Báo “Độc lập” (Nga) vừa đăng bài của ông Sergey Pravosudov, Giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng quốc gia, bình luận về tình hình tiêu thụ và cung ứng khí đốt hiện nay và trong thời gian tới ở các nước châu Âu và khả năng, triển vọng cung cấp khí đốt của Nga.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc tiêu thụ khí đốt sẽ tăng nhanh nhất ở châu Á. Đặc biệt, trong năm 2035, Trung Quốc cần hơn 500 tỉ m3, nhiều gấp 5 lần so với năm 2010. Nga là nước đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên, vì vậy nước này có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở cả châu Âu và châu Á.
Tập đoàn Gazprom đang đề nghị các đối tác của mình thành lập các xí nghiệp liên doanh để tổ chức khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khí đốt. Việc này cho phép giảm thiểu những rủi ro khi xây dựng các dự án mới.
Đầu tháng 11/2011, nhánh đầu tiên của tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) đã được đưa vào sử dụng, giúp tăng khả năng xuất khẩu khí đốt của Nga lên 27,5 tỉ m3/năm.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ giúp củng cố sự chắc chắn của nguồn cung khí đốt cho châu Âu và ảnh hưởng đến lợi ích của Ukraine. Việc trung chuyển khí đốt của Ukraine sẽ giảm đi và lợi ích của nước này còn bị ảnh hưởng nhiều hơn một khi nhánh thứ hai của tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” đi vào hoạt động trong năm tới, với công suất vận chuyển 55 tỉ m3 khí đốt mỗi năm.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) luôn nói về sự cần thiết phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này chưa thể xảy ra. Vấn đề là ở chỗ, trong cân bằng năng lượng, tỷ lệ khai thác khí đốt ở châu Âu đã giảm mạnh. IEA dự báo, tới năm 2035, việc tiêu thụ khí đốt trên thế giới sẽ tăng lên 65%, tới 5.100 tỉ m3, trong đó nhu cầu ở châu Âu sẽ tăng từ 100 tỉ m3 lên 640 tỉ m3. Châu Âu đang nhanh chóng tăng nhập khẩu khí đốt của Nga.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cung cấp cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ 86,6 tỉ m3 khí đốt, nhiều hơn 10,3 tỉ m3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, so với năm 2010, giá khí đốt đã tăng lên gần 20%. Điều này liên quan tới giá dầu mỏ cao. Các công ty của châu Âu đang cố gắng thương lượng với Gazprom để được giảm giá, đổi lại, Gazprom đề nghị các đối tác của mình thành lập các xí nghiệp liên doanh để bán khí đốt cho người dùng, cũng như để sản xuất và bán điện.
EU thường xuyên tuyên bố các mục tiêu đầy tham vọng về tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo để cân bằng năng lượng.
Đặc biệt, các chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, vào năm 2050, ở 27 nước thành viên EU, tỉ lệ các nhà máy điện chạy bằng sức gió sẽ đóng góp 49% trong tổng sản lượng điện (hiện tỷ lệ này chỉ là 5%).
Hiện nay năng lượng chạy bằng sức gió và năng lượng mặt trời, khí sinh học, xét về mặt hiệu quả, thua xa năng lượng được tạo ra bằng khí đốt truyền thống. Việc tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong cân bằng năng lượng của EU theo truyền thống được thực hiện dựa vào các khoản trợ cấp và các ưu đãi của chính phủ. Tuy nhiên, do khủng hoảng, các khoản trợ cấp đã giảm mạnh và thực tế này đã giáng một đòn mạnh vào ngành năng lượng thay thế.
Sự cố xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật Bản đã dẫn đến việc nhiều nước châu Âu phải tăng cường nhập khẩu khí đốt. Đức đã đóng cửa 7 máy điện hạt nhân, còn tới năm 2022 nước này có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn việc sản xuất năng lượng hạt nhân. Bỉ, nước có kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025, cũng đi theo con đường như vậy. Trong số các nước EU, chỉ có Pháp tiếp tục bảo vệ sự cần thiết sử dụng nhà máy điện hạt nhân, nhưng rất có thể dư luận xã hội sẽ buộc chính phủ Pháp từ bỏ luận điểm này.
Gần đây, người ta nói rất nhiều về sản xuất khí đốt từ đá phiến, nhờ đó mà Mỹ có thể đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu “xanh”. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu châu Âu có thể lặp lại sự thành công của Mỹ? Trong tương lai gần – chắc chắn là không. Do lo ngại về ô nhiễm nước ngầm, Đức và Pháp không có ý định phát triển việc khai thác khí đốt từ đá phiến. Chỉ có Ba Lan và Ukraine tuyên bố về các kế hoạch lớn của mình trong lĩnh vực này.
(theo Petrotimes)