Đây được coi là một sự kiện quan trọng trong hợp tác năng lượng giữa Nga với các “thượng đế” ở Tây Âu khi đường ống này cho phép Moscow bắt tay trực tiếp với Tây Âu mà bỏ qua các đối tác lâu nay vốn không mấy “cơm dẻo canh ngọt” là Ukraine và một số nước láng giềng trong không gian hậu Xô viết.
Hai mặt của một đồng xu
Dự án “Dòng chảy phương Bắc” trên đã được cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Thủ tướng Putin (lúc bấy giờ giữ cương vị tổng thống) thông qua vào năm 2005. Lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với “năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân” – theo tuyên bố của ông Putin trong ngày đầu tiên Nga bơm khí đốt kỹ thuật vào đường ống này trung tuần tháng 9 vừa qua.
Hiện khí đốt kỹ thuật đang được bơm đầy vào đường ống nhằm mục đích tạo áp suất để bơm khí đốt cung cấp trực tiếp cho các khách hàng Tây Âu. Theo thiết kế, đường ống có chiều dài 1.220 km chạy dưới biển Baltic với tổng giá trị đầu tư 8,8 tỉ euro (tương đương 12,5 tỉ USD) này sẽ tăng gấp đôi công suất lên 55 tỉ m3/năm vào năm 2013.
Nga hiện cung cấp 25% lượng tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), nên việc Moscow tiến hành xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc” nhằm mục đích tránh sự gián đoạn nguồn cung cho các khách hàng Tây Âu, trong bối cảnh thường xuyên xảy ra tranh cãi giữa Nga và một số nước trung chuyển, trong đó có Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng việc xây dựng đường ống này sẽ khiến Tây Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga và làm phương hại nỗ lực tự do hóa thị trường năng lượng của lục địa này. Mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu ước tính sẽ tăng thêm 200 tỉ m3/năm (tăng 50%) trong một thập kỷ tới.
Dự án này gây không ít điều tiếng. Thậm chí một số chính khách đã ví von rằng chỉ có xe tăng và lính Nga chảy qua đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua đáy biển Baltic (ngầm hiểu là đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc”).
Theo quan điểm của những kẻ bài Nga, cần xóa bỏ ý tưởng xây dựng “Dòng chảy phương Bắc”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những người phản đối đề án “Dòng chảy phương Bắc” phải suy nghĩ về nguy cơ đe dọa an ninh châu Âu và nhìn nhận vấn đề bằng các sự kiện thực tế, chứ không nên dựa vào cảm tính. Nhiều chính khách châu Âu thậm chí không hề dựa vào các con số. Họ chỉ có cảm tưởng rằng Nga đang siết cổ châu Âu, vì vậy bất kỳ đề án nào mở rộng cung cấp khí đốt đều bị họ nhìn nhận như là nguy cơ đe dọa chính trị.
Trên thực tế, dự án “Dòng chảy phương Bắc” là một đề án độc đáo, và trong việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khí đốt Nga đều hành động trong sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Đức và New Zealand. Châu Âu sẽ có đủ điều kiện để kiểm soát toàn bộ tình hình.
Ngoài lý do bài Nga, còn một nguyên nhân nữa khiến nhiều nước miễn cưỡng với “Dòng chảy phương Bắc” – đó là vấn đề môi trường. Các đây hai năm, quyết định của chính phủ Thụy Điển và Phần Lan cho phép tiến hành dự án đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của báo giới và các nhà hoạt động môi trường. Nhật báo “Dagens Nyheter” cho rằng Chính phủ Thụy Điển chẳng có sự lựa chọn nào khác vì “giữa dịch hạch và tả”, bệnh nào cũng tệ hại cả. Báo “Svenska Dagbladet” thì lên án chính phủ bỏ qua yếu tố môi trường để hưởng lợi từ phía Nga. Hàng chục cơ quan đã đóng góp ý kiến vào Báo cáo tác động môi trường của “Dòng chảy phương Bắc”.
Ông Egon Enochsson thuộc Cơ quan bảo vệ của môi trường Thụy Điển cho biết mối lo sợ còn liên quan đến những thay đổi về dòng hải lưu, các tác động đến nguồn cá, nghề cá và sự an toàn của giao thông hàng hải. Các vấn đề an ninh cũng là nguyên nhân gây tranh cãi ở cả Thụy Điển và Phần Lan, hai nước này luôn lo sợ về khả năng tàu ngầm Nga trở lại vùng Biển Baltic.
Lợi ích mười mươi
Tuy nhiên, những lợi ích từ dự án này là quá rõ ràng và vì thế, chính giới tại cả Nga và các bạn hàng Tây Âu của mình đều không thể bỏ qua. Với Nga, việc xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không phải quá cảnh một nước nào luôn là mục tiêu lớn, đặc biệt kể từ khi quan hệ với Ukraine xấu đi, nhất là sau cuộc khủng hoảng năng lượng với Kiev lần đầu tiên năm 2006.
Trên thực tế, Nga hầu như phụ thuộc vào nguồn thu từ khí đốt bán cho châu Âu, cũng như châu Âu phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga – đó là lý do dẫn đến các dự án chung như Dòng chảy phương Bắc. Năm 2008, tập đoàn Gazprom đã xuất khẩu 160 tỉ m3 khí đốt sang 27 quốc gia của EU và dự kiến tăng mức giao hàng lên 200 tỉ m3 vào năm 2030.
Đối với cổ đông chính của dự án này, tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga, dự án “Dòng chảy phương Bắc” là nhân tố rất cần thiết để mở rộng ảnh hưởng của tập đoàn ở châu Âu. Đường ống được xây dựng trên Biển Baltic, đi qua các khu đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Sau khi hoàn thành, khí đốt của Nga thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ được vận chuyển trực tiếp tới Đức và các nước Bắc Âu.
Với Tây Âu, một đường ống dẫn khí đốt trực tiếp đồng nghĩa với một nguồn cung lâu dài với mức giá hợp lý hơn trong khi một dự án khác là “Dòng chảy phương Nam” vẫn đang chờ được thông qua. Đây là dự án được xây dựng nhằm đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu khí đốt của Nga cho người tiêu dùng châu Âu, với đường ống từ Nga chạy qua đáy biển Đen tới các nước Trung và Nam Âu có tổng công suất thiết kế lên tới 63 tỉ m3 khí/năm. Giá thành xây dựng đường ống ước tính gần 15,5 tỉ euro. Để thực hiện việc xây dựng phần đường ống trên đất liền của dự án này ở nước ngoài, Nga đã ký các hiệp định liên chính phủ với Bulgari, Serbia, Hunggari, Hy Lạp, Slovenia, Croatia và Áo.
(theo Petrotimes)