Eo biển Hormuz quan trọng như thế nào?
Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Oman phía Đông nam và Vịnh Ba Tư ở Tây nam, trên bờ biển phía Bắc là Iran và trên bờ biển phía Nam là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Musandam, một phần đất tách ra của Oman. Cả hai chính phủ Iran và Oman đều tuyên bố họ sở hữu 12 dặm hải lý của eo biển Hormuz.
Không có tiêu chuẩn đặc biệt để xác định chiều dài của eo biển Hormuz, nhưng có thể áp dụng tiêu chí ranh giới hàng hải giữa Iran và Oman cho việc xác định này. Theo đó, chiều dài của đường biên giới này là 202,1 km (124,8 hải lý).
Khoảng cách dài nhất của eo biển Hormuz là 84 km (từ bờ biển của Bandar Abbas ở phía Bắc đến điểm phía Đông bắc của bờ biển của Musandam ở phía Nam), và khoảng cách ngắn nhất, ước tính rộng 33,6 km.
Đáy biển ở eo biển Hormuz dốc theo hướng từ Bắc đến Nam. Phần lớn nước ở eo biển Hormuz nông, đặc biệt là phần phía Bắc và do đó gây khó khăn cho các tàu lớn khi điều chỉnh hướng. Phần nước sâu nằm gần với bờ biển phía Nam.
Tuy nhiên, về phía Tây của eo biển, bên trong vùng Vịnh Ba Tư, tình hình đảo ngược lại và phần nước sâu lại nằm trong vùng lãnh hải của Iran. Trong khi đó, năm 1979, chính phủ Oman đã công bố với Tổ chức tư vấn hàng hải quốc tế (IMCO) rằng chính phủ nước này không thể bảo đảm sự an toàn của các tàu đi qua đường giữa đảo Quawain có vị trí thấp hơn và bờ biển nhiều đá gập ghềnh của đảo Musandam.
Do đó, không thể chở dầu đi qua eo biển Hormuz mà không phải đi qua lãnh hải của Iran.
Hơn thế nữa, Iran có 6 hòn đảo chiến lược (Hormuz, Lark, Queshm, Hengam, Tunb lớn, Tunb nhỏ và Abu Musa) được đặt ở lối vào Biển Oman tới Vịnh Ba Tư. Chúng có hình dạng giống như một vòng cung và thực sự là vòng cung phòng thủ của Iran chống lại các khả năng xâm lược của nước ngoài. Hòn đảo Hormuz nằm ở eo biển Hormuz là một nơi có vị trí địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ quan trọng.
Trong thời đại đế quốc Achaemenian (330-550 trước Công nguyên), đây là vị trí điều hướng hàng hải. Còn trong thời gian Bồ Đào Nha chiếm đóng phía Nam Iran, người ta đã sử dụng hòn đảo này để kết nối Vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương.
Căn cứ vào Điều 38 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, eo biển là các đường biển tự nhiên nối các biển, các đại dương với nhau và được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế. Eo biển Hormuz rất quan trọng với châu Âu và các quốc gia châu Mỹ. Do đó, eo biển Hormuz của Iran cũng là một phần của luật này. Và việc kiểm soát quân sự ở khu vực này là của Iran và Oman.
Nhưng Oman là một nước nhỏ, lại bị chia cắt làm 2 phần và không sở hữu bất kỳ khu vực tự nhiên phù hợp nào trên eo biển Hormuz, do đó, Oman không thể có bất cứ vai trò quan trọng nào ở đây. Trong khi đó, Iran sở hữu hầu hết đường biên giới của eo biển Hormuz và có rất nhiều tài liệu quốc tế đã chứng minh eo biển này là một eo biển của Iran trong lịch sử và tự nhiên. Tất nhiên, Hoa Kỳ, phương Tây và các đồng minh luôn cố gắng làm suy yếu các chứng minh này.
Iran đã có lịch sử hàng hải hàng nghìn năm và đã từng thống trị Vịnh Ba Tư, do đó, Iran luôn muốn an toàn và an ninh trong khu vực chiến lược cao. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng trong vùng Vịnh Ba Tư là trung tâm cung cấp cho châu Âu và Mỹ, nếu bị cắt giảm nguồn cung dồi dào này họ sẽ dễ bị đánh bại. Vì vậy, từ lâu, Mỹ và phương Tây cùng các đồng minh luôn sử dụng nhiều chiêu bài để kích động, gây hấn, tạo ra tình trạng bất ổn trong khu vực Vịnh Ba Tư và kiểm soát được các nước phía Nam vùng Vịnh hòng kiếm lợi.
