PetroTimes trân trọng giới thiệu bài viết “Ký ức dầu khí” của GS.TSKH Mai Thanh Tân - một người thầy, một nhà khoa học, một chứng nhân suốt sáu thập kỷ gắn bó với hành trình tìm dầu của đất nước. Bằng lối kể chuyện dung dị nhưng sâu sắc, tác giả dẫn dắt bạn đọc trở về những năm tháng sơ khai của ngành dầu khí Việt Nam - nơi có khoa học và lý tưởng, gian nan và khát vọng, tuổi trẻ và tình yêu. Bài viết không chỉ là hồi ức cá nhân mà còn là một lát cắt lịch sử sống động, mang đến cảm nhận chân thực về một ngành công nghiệp đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đất nước.
Quá trình điều tra địa chất dầu khí ở nước ta đã được tiến hành từ trước những năm 60. Trong thời kỳ đầu, khi triển vọng dầu khí chưa rõ ràng, công việc tìm kiếm thăm dò thật vất vả nhưng có nhiều sự kiện rất đáng ghi nhớ.
Năm 1961, Đoàn Thăm dò Dầu khí 36 được thành lập do ông Bùi Đức Thiệu làm đoàn trưởng và đến năm 1969 thì chuyển thành Liên đoàn Thăm dò Dầu khí 36 do ông Vũ Bột Liên làm đoàn trưởng.
Một số các đoàn chuyên đề được thành lập và đóng quân ở các địa điểm khác nhau như Đoàn Thăm dò Địa chấn 36F do ông Lê Khoản làm đoàn trưởng, đóng ở Cẩm Giàng; Đoàn Thăm dò Trọng lực 36T do ông Nguyễn Hữu Lạc làm đoàn trưởng, đóng ở Ân Thi; Đoàn Thăm dò Điện 36Đ do ông Trần Trọng Đính làm đoàn trưởng, đóng ở Mỹ Hào (Hưng Yên); Đoàn Khoan cấu tạo 36K do ông Lê Xuân Thịnh làm đoàn trưởng, đóng ở Chợ Đậu; Đoàn Khoan sâu 36S do ông Nguyễn Đức Quý làm đoàn trưởng, đóng ở Đông Hưng (Thái Bình); Đoàn Địa chất 36C do ông Nguyễn Quang Hạp làm đoàn trưởng, đóng ở Lục Ngạn (Bắc Giang); Đoàn 36B do ông Nguyễn Ngọc Sớm làm đoàn trưởng...
Lúc ấy, các anh chị làm việc ở các đơn vị đều rất trẻ trung và hăng hái, mà đến nay tôi còn nhớ như các anh Phan Huy Quynh, Đoàn Thiện Tích, Đỗ Văn Hãn, Lưu Hải Thống... (Đoàn 36C); Nguyễn Tấn Kích, Nguyễn Thạnh, Phạm Thế Cầu... (Đoàn 36Đ); Nguyễn Hiệp, Phạm Liễu... (Đoàn 36T); Nguyễn Đức Tuấn, Đoàn Thám, Nguyễn Cường Binh, Đỗ Văn Lưu, Vũ Ngọc Thạch, Trần Đức Thụ, Nguyễn Trí Liễn, Nguyễn Đăng Liệu, Nguyễn Mạnh Huyền... (Đoàn 36F); Bùi Xuân Toại, Hoàng Văn Hanh (Xưởng máy).
“Giếng Tổ” GK-61 |
Cùng với các phương pháp thăm dò địa chất, các phương pháp địa vật lý với các máy móc, thiết bị hiện đại bước đầu được áp dụng đã cho các kết quả để từng bước tiến hành các giếng khoan sâu. Tháng 2/1962, giếng đầu tiên sâu 800m được khoan ở Khoái Châu (Hưng Yên); tháng 9/1970, giếng khoan có độ sâu trên 3.300m được tiến hành ở Đông Hưng (Thái Bình); tháng 2/1975, giếng khoan có độ sâu 2.400m ở Tiền Hải (Thái Bình) lần đầu tiên phát hiện ra mỏ khí với trữ lượng hơn một tỉ m3 và sau này được đặt tên là “Giếng Tổ”.
Những ngày đó, khi mới ra trường, tôi được tạo điều kiện đi thực tế ở các đội thăm dò địa chấn từ nổ mìn phát sóng, liên lạc thu nổ bằng hệ thống vô tuyến, xử lý và minh giải địa chất các tài liệu thu được. Các anh chị ở các đơn vị đã dành cho tôi những điều kiện thuận lợi để tìm hiểu những điều thú vị của một lĩnh vực rất mới mẻ. Đây là cơ hội hiếm có và thật may mắn cho một cán bộ mới ra trường mở đầu cho công việc sau này.
Từ thời kỳ đầu thăm dò dầu khí, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô như N.K.Griaznov, S.K Kitovani và nhiều người khác, trong đó có các chuyên gia về địa vật lý như V.V. Macsiutova (địa chấn), N.V. Epstein N.V (trọng lực), A.A Vedrinxev (điện)... Thời gian Liên đoàn 36 đóng ở Hưng Yên, cán bộ Việt Nam và các chuyên gia sống ở khu vực Chợ Gạo, các chuyên gia Liên Xô làm việc rất tận tình và hòa đồng, thường sinh hoạt trong khu nhà mà chúng tôi quen gọi đó là “Khu chuyên gia”. Gần đó có trường Trung cấp Sư phạm với rất nhiều nữ sinh. Hàng ngày sau giờ làm việc, nhiều anh em trẻ ngành dầu khí mới học từ nước ngoài về thường đạp xe lượn lờ quanh cổng trường để làm quen chị em. Hồi đó những chiếc xe đạp ngoại là mốt lắm và sau này nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng rất hạnh phúc. Việc đạp xe hàng trăm km đến các nơi để làm việc ở Hưng Yên, Kiến Xương, Tiền Hải... là “chuyện thường ngày ở huyện” vì để xếp hàng mua được vé xe khách không dễ dàng gì. Anh em có câu thơ vui về mấy anh kỹ sư mới ở nước ngoài về với cảnh chen tàu, chen xe:
“Trần Huyên, Huy Quý, Mạnh Huyền,
Ba kỹ sư trẻ học chuyên về dầu.
Việc gì chúng cũng đi đầu,
Sá gì những chuyện chen tàu chen xe”.
Con đường 39 từ Phố Nối về đến Liên đoàn 36 ở Hưng Yên qua các nơi đóng quân của các đơn vị dầu khí như Bô Thời, Trương Xá, Khoái Châu, Dốc Lã... rất gồ ghề. Có lần trời mưa to, xe đạp lại bị thủng săm, chúng tôi lần mò đến nửa đêm mới về được đến nơi sơ tán của trường Mỏ - Địa chất. Gần đây có dịp trở lại Hưng Yên, chúng tôi được anh Hoàng Cửu vốn là cán bộ kỹ thuật dầu khí và cũng là học trò cũ từng làm Chủ tịch thành phố đưa đi thăm lại những nơi mang dấu ấn cơ sở dầu khí năm xưa với bao kỷ niệm như Nhà Thành, hồ Bán Nguyệt...
Để tiến hành công việc, anh em kỹ thuật từ kỹ sư đến nhân viên ngày thường sinh hoạt ngoại khóa bằng các sáng tác văn nghệ. Một số anh em trẻ như Nguyễn Trí Liễn, Giang Công Thịnh, Nguyễn Vũ Sơn (con trai nhà văn Nguyên Hồng)... ngẫu hứng sản sinh ra “Dầu khí diễn nghĩa”, kể chuyện tìm dầu khí mà đọc ra lại mang nhịp điệu như truyện Tam quốc bên Tàu. Về sau, tác phẩm này được các kỹ sư dầu khí như Phạm Quang Tú, Hoàng Xuân Bản bổ sung, thêm chi tiết có đến trên mười hồi với các nhân vật có thật và các sự kiện trong cuộc thăm dò dầu khí được các thế hệ sau mải mê đọc như truyện cổ tân trang. Về sau, anh em còn phóng tác cả bài “Hịch thăm dò” mang màu sắc dầu khí phỏng theo “Hịch tướng sỹ” mà đọc lên rất thú vị.
Thời kỳ ở Hưng Yên, trong anh em dầu khí cũng xuất hiện nhiều mối tình rất độc đáo như anh Hồ Đắc Hoài, một người tài hoa được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc quê ở Huế. Anh yêu chị Thước là bác sĩ sinh ra trong một gia đình cách mạng quê ở Quảng Ngãi. Gia đình chị không đồng ý cho tình yêu này vì cho rằng sự khác biệt ý thức hệ giữa gia đình cách mạng và gia đình phong kiến. Sau nhiều lần thuyết phục không được, anh chị quyết định vượt mọi trở ngại để đến với nhau và tự tổ chức đám cưới. Sau khi được bố mẹ tiễn ra ga Hàng Cỏ để vào Sầm Sơn nhận công tác, đến ga Thường Tín, chị trốn xuống tàu và cùng chú rể đã đợi sẵn vượt sông Hồng sang Hưng Yên để tổ chức đám cưới cùng anh em bạn bè ở khu địa chất ở Chợ Gạo.
Trạm sửa chữa máy ở Bình Kiều (Khoái Châu, Hưng Yên) cũng xuất hiện mối tình thú vị như anh Hồng yêu say đắm chị Ánh kỹ thuật viên, người được coi là hoa khôi của Trạm. Vì đang là đối tượng kết nạp Đảng, Chi bộ yêu cầu nếu muốn vào Đảng thì phải thôi người yêu vì gia đình chị là Công giáo. Hồng đã chọn phương án gắn bó với người mình yêu. Những chuyện như thế bọn chúng tôi phục lắm, coi thế mới là những tình yêu đích thực. Sau này, Nguyễn Đức Hồng là đảng viên, giám đốc một công ty dịch vụ dầu khí. Gần đây, khi đến thăm họ ở Vũng Tàu, cả nhà phá lên cười vì nhắc lại những kỷ niệm khó quên của một thời.
Anh chị Tuấn - Nghiên yêu nhau rất thắm thiết và chỗ họ thường tâm sự rất độc đáo là trên chiếc xe trạm “CC-24Π” to đùng. Khi họ nên vợ nên chồng, chúng tôi được dịp đóng vai họ nhà trai đi bộ mấy cây số qua cánh đồng và bờ ruộng dự đám cưới đời sống mới. Sau này, anh Nguyễn Đức Tuấn là Chủ tịch Công đoàn Dầu khí. Lại câu chuyện khác là anh Ngô Thường San - người có nhiều kỷ niệm lặn lội tìm kiếm dầu khí ở “vùng trũng An Châu” (Bắc Giang). Sau một chuyến đi thực địa về, anh chị có cơ duyên sinh được cô con gái bèn đặt tên là Ngô Thị An Châu để làm kỷ niệm.
Theo tin từ PetroTimes