Tin chuyên ngành

“Làm cho khốc hại chẳng qua vì… dầu!”

Kể từ khi Libya được gỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế năm 2003, nhà lãnh đạo Kaddafi đã có quãng thời gian "7 năm hữu hảo" với phương Tây. Tuy nhiên, "tình sử" trên đã nhanh chóng chấm dứt với một kết cục bi thảm cho Kaddafi, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó dầu mỏ được cho là lý do hàng đầu.

Tình bạn với Berlusconi

Italia từ nhiều năm qua vẫn là quốc gia hàng đầu tham gia vận động hành lang cho quyền lợi của Libya trên diễn đàn quốc tế. Roma tất nhiên làm điều này không phải là không vụ lợi – Chính phủ Italia rất quan tâm đến các thương gia của mình trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác tại một thị trường giàu tiềm năng như Bắc Phi. Đó là lý do việc gỡ bỏ cấm vận Libya đã được Roma đón nhận với thái độ hân hoan. Giới thương gia Italia từ lâu đã thâm nhập và khai thác nhiều mỏ dầu tại thị trường này. Chỉ một năm sau khi gỡ bỏ cấm vận, Italia đã xây dựng xong tuyến đường ống dẫn khí Green stream để chuyển khí đốt của Libya tới châu Âu.

Ngày 30/8/2008, Kaddafi và Berlusconi tại Bengazi đã đặt bút ký một thỏa thuận lịch sử về việc phát triển quan hệ hợp tác chính trị và kinh tế, được biết với cái tên Hiệp ước về tình hữu nghị, đối tác và hợp tác giữa Libya và Italia. Đáng chú ý là Italia cam kết rót vào Libya những khoản đầu tư lớn để đổi lại việc họ được ưu tiên những mỏ khoáng sản của Libya, chủ yếu là dầu và khí đốt.

Từ "bạn hàng lớn" đã trở thành kẻ thù

Rất nhanh chóng sau khi Hiệp ước Hợp tác hữu nghị được ký kết, Italia đã có mặt trong danh sách 3 nhà đầu tư hàng đầu vào Libya. Về phần mình, Tripoli cũng tích cực rót vốn vào nền kinh tế của đối tác châu Âu này. Tháng 10/2008, Libya mua một lô cổ phần lớn của UniCredit (ngân hàng lớn thứ hai tại Italia) với trị giá 500 triệu euro. Kaddafi cũng bỏ hàng chục triệu euro để nâng cổ phần của mình tại Tập đoàn Dầu khí ENI của Italia lên tới 10%. Ngoài ra còn phải kể tới vô số hợp đồng khác trong lĩnh vực năng lượng, đường sắt, điện tử, vũ trụ và an ninh…

Silvio Berlusconi là nguyên thủ phương Tây đầu tiên tới Libya vào tháng 10/2002, sau khi Hội đồng Bảo an thông qua lệnh trừng phạt quốc tế với nước này từ năm 1992. Phải nói là mối quan hệ giữa Kaddafi và Berlusconi nồng ấm tới mức, trên những hộ chiếu mới của công dân Libya cần phải có hình ảnh hai người đang bắt tay nhau vào dịp ký kết hiệp ước. Minh chứng rõ ràng nhất cho quan hệ “bạn bè” này là sự kiện diễn ra vào ngày 1/4/2010, khi Berlusconi chẳng ngần ngại hôn tay Kaddafi – một hành động gây sốc cho cả các paparazzi của Italia cũng như làm bất ngờ cả tay đại tá Libya.

Tuy nhiên, khi thời thế đã đổi thay, ông Berlusconi cũng chẳng e ngại cho phép đồng minh sử dụng hai căn cứ quân sự trên đất Italia làm bàn đạp cho chiến dịch quân sự chống Libya. Quyết định của vị nguyên thủ Italia (đồng thời cũng là người bạn cũ của Kaddafi) đã gây ra nhiều phản ứng chỉ trích quyết liệt trong giới chính trị gia của nước này. Trước những phản ứng trên, Berlusconi thanh minh rằng, những người khởi xướng cho chiến dịch quân sự tại Libya là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron. Còn bản thân ông ta, vốn là người bạn thân thiết nhất của Kaddafi tại phương Tây, không hề có ý định khơi mào cuộc chiến trên!?…

