ông Mike Wittner, dự báo: “Xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và giá sẽ tăng, đây là phản ứng tự nhiên”. (Theo Reuters)

Qatar: Giám đốc điều hành Khalid bin Khalifa Al-Thani của Qatargas – nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới dự định dừng hoạt động của cả 3 phân xưởng sản xuất LNG tại nhà máy Qatargas-1 cùng một lúc, trong 3 tuần bắt đầu từ tuần thứ 3 của tháng Tư. Qatargas-1 có 3 phân xưởng sản xuất LNG với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm. “Đây là một kế hoạch dừng hoạt động bình thường”, ông Khalid cho biết. Qatargas-1, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 1996, được kiểm soát bởi Qatar Petroleum (QP) với ExxonMobil, Total, Mitsui, Marubenni. (Theo Reuters)

Kenya: Công ty dầu khí Anh Tulow Oil đã phát hiện dầu khí đầu tiên ở phía Bắc nước này và đang tiến hành kiểm tra tính khả thi thương mại của dầu. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch giảm thuế cho các công ty thăm dò dầu khí theo một đạo luật mới, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Phi (Theo Reuters)
Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan