Phong độ và đẳng cấp
Theo báo cáo “Đánh giá thống kê năng lượng thế giới” thường niên của BP – một tài liệu được ví như “kinh thánh” của ngành công nghiệp năng lượng mới được phát hành tuần qua, Venezuela đã vượt qua Arập Xêút để trở thành quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới và chính thức hóa khẳng định tương tự của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vài tháng trước.
Với 296 tỉ thùng dầu dự trữ được chứng minh, Venezuela chiếm 18% dự trữ dầu mỏ trên khắp hành tinh, trong khi Arập Xêút với 265 tỉ thùng, chiếm 16% và Canada với 175 tỉ thùng dầu, chiếm 11% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và giữ vị trí thứ 3 trong số các quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, dầu mỏ lại là một trong những lĩnh vực mà “sở hữu không phải là chín phần mười của pháp luật”. Arập Xêút vẫn còn là “vua” vì những gì quốc gia này làm, và quan trọng hơn, có thể làm với dầu mỏ. Để so sánh, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc Arập Xêút là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, theo số liệu mới nhất là 10,1 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2012. Trong khi đó, Venezuela chỉ xuất khẩu 2,1 triệu thùng/ngày, chiếm vị trí thứ 7 trong OPEC. Ngay cả khi quốc gia Nam Mỹ tăng gấp đôi sản lượng khai thác trong thập kỷ tới, như Tổng thống Hugo Chavez đã lên kế hoạch thì Venezuela vẫn còn thua xa Arập Xêút.
Tại sao lại có sự chênh lệch đó? Đó chính là sự khác biệt chính giữa hai nước. Chi phí khai thác dầu mỏ ở Arập Xêút là rẻ nhất thế giới. Trong khi đó, hầu hết dự trữ dầu mỏ của Venezuela thì ngược lại, bao gồm dầu nặng và dầu siêu nặng ở vành đai Orinoco, để khai thác được phải gặp khó khăn và tốn kém hơn. Đây là một lý do giải thích tại sao Venezuela có xu hướng ủng hộ giá dầu cao hơn tại hội nghị thường kỳ của OPEC vừa diễn ra hôm 14/6/2012 tại Vienna (Áo). Ngoài ra, công ty dầu mỏ nhà nước của Venezuela là PDVSA cũng đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực thăm dò và khai thác, trong khi một số lớn các công ty đa quốc gia, như ExxonMobil lại khá cảnh giác khi làm việc ở một đất nước có lịch sử quốc hữu hóa tài sản nước ngoài và an ninh chính trị bất ổn.
Nhưng yếu tố nổi bật hơn cả chính là việc Arập Xêút là nước duy nhất có thể khai thác thêm một khối lượng lớn dầu mỏ có ý nghĩa trong khi năng lực khai thác bổ sung của Venezuela gần như bằng không. Sở dĩ nói khối lượng dầu mỏ mà Arập Xêút có thể khai thác thêm là có ý nghĩa bởi nó rất quan trọng trong cả khi thị trường năng lượng toàn cầu thiếu hụt lẫn khi thị trường ổn định. Khi thế giới biết rằng họ có một điểm tựa về dầu mỏ vững chắc thì bất kể thiên tai gì xảy ra sau đó, họ có thể dành thời gian và nguồn lực để lo lắng về các vấn đề khác, thay vì lo canh cánh không có dầu hoặc không đủ tiền để mua dầu nữa. Ngược lại, khi năng lực khai thác dầu mỏ bổ sung cho thị trường trở nên mong manh, giá cả sẽ leo thang không kiểm soát được.
Nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu của Arập Xêút đã bị suy yếu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vào đầu năm 2012, khi giá dầu tăng vọt và thế giới thiếu đi một lượng dầu mỏ đáng kể từ Iran do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nhằm vào Tehran, Arập Xêút đã tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ để giảm bớt nguồn cung thắt chặt. Venezuela không thể làm bất cứ điều gì như thế.
Trung Đông vẫn là số 1
Trong những năm gần đây, đã có một loạt bài báo phân tích, nhận định, dự báo cho thấy trong tương lai gần, trung tâm dầu mỏ của thế giới đang dịch chuyển từ Trung Đông sang Tây bán cầu – dẫn đầu bởi Venezuela và Bắc Mỹ, nhờ các thành tựu kỹ thuật và yếu tố chính trị. Từ lâu, các nhà địa chất đã phát hiện ra rằng, châu Mỹ là khu vực rất giàu hydrocarbon còn đang ở dạng tiềm năng, khó khai thác ở các mỏ ngoài khơi, các vùng đá phiến sét trên bờ và những cấu tạo dầu nặng.
Theo nghiên cứu tính toán, trữ lượng dầu mỏ phi truyền thống ở Mỹ là 2 nghìn tỉ thùng; ở Canada 2,4 nghìn tỉ thùng và ở Nam Mỹ là 2 nghìn tỉ thùng. Trong khi đó, các nguồn dầu phi truyền thống ở Trung Đông và Bắc Phi chỉ đem lại được 1,2 nghìn tỉ thùng dầu. Sự tiến bộ của kỹ thuật khoan ngang và nhiều kỹ thuật khai thác khác đã giải quyết được phần lớn câu hỏi “mở khóa” kho tài nguyên khổng lồ này như thế nào, từ cát dầu ở Canada, đá phiến dầu, đá phiến sét ở Bắc Mỹ, đến các mỏ dầu muối ở ngoài khơi Brazil hay những vỉa dầu nặng ở vành đai Orinoco, Venezuela.
Trong khi đó, Trung Đông đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp. Ai cũng biết rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ không phải là vô tận, cho dù có là vô địch về trữ lượng dầu mỏ truyền thống thì với những nền kinh tế chỉ dựa vào công nghiệp dầu mỏ và khai thác ồ ạt theo thời gian cũng khiến kho báu không vô tận này bị hao hụt đi. Chưa kể, những bất ổn chính trị chưa bao giờ kết thúc ở khu vực này cũng tác động tiêu cực đến việc khai thác dầu. Chỉ cần một “mùa xuân Arập” lan tràn khắp Trung Đông và Bắc Phi như một năm trước đã có thể làm gián đoạn xuất khẩu dầu và làm điêu đứng ngành công nghiệp dầu mỏ của “những con sư tử Trung Đông” như mô-típ của năm 1979 khi những người công nhân dầu khí đình công và bị cuốn vào các cuộc bạo động có yếu tố chính trị tư tưởng.
Không thể phủ nhận rằng người ta có lý do để tin châu Mỹ có thể sẽ là thủ đô năng lượng của thế giới trong tương lai, nhưng ít nhất, trong tương lai gần, Trung Đông vẫn đóng một vai trò đặc biệt trong thế giới năng lượng theo 3 cách cơ bản. Thứ nhất, là mảnh đất của dầu giá rẻ trên thế giới, Trung Đông đóng vai trò là người thiết lập giá, với ảnh hưởng kinh tế rộng lớn. Thứ hai, là nơi dễ phát triển dầu mỏ nhất trên thế giới, khu vực này có thể đóng vai trò ổn định giá, mặc dù vai trò này đã ít mạnh mẽ hơn so với trong quá khứ. Và thứ ba, là nơi mà sự hỗn loạn địa chính trị diễn ra vĩnh viễn là điều không tránh khỏi, các cuộc xung đột bùng nổ ở Trung Đông vẫn luôn là yếu tố đe dọa, đẩy giá dầu lên cao không tưởng tượng được.
Và như thế, điều đó có nghĩa là Trung Đông không có khả năng bị mất vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu vào bất cứ lúc nào.
Theo petrotimes.vn