Tóm lại, eo biển Hormuz là “át” chủ bài của Iran bởi vị trí chiến lược độc đáo của eo biển này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị thế giới với những lý do sau:
- Eo biển Hormuz là đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư truy cập vào các vùng biển quốc tế.
- Trung bình, mỗi mười phút, có một chiếc tàu chở dầu khổng lồ đi qua đường thủy này
- Gần 90% kim ngạch xuất khẩu dầu của Vịnh Ba Tư và các tàu biển chở dầu chắc chắn phải đi qua eo biển chiến lược Hormuz
- Hơn 40% nhu cầu dầu mỏ thế giới được cung cấp từ vùng Vịnh Ba Tư
- Các loại vũ khí mà các quốc gia duyên hải trong vùng Vịnh Ba Tư mua từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu chỉ bằng cách đi qua eo biển Hormuz mới đến đích được.
- Viện Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán rằng vào năm 2020, khối lượng xuất khẩu dầu từ eo biển Hormuz sẽ tăng lên 35 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Cơ sở pháp lý để Iran phong tỏa eo biển Hormuz
Các lý do hợp pháp mà Iran có thể sử dụng khi phong tỏa eo biển Hormuz là Công ước Geneva về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958. Mặc dù Iran là một trong các nước đã ký Công ước về Luật Biển năm 1982 nhưng quốc gia này lại không phê chuẩn nó. Do đó, Công ước này này không có gì ràng buộc pháp lý với Tehran.
Điều 14 của Công ước Geneva năm 1958 quy định: Tàu của tất cả các quốc gia, cho dù có phải là quốc gia ven biển hay không, đều được hưởng quyền đi qua lãnh hải với điều kiện không gây phương hại đến hòa bình, an ninh, trật tự của quốc gia ven biển.
Bên cạnh đó, mục 1 điều 16 của Công ước Geneva 1958 cũng quy định cho phép quốc gia ven biển được yêu cầu tàu thuyền nước ngoài rời khỏi lãnh hải của mình trong trường hợp các tàu này vi phạm luật lệ của quốc gia ven biển. Đây cũng là nội dung được Công ước về Luật Biển năm 1982 nhắc lại.
Trích Mục 3, Điều 16 của Công ước Geneva: Theo quy định của khoản 4, Nhà nước ven biển – không phân biệt đối xử giữa các tàu nước ngoài, có thể đình chỉ tạm thời việc quá cảnh của các tàu nước ngoài nếu việc đình chỉ là điều cần thiết để bảo vệ an ninh của quốc gia ven biển. Việc tạm đình chỉ có hiệu lực chỉ sau khi được công bố hợp lệ.
Như vậy, theo Công ước Geneva, tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép đi qua eo biển Hormuz nếu đảm bảo “an ninh, trật tự và quyền lợi của nhà nước ven biển (ở đây là Iran)” và Iran có quyền trục xuất và đình chỉ việc quá cảnh của các tàu thuyền nước ngoài vi phạm luật lệ của nước mình.
Cơ sở để Iran áp dụng quyền đó chính là câu trả lời cho câu hỏi này: Nếu Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các đồng minh châu Á của Hoa Kỳ như Nhật Bản ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Iran thì các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz có thể được coi là không làm phương hại đến an ninh, lợi ích của Iran hay không?
Và câu trả lời của Tehran chắc chắn là Không. Do đó, ngăn chặn tàu, thuyền các nước kẻ thù của mình đi qua các vùng lãnh hải của mình là quyền bất khả xâm phạm của Iran.
Diễn biến căng thẳng giữa Mỹ, phương Tây và Iran: - Ngày 8/11/2011, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) chính thức công bố báo cáo 25 trang là kết quả điều tra về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng không có bằng chứng nghiêm trọng. Báo cáo chỉ ra Iran bắt đầu di chuyển nhiên liệu hạt nhân xuống các cơ sở ngầm nằm sâu dưới lòng đất để tránh sự điều tra và tiếp tục nghiên cứu thiết kế đầu đạn tên lửa hạt nhân. - Ngày 21/11/2011, Mỹ và Anh đã phát động một làn sóng trừng phạt mới đối với Iran dựa trên báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran do IAEA phát hành. Các lệnh trừng phạt mới đã được thiết kế với những nội dung mới nhằm mục tiêu cản trở hoạt động của các ngân hàng và ngành năng lượng của Iran. - Ngày 28/11/2011, Hội đồng Giám hộ Iran, cơ quan lập pháp tối cao của nước này đã thông qua một dự luật cho phép trục xuất đại sứ Anh và hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày hôm sau, người biểu tình Iran đã xông vào đập phá đại sứ quán và các khu nhà ở của tòa đại sứ quán Anh tại Tehran nhằm phản đối việc Anh áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành tài chính của Iran. - Ngày 1/12/2011, Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt trừng phạt Iran khi mở rộng, thông qua một “danh sách đen” đóng băng tài sản và cấm đi lại với hơn 180 công ty và công dân Iran. Tuy nhiên, EU đã không chấp nhận đề nghị áp đặt một lệnh cấm vận đầy đủ vào dầu mỏ của Iran do Pháp đề xuất. - Ngày 18/12/2011, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Quốc hội Iran Hossein Ebrahimi tuyên bố trong trường hợp bị cấm xuất khẩu dầu mỏ, Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, không nước nào được vận chuyển dầu mỏ qua tuyến đường biển chiến lược này. - Ngày 24/12/2011, Hải quân Iran bắt đầu đợt tập trận “Velayat 90” kéo dài 10 ngày tại Eo biển Hormuz và khu vực lãnh hải gần kề. - Ngày 27/12/2011, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi tuyên bố nếu dầu của Iran bị phong tỏa, thì “sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua được Eo biển Hormuz”. - Ngày 28/12/2011, Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Habibulah Sajari nói: ”Đóng cửa eo biển Hormuz dễ như trở bàn tay đối với các lực lượng hải quân Iran vì Iran có quyền kiểm soát hợp pháp tên tuyến đường này”. Đáp trả lại, phát ngôn viên của Hạm đội 5 Hoa Kỳ tuyên bố: “Sự thông thương hàng hóa và dịch vụ qua Eo biển Hormuz có ý nghĩa tối quan trọng đối với sự thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hải quân Mỹ không cho phép có bất kỳ sự gián đoạn nào”. - Ngày 29/12/2011, tàu sân bay USS John C.Stennis, một trong những tàu lớn nhất của hải quân Mỹ cùng với tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay đã đi qua eo biển Hormuz. - Ngày 31/12/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cơ quan tài chính có quan hệ với Ngân hàng Trung ương Iran – thể chế tài chính chủ chốt mà Iran thông qua đó thực hiện việc thanh toán với các khách hàng trên khắp thế giới. - Ngày 1/1/2012, Iran thử thành công tên lửa đất đối không. Đồng thời, Iran cũng tuyên bố đã thử nghiệm thanh nhiên liệu hạt nhân đầu tiên được tạo ra từ các mỏ quặng uranium của họ tại một lò phản ứng đòi hỏi trình độ làm giàu cao. - Ngày 2/1/2012, Iran cho biết đã thử thành công thêm 3 tên lửa: tên lửa hành trình bờ đối hải Qader, tên lửa tầm ngắn Nasr và tên lửa đất đối đất Nour.. - Ngày 3/1/2012, Iran đe dọa sẽ “có hành động” nếu Hải quân Mỹ đưa tàu sân bay quay trở lại vùng Vịnh. Cùng ngày 3/1/2012, Iran đã yêu cầu quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đề xuất thời gian và địa điểm để nối lại đàm phán hạt nhân giữa nước này với các cường quốc thế giới (Nhóm P5+1), vốn bị đình trệ từ một năm qua. Tuy nhiên, trong phản ứng của mình, ngày 3/1, EU đã từ chối yêu cầu trên. Ông Michael Mann, người phát ngôn của bà Ashton, nói rằng “trái bóng đang nằm trong phần sân của Iran,” đồng thời nhấn mạnh EU luôn đợi câu trả lời của Tehran đối với bức thư mà quan chức này đã gửi tới lãnh đạo Iran hồi tháng Mười năm ngoái. Người phát ngôn này nhấn mạnh EU sẵn sàng đàm phán nghiêm túc nhưng trước hết, Iran phải trả lời bức thư đó. Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 3/1, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói rằng Iran vẫn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và hối thúc thế giới có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Ông này cũng cho biết Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề xuất phong tỏa các tài sản của ngân hàng trung ương Iran cũng như cấm Tehran xuất khẩu dầu mỏ, một động thái mà EU cũng đang cân nhắc. |