Tin chuyên ngành

Liệu Turkmenistan có trở thành nhà cung cấp năng lượng then chốt?

Tổ chức kiểm toán độc lập của Anh Gaffney, Cline & Associates (GCA) ước tính mỏ khí đốt South Iolotan của Turkmenistan là mỏ khí lớn thứ hai thế giới. Tuyên bố của GCA củng cố thêm tham vọng của Turkmenistan trong cuộc cạnh tranh với Nga để trở thành nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho châu Âu và Trung Quốc.

Theo ước tính của GCA, mỏ South Iolotan có trữ lượng vào khoảng 13.100 tỉ đến 21.200 tỉ m3 khí đốt. Giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của GCA Jim Gillett cho hay: “Trữ lượng này thừa đủ để đáp ứng bất kỳ nhu cầu lớn nào trong tương lai và đến từ bất cứ đâu, từ Trung Quốc, Nga, Iran cho đến châu Âu”.

Là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết trước đây, với dân số 5,4 triệu người, Turkmenistan hiện đang sở hữu một trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới và đang hướng tới việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Iran và châu Âu. Quốc gia Trung Á với phần lớn diện tích là sa mạc này có kế hoạch tăng gấp ba lần sản lượng khí đốt hàng năm lên 230 tỉ m3 vào năm 2030, trong đó xuất khẩu khoảng 180 tỉ m3. Lượng khí đốt từ mỏ South Iolotan sẽ đóng góp phần lớn vào sản lượng gia tăng này.

Hiện khí đốt từ mỏ South Iolotan được vận chuyển sang Trung Quốc qua một mạng lưới đường ống dẫn khí dài gần 2.000 km, nối từ Turkmenistan đến tỉnh Tân Cương ở Tây Bắc của Trung Quốc. Trong năm 2010 – năm đầu tiên hệ thống đường ống trên đi vào hoạt động đầy đủ – Trung Quốc đã nhận hơn 4 tỉ m3 khí đốt qua tuyến đường ống này. Dự kiến, trong năm 2011, Turkmenistan sẽ tăng nguồn cung này lên 17 tỉ m3 và lên 20 tỉ m3 trong năm 2012. Hai nước đang phấn đấu nâng nguồn cung khí đốt này lên 60 tỉ m3/năm, tương đương với hơn 60% sản lượng khí đốt sản xuất trong nước của Trung Quốc trong năm 2010.

Ngoài Trung Quốc, Turkmenistan còn đang cung cấp khí đốt cho nước láng giềng Iran. Tuy nhiên, cho đến nay, nước này vẫn còn thiếu hệ thống hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu khí đốt sang các nước phương Tây. Theo các nhà phân tích, trong khi một tuyến đường ống dẫn sang châu Âu mở ra một triển vọng mang lại thu nhập cao nhất cho Turkmenistan, thì đồng thời nó cũng đang gặp phải những thách thức lớn nhất.

Nguồn khí đốt của Turkmenistan được cho là yếu tố sống còn đối với thành công của dự án (được Liên minh châu Âu, viết tắt là EU, bảo trợ) vận chuyển năng lượng từ khu vực Caspian xuyên qua tuyến đường hành lang phía Nam nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Nga.

Về lý thuyết, khí đốt từ mỏ South Iolotan có thể được chuyển tới bờ biển Caspi thông qua tuyến đường ống Đông – Tây đã được Turkmenistan dự kiến xây dựng, từ đó sẽ tiếp tục xuyên qua biển tới Azecbaizan và nối với tuyến hành lang Southern Corridor để tới châu Âu. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về lựa chọn này của châu Âu. Massimo Di-Odoardo, chuyên gia phân tích tại Wood Mackenzie ở London, băn khoăn: “Việc đạt được một thỏa thuận về chính trị và pháp lý để xây dựng một tuyến đường ống xuyên Caspi vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đã có những nỗ lực đáng kể gần đây”.

Trong khi đó, Elio Ruggeri, làm việc tại công ty năng lượng Italia Edison, đồng thời là chủ nhiệm dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt ITGI, dự kiến vận chuyển khí đốt từ Azeri qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italia, lại cho rằng: “Chúng tôi không tin là phát hiện nào đó tại Turkmenistan lại có thể thay đổi bức tranh về tuyến hành lang Southern Corridor trong trung hạn”.

Hiện lượng khí đốt của Turkmenistan chuyển sang Nga – nước mua khí đốt của Turkmenistan để bán lại cho châu Âu – đã sụt giảm sau khi hai nước bất đồng về một vụ vỡ đường ống dẫn khí hồi năm 2009. Theo các nguồn tin trong ngành, sản lượng khí đốt hàng năm hiện tại của Turkmenistan vào khoảng 40-44 tỉ m3, thấp hơn mức 75 tỉ m3/năm vào trước khi xảy ra vụ bất đồng năm 2009 kể trên.

Theo các đánh giá mới nhất của GCA, mỏ South Iolotan – trải dài trên một diện tích 3.000 km2 cách thủ đô Askhabad của Turkmenistan khoảng 350 km về phía Đông Nam, có trữ lượng khí đốt cao hơn lần đánh giá trước đây 3 năm khoảng 4-14 nghìn tỉ m3 và cũng cao hơn thẩm định của Chính phủ Turkmenistan cho rằng mỏ này có trữ lượng trên 21 nghìn tỉ m3. GCA cho rằng với ước đoán mới này, South Iolotan có trữ lượng lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau mỏ South Pars của Iran và vượt mỏ Urengoy của Nga. Ước đoán năm 2008 của GCA xếp South Iolotan là mỏ lớn thứ sáu trên thế giới. Tổ chức kiểm toán độc lập này của Anh thậm chí còn cho rằng trữ lượng tại South Iolotan có thể sẽ còn cao hơn nữa khi có thêm các số liệu bổ sung.

(Theo Petrotimes)

Bài viết liên quan