Turkmenistan đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc từ cuối năm 2009 thông qua 1.911 km đường ống chạy qua Uzbekistan, Kazakhstan và kết nối với Trung Quốc ở tỉnh Tân Cương. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã nhập tổng cộng 19,5 tỉ m3 khí tự nhiên từ Turkmenistan qua các nhánh đường ống dẫn khí có tên là nhánh “A” và nhánh “B” của hệ thống đường ống dẫn khí Trung Á.
Theo một thỏa thuận ký kết vào năm 2006, Turkmenistan sẽ cung cấp tổng cộng 30 tỉ m3 khí/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Đến năm 2008, hai nước lại ký một thỏa thuận tăng lượng khí đốt nhập khẩu vào Trung Quốc lên thêm 10 tỉ m3 khí/năm từ năm 2015.
Đường ống Trung Á sao khi đổ bộ vào Tân Cương được kết nối với phần phía Tây của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Tây – Đông thứ 2 mới đi vào hoạt động từ 30/6/2011 của Trung Quốc, nâng tổng chiều dài kết hợp lên 8.653 km.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Tây – Đông thứ 2 được xây dựng làm 2 phần, đi qua 15 vùng lãnh thổ Trung Quốc với 1 nhánh chính và 8 nhánh phụ.
Phần phía Tây của hệ thống đường ống dẫn khí Tây – Đông thứ 2 xuất phát từ hạt Korgas, tỉnh Tân Cương đến các tỉnh Ninh Hạ, Thiểm Tây ở Tây bắc Trung Quốc. Phân đoạn này đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2009.
Phần phía Đông của hệ thống mới đi vào hoạt động từ ngày 30/6/2011, được thiết kế để nối Ninh Hạ với Thượng Hải ở phía Đông cùng các tỉnh Quảng Châu và đặc khu hành chính Hong Kong ở phía Đông Trung Quốc.
Trong khi đó, ngày 15/12, tại Uzbekistan cũng khởi công xây dựng nhánh “C” của hệ thống đường ống dẫn khí Trung Á. Theo đó, nhánh “C” sẽ có chiều dài 1.840 km với dung lượng truyền dẫn thiết kế đạt 25 tỉ m3 khí/năm.
Dự kiến, nhánh đường ống mới này sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt trong tháng 1/2014 và đạt công suất thiết kế vào tháng 12/2015.
Bên cạnh đó, CNPC cũng dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu Đông – Tây thứ 3 trên lãnh thổ Trung Quốc vào năm nay khi nhận được khí đốt từ nhánh “C”. 5.200 km đường ống của dự án hệ thống đường ống dẫn khí Tây – Đông thứ ba sẽ bao gồm một ống dẫn chính, 6 nhánh, 3 cơ sở lưu trữ khí và một trạm nạp LNG.
Chi phí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí Tây – Đông thứ ba ước tính khoảng 2,2 tỷ USD. Kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Tây – Đông thứ 4 và thứ 5 với công suất tổng cộng 30 tỉ m3 khí/năm dự kiến sẽ bắt đầu sau năm 2015.
(theo Petrotimes)