Tin chuyên ngành

Sau quốc hữu hóa, YPF cần hàng tỷ USD để phục hồi sản lượng

Công ty dầu mỏ YPF của Argentina sẽ cần đầu tư 7 tỷ USD/năm để thúc đẩy sản lượng dầu khí tăng lên 25% trong vòng 4 năm, một quan chức Công ty cho biết.

 

Đầu tư nước ngoài vào YPF có thể gặp trở ngại do các công ty nước ngoài lo ngại môi trường đầu tư ở Argentina

Hồi tháng 4 vừa qua, Argentina đã giành lấy quyền kiểm soát YPF với lý do tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha – lúc đó là cổ đông lớn nhất của YPF, không đầu tư tương xứng vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Argentina, khiến nước này ngày càng bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu đắt đỏ.

YPF, trong một báo cáo gửi đến Sàn Giao dịch chứng khoán Buenos Aires, đã cho biết theo kế hoạch phát triển của công ty, mỗi năm YPF sẽ cần đầu tư 7 tỷ USD, từ năm 2013 đến 2017, trong đó phần lớn đến từ nguồn lực riêng của công ty.

Giám đốc điều hành YPF hiện tại, ông Miguel Galuccio, cho biết “sự suy giảm sản lượng dầu mỏ và khí đốt dưới thời kỳ liên doanh Repsol – YPF làm thiệt hại đến 80% tổng sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Argentina. Theo ông Galuccio, YPF cần khôi phục vai trò lãnh đạo và tầm nhìn ở trong nước và ông quyết tâm đưa YPF trở thành một công ty “chuyên nghiệp và cạnh tranh”.

Ông Galuccio cũng cho biết, năm tới YPF sẽ nâng sản lượng khai thác dầu khí lên 6%/năm, với việc khoan 1.000 giếng, bằng với mục tiêu mà công ty đã đặt ra vào năm 1996. Tuy nhiên, mục tiêu này vào năm đó, Repsol – YPF không thực hiện được.

Dự định đến năm 2017, sản lượng khai thác dầu khí của YPF sẽ tăng 26% và đạt 216 triệu thùng dầu quy đổi, với việc tăng cường thu hồi dầu với các mỏ trưởng thành và bắt đầu khai thác dầu khí từ nguồn tài nguyên đá phiến khổng lồ.

Trước khi Argentina tuyên bố quốc hữu hóa YPF, Repsol cho biết sẽ có thể phải chi tới 25 tỷ USD/năm để phát triển, khai thác các mỏ dầu đá phiến khổng lồ mà nước này đã phát hiện trong năm 2011.

Tuy các công ty dầu mỏ quốc tế rất quan tâm đến tiềm năng dầu mỏ của Argentina nhưng môi trường đầu tư với chính sách quản lý và trợ giá nghiêm ngặt của nhà nước sở tại khiến họ cũng khá bồn chồn. Hơn nữa, một thập kỷ qua, Argentina vẫn còn đóng cửa với thị trường tín dụng toàn cầu, kể từ khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ hồi năm 2001.
Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan