Tin chuyên ngành

Hoãn phiên tòa xử vụ gây tràn dầu của BP

Phiên tòa xét xử vụ kiện Tập đoàn Dầu khí Anh (BP) của hàng chục ngàn nạn nhân của vụ sập giàn khoan Deep Horizon 2 năm trước gây tràn dầu trên vịnh Mexico dự kiến diễn ra vào ngày 27/2 đã bị hoãn lại 1 tuần theo đề nghị của Thẩm phán bang New Orleans Carl Barbier.

 

Vụ nổ gây sập giàn khoan Deepwater Horizon của BP hôm 20/4/2010 đã khiến 11 công nhân thiệt mạng và làm hàng triệu thùng dầu thô tràn ra Vịnh Mexico

Việc chậm trễ này đã được đề nghị sau một cuộc hội ý với luật sư của tất cả các bên tham gia vào chiều Chủ nhật (26/2). Đây là một dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ BP có thể đã đạt được một thỏa thuận dàn xếp với những người bị mất sinh kế do hậu quả của thảm họa tràn dầu. Tuy nhiên, một số nạn nhân vẫn muốn cho “BP học một bài học” tại tòa án.

Chris Jones, người có anh trai là một trong 11 công nhân thiệt mạng trong vụ sập giàn khoan Deep Horizon ngày 20/4/2010 cho biết một quyết toán tài chính có vẻ như “dễ dàng quá”.

“Tôi đã sẵn sàng cho phiên tòa xét xử và nhìn thấy họ phải trả giá”, Jones nói với hãng tin AP.

Và Jones không chỉ có một mình. Dean Blanchard, một nhà sản xuất tôm hàng đầu từ Grand Isle, bang Lousiana, trước khi xảy ra vụ tràn dầu, kiên quyết: chỉ trả tiền thôi sẽ không đủ. “Nếu họ có thể thoát được chỉ bằng cách trả tiền, họ đã có rất nhiều tiền – họ sẽ không thực sự học được một bài học. Tôi muốn chắc chắn không bao giờ xảy ra việc này nữa”.

Những đường ống loằn ngoằn trơ trọi dọc bờ biển Grand Isle. Hai năm sau thảm họa tràn dầu, Grand Isle vẫn là một vùng biển hoang vắng, loang lổ vệt dầu

Blanchard cũng cho biết bờ biển Grand Isle 2 năm sau thảm họa tràn dầu gần như là một vùng biển chết, không thể nuôi trồng thủy sản gì được ở đây nữa và những nhà sản xuất tôm hàng đầu hiện nay không “thấm” gì so với sự hoành tráng mà cơ sở sản xuất tôm của ông đã có.

Hai năm trước, vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của BP trên vịnh Mexico đã làm 11 công nhân thiệt mạng và làm hàng triệu thùng dầu thô tràn ra Vịnh Mexico, là thảm hoạ môi trường nghiêm trọng nhất liên quan đến ngành công nghiệp dầu khí tại Hoa Kỳ kể từ khi tàu chở dầu Exxon Valdez va phải đá ngầm và gây ra tràn dầu ở vùng biển Alaska năm 1989. Hãng đã phải thu hẹp quy mô, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỉ USD, tương đương 20% tài sản của mình để có tài chính trang trải cho các khoản phạt, bồi thường, khắc phục hậu quả liên quan đến vụ tai nạn và chạy theo một loạt các thủ tục tố tụng pháp lý rắc rối, kéo dài.

Tuy nhiên, ông lớn dầu khí thế giới vẫn có thể phải đối mặt với xử lý hình sự, hàng tỉ đô la tiền phạt ô nhiễm và yêu cầu bồi thường từ người dân và các doanh nghiệp – những người đã cự tuyệt khoản dàn xếp 20 tỉ USD từ phía công ty sau vụ tai nạn.
Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan