Tin chuyên ngành

Iran sẽ xuất khẩu xăng vào năm 2013

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Iran sẽ trở thành một nước xuất khẩu xăng dầu lớn vào năm 2013, bất chấp những khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra.

“Chúng ta đã bắt đầu xuất khẩu xăng và hy vọng năm tới, đất nước chúng ta sẽ trở thành một nước xuất khẩu xăng lớn”‘, ông Ahamdinejad nói trong một bài phát biểu nhân chuyến thăm tỉnh phía Đông Varamin, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước.

Cũng theo ông Ahamdinejad, theo sau kế hoạch cải cách trợ cấp của chính phủ Iran, trong đó đã loại bỏ các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, Iran đã tiết kiệm được hàng tỉ USD khi không phải nhập khẩu xăng và để dành chi tiêu cho việc xây dựng tái thiết.

Tuyên bố của ông Ahamdinejad đến vào đúng dịp kỷ niệm năm đầu tiên Iran thực hiện các kế hoạch cải cách trợ cấp mà theo nhiều nhà phân tích và chính trị gia đã cảnh báo là sẽ thổi bùng lạm phát ở quốc gia vùng Vịnh này.

Tỷ lệ lạm phát của Iran đã tăng lên 2 lần và ở khoảng 20% ​​trong tháng 12 năm 2011, so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi ngành công nghiệp lọc dầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cấm vận của EU và Mỹ, sản xuất xăng ở Iran bị cho là không đủ để có thể tự cung tự cấp trong nước

Trước đó, Iran đã tuyên bố trở thành nước tự cung tự cấp trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, các nguồn tin thương mại cho biết: mặc dù Iran đã ký hợp đồng bán xăng cho Iraq vào tháng 4/2011 nhưng không có nghĩa là nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trở thành một nước xuất khẩu ròng và miễn phụ thuộc vào nhập khẩu xăng.

Bên cạnh đó, các báo cáo của Reuters hồi tháng 10/2011 cho thấy nhập khẩu xăng của Iran đã tăng thêm 21%, từ 51.986 thùng/ngày lên 63.279 thùng/ngày trong tháng Chín.

Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới có trữ lượng ước tính 150 tỉ thùng dầu và 33 nghìn tỉ m3 khí đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do các biện pháp cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân. Nhiều công ty nước ngoài đã bị buộc phải rút khỏi các dự án năng lượng với Iran hoặc phải ngừng bán xăng hay bán các thiết bị có thể sử dụng được trong lĩnh vực lọc hóa dầu cho Iran.


Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan