Tiếp đón và báo cáo công tác với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc PVN; ông Hồ Xuân Hiền, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch (Ban QLDA), lãnh đạo các ban chuyên môn PVN, Tổng thầu LILAMA cùng các nhà thầu xây dựng, vận hành nhà máy.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại khu điều khiển trung tâm NMNĐ Vũng Áng 1
Tính đến ngày 21/5/2014, Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng công suất 1.200 MW, xây dựng tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản đã hoàn thành công tác lắp đặt, đang tiếp tục tiến hành nghiệm thu chạy thử.
Dự án đã đạt được một số mốc quan trọng như tổ máy 1 đã hòa đồng bộ vào lưới điện Quốc gia (ngày 27/12/2013), đã tăng tải lên 314 MW (50% công suất thiết kế), sau đó sẽ nâng công suất lên 450MW và 600MW, hiệu chỉnh lò hơi, chạy tin cậy và dự kiến phát điện thương mại vào tháng cuối 7/2014.
Tổ máy số 2 đã thành công tiến hành đốt lửa lần đầu vào ngày 26/4/2014, bắt đầu thông thổi đường ống hơi chính, hơi đi tắt cao áp hạ áp, dự kiến hòa điện đồng bộ trong tháng 6/2014 và phát điện thương mại tháng 12/2014.
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực Formosa (gần khu vực thi công NMNĐ Vũng Áng 1) đã xảy ra biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày 14/5/2014 sau đó xảy ra xô xát. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý các chuyên gia, kỹ sư người Trung Quốc hiện đang làm việc tại Dự án.
Mặc dù Ban QLDA, Tổng thầu LILAMA đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương thuyết phục và có phương án đảm bảo an toàn cho toàn bộ chuyên gia Trung Quốc làm việc. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn mong muốn được rút toàn bộ các nhân sự về nước. Trong ngày 15/5/2014, Ban QLDA cùng các nhà thầu phối hợp với đồn Công an Khu Kinh tế Vũng Áng đã bố trí phương tiện đưa các chuyên gia, kỹ sư người Trung Quốc về nước an toàn.
Nhân sự của các nhà thầu Trung Quốc rời công trường một cách đột ngột khiến công tác vận hành, chạy thử bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến công tác chạy thử nhà máy và tiến độ chung của Dự án. Trong thời gian trước mắt, khi không có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, Ban QLDA phải đưa ra một số giải pháp tạm thời.
Đầu tiên là việc tạm dừng kế hoạch thử nghiệm tăng tải Tổ máy số 1, tiếp tục kiểm tra, hoàn thiện, bảo dưỡng cho các thiết bị. Mặt khác vẫn tiếp tục công tác thông thổi đường hơi chính cho Tổ máy số 2 với sự tham gia vận hành chính của Ban Chuẩn bị Sản xuất, Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu liên quan để đảm bảo công tác thông thổi an toàn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, các công việc khác ở hệ thống vận chuyển than, tro xỉ…
Đồng thời với các công tác chạy thử, Ban QLDA cùng tổng thầu LILAMA phối hợp với Công an Vũng Áng tăng cường an ninh, an toàn, PCCC cho người, tài sản và các thiết bị trên công trường, tiếp tục công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, công nhân viên tiếp tục các công việc trên công trường.
Ngày 19/5/2014, Tổng thầu LILAMA đã có văn bản yêu cầu các Nhà thầu phụ Trung Quốc (E.Energy, BWBC, GEDI, DEC, NHI) quay lại công trường làm việc trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến tiến độ Dự án. Tuy nhiên đến nay mới nhận được phản hồi từ nhà thầu cung cấp thiết bị Lò hơi (BWBC) sẽ chỉ quay lại làm việc khi tình hình trở nên yên ổn.
Ban QLDA cũng đã yêu cầu Tổng thầu LILAMA lập phương án chạy thử trên cơ sở huy động nhân lực của các đơn vị, xem xét thuê nhà thầu, các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án nếu các nhà thầu Trung Quốc không quay lại. Trong trường hợp này, Ban QLDA phải xem xét đến việc thuê chuyên gia có kinh nghiệm để tiếp tục công tác chạy thử cả 2 tổ máy hoặc huy động sự hỗ trợ của EVN về nhân viên vận hành có nhiều kinh nghiệm…
Đoàn công tác của Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực, các phản ứng kịp thời của Ban QLDA cùng Tổng thầu LILAMA để ổn định an ninh trật tự, sớm đưa dự án trở lại hoạt động bình thường.
Theo petrotimes.vn