Bạn hàng lớn của Sarkozy

Nếu như đúng theo lời của Berlusconi, “kẻ khởi xướng” Nicolas Sarkozy cũng đã có nhiều “kỷ niệm đẹp” với Kaddafi. Ngay sau khi Sarkozy được bầu làm Tổng thống tháng 5/2007, quan hệ Pháp – Libya đã có những tiến triển hết sức tốt đẹp. Ngay trong mùa Hè năm 2007, Libya đã ký ngay với Pháp một hợp đồng mua tên lửa chống tăng và thiết bị liên lạc vô tuyến trị giá 300 triệu euro. Cũng trong khoảng thời gian này, Paris và Tripoli cũng ký kết hợp tác trong lĩnh vực sử dụng các công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Blair trong chuyến thăm lịch sử tới Libya

Điểm nhấn trong quan hệ Pháp – Libya chính là chuyến thăm chính thức của Kaddafi tới Pháp vào tháng 12/2007, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Libya từ năm 1973. Đây được đánh giá là chuyến công du “đặc biệt hữu hảo” giữa hai nguyên thủ quốc gia: chỉ trong có 5 ngày, Kaddafi đã 3 lần gặp gỡ Tổng thống Sarkozy, trong đó hai lần tại Điện Élysée và 1 lần cùng ăn tối. Cũng chỉ trong 5 ngày này, cả hai bên đã ký những hợp đồng trị giá gần 10 tỉ euro.

London cũng không chịu kém

Do không muốn Italia qua mặt trong lĩnh vực khai thác dầu béo bở tại Libya nên ngay sau khi Liên Hiệp Quốc gỡ bỏ cấm vận, giới chức hàng đầu nước Anh đã vội vàng bày tỏ sự ủng hộ đối với Kaddafi – người mới trước đó không lâu đã bị phương Tây gọi là “kẻ độc tài”, hay thậm chí là “kẻ khủng bố” như Washington vẫn gọi trước năm 2006.

Bước ngoặt này bắt đầu với việc Thủ tướng Tony Blair và Ngoại trưởng Jack Straw cùng đón tiếp Ngoại trưởng Libya Abdel Salkam vào ngày 10/2/2004, cuộc gặp được Bộ Ngoại giao Anh đánh giá là “dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, là bằng chứng cho thấy sự quay trở lại của Libya với tư cách là thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế”. Ngay cuối tháng 3 năm đó, Blair đã trực tiếp bay tới Tripoli để “chìa bàn tay hữu nghị” như ông này đã tuyên bố. Kaddafi đã hết sức cảm kích và đánh giá cao cử chỉ này. Nhờ đó, Tập đoàn Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan đã nhận được hợp đồng trị giá 200 triệu USD khai thác khí đốt của Libya.

London tất nhiên đã không thể bỏ qua một lĩnh vực hợp tác béo bở như quân sự. Tổ chức Chống buôn bán vũ khí Campaign Against the Arms Trade từng tiết lộ, “Chính phủ Anh đã phê chuẩn những hợp đồng bán các loại hàng hóa nhạy cảm như hơi cay, trang bị trấn áp đám đông và súng trường bắn tỉa cho Bahrain và Libya” mà tảng lờ mục đích “sử dụng nội bộ” của những vũ khí này. Dù không tiết lộ chi tiết những nội dung hợp đồng vũ khí, nhưng có thể thấy ngành công nghiệp Quốc phòng Anh đã đặc biệt quan tâm tới thị trường Libya.

Lịch sử mối quan hệ của Kaddafi với phương Tây đã giúp rút ra nhiều bài học. Bất chấp những mâu thuẫn từ trước đó, chính sách ngoại giao của Kaddafi vẫn thiên về việc gây dựng mối quan hệ có lợi với phương Tây. Bằng cách rót nhiều tỉ euro vào nền kinh tế châu Âu, ký gửi rất nhiều tài sản vào các ngân hàng của châu Âu và Mỹ, Kaddafi hy vọng sẽ mua được tình bằng hữu với thủ lĩnh các quốc gia phương Tây. Kaddafi đã lầm và phải trả giá đắt.

(Theo Petrotimes)

Bài viết liên quan