Tin tức

Hành trình thắp lửa - 60 năm thắp sáng ngọn lửa vinh quang

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2021). Tối 26/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Hành trình thắp lửa”, chương trình được phát sóng trực tiếp trên sóng VTV2, phát lại vào 16h20 trên sóng VTV2 và 22h20 trên sóng VTV1 ngày 27/11 .

Tham dự chương trình có đồng chí Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện lãnh đạo các ban/văn phòng Tập đoàn; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngành Dầu khí các thời kỳ; cán bộ, người lao động đang công tác tại Tập đoàn.

Chương trình đã mang đến cho khán giả nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, đồng thời là dịp ôn lại những kỷ niệm sâu sắc từ bậc lão thành từ những ngày đầu đi tìm lửa, lắng nghe những tâm sự của người lao động dầu khí ngoài khơi, những nỗ lực vượt khó điển hình của một số đơn vị trong Tập đoàn. Đan xen chương trình là những thước phim tư liệu quý nói về lịch sử hình thành và phát triển của Ngành Dầu khí trong hành trình 60 năm thắp sáng ngọn lửa vinh quang!

Tại chương trình, ông Nguyễn Hiệp - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) giới thiệu đến khán giả những kỷ vật, máy móc đi cùng năm tháng lịch sử của Ngành Dầu khí, mỗi chiếc máy là một câu chuyện đầy thú vị, chân thực, khắc họa với biết bao kỷ niệm buồn vui, mồ hôi công sức của lớp lớp thế hệ người lao động dầu khí.

Ông Nguyễn Hiệp giới thiệu về những chiếc máy gắn bó năm xưa

Chiếc máy đầu tiên được ông Nguyễn Hiệp say sưa nhắc đến là chiếc máy đo trọng lực, dùng để đo các lớp đất đá sâu dưới lòng đất với sự chính xác cao do các chuyên gia Liên Xô mang sang giúp đỡ Việt Nam. “Trái tim” của chiếc máy là một viên thạch anh có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn sợi tóc, bởi vậy những cán bộ địa chất được giao trọng trách "mang vác" phải hết sức cẩn thận. Để chống rung, chống sốc, giữ cho máy ở trạng thái thẳng đứng đựng trong một chiếc túi may bằng vải bạt cũ, bên trong lót vài miếng đệm. Chiếc máy này có độ chính xác cao, quãng đo trong bán kính 1 km. Tuy nhiên có sự chính xác, đòi hỏi kỹ sư địa chất phải tiến hành đo càng nhanh càng tốt. Ông Nguyễn Hiệp nhớ rất nhiều lần phải xắn quần lội mương để đo đạc theo hướng thẳng, hạn chế đi đường vòng dù thuận tiện hơn.

Một kỷ vật vô giá được ông Nguyễn Hiệp trân trọng giới thiệu là chiếc máy tính Misa do Tiệp Khắc sản xuất. Chiếc máy tính "cổ" chỉ có tính năng vỏn vẹn chỉ cộng, trừ, nhân, chia nhưng lại có giá trị rất hoài niệm. Nhờ "Misa", hàng núi công việc liên quan đến công tác địa vật lý được xử lý, thế hệ ông Nguyễn Hiệp coi nó như kỷ vật vô giá, đồng hành với họ trong những năm tháng khó khăn trên những ngày đầu đi tìm lửa.

Các kỹ sư địa chất Việt Nam ở Đoàn 36 được các chuyên gia Liên Xô đào tạo cấp tốc chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng. "Cũng chẳng bí quyết gì ngoài việc tận tình, họ dạy kiểu cầm tay chỉ việc, lý thuyết đi đôi với thực hành. Chịu khó 1 chút, cứ như vậy anh em trong Đoàn 36 được đào tạo ngắn hạn nhưng tiếp thu kiến thức thực tế rất bài bản". Ông Nguyễn Hiệp kể lại.

Ông Nguyễn Hiệp nhớ lại, hồi đó trẻ con, nông dân ở quê mỗi lần thấy chúng tôi khoan thăm dò trên ruộng thì tò mò lắm thấy, họ kéo đến xem như trẩy hội. Họ thấy chúng tôi vất vả như “trâu đằm”, có bà bĩu môi dặn luôn đứa con bên cạnh: “Đấy! không chịu học thì sau này cũng chỉ đi làm như các chú ấy thôi…”.

Ông Trương Minh ôn lại kỷ niệm xưa

Khán giả cũng không khỏi xúc động trước câu chuyện lịch sử của mỏ Bạch Hổ những năm 1980. Chính lúc mà mọi người dân Việt Nam đang vui mừng vì đất nước có dầu (1984), thì cũng là lúc Xí nghiệp Liên doanh lâm vào tình trạng rất khó khăn, bế tắc. Đó là sản lượng mỏ Bạch Hổ vừa mới khai thác đã có nguy cơ sụt giảm nhanh chóng… Xí nghiệp Liên doanh đã phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua được. Tư tưởng hoang mang, bi quan, chán nản nảy sinh ở không ít người trong Xí nghiệp, kể cả những người có nhiệt huyết, tận tâm. Không “hoang mang, chán nản” sao được khi mà mọi người dân Việt Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ có nhiều dầu, khi mà đất nước chắt chiu để dành cho dầu khí những khoản đầu tư không nhỏ, v.v… bỗng chốc vấp phải một thực tế khắc nghiệt. Niềm hy vọng mong đợi vừa mới nhen lên đã bị tiêu tan. Nhưng rất may, vẫn còn đó một bộ phận cán bộ Vietsovpetro giữ vững niềm tin từ sự nhạy cảm về địa chất là chắc chắn về tiềm năng khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, vấn đề chìa khóa nằm ở trí tuệ, thiên nhiên đã dấu những dòng dầu đó ở đâu? Theo lý thuyết lúc bấy giờ, dầu sẽ tìm được ở các lớp đá trầm tích nằm trên các lớp đá móng có tuổi già hơn và nó không thuộc đối tượng đáng quan tâm trong công tác khai thác dầu khí. Nhưng 1 sự kiện chấn động đã xảy ra vào tháng 9/1988, giếng BH1 trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, đã có quyết định táo bạo chưa có tiền lệ là khoan lại vào tầng đá móng. Sau khi khoan xuất hiện dòng dầu lên đến 2000 tấn/ngày, áp suất quá lớn, ban lãnh đạo Vietsovpetro đã quyết định cho khai thác ngay, rồi hoàn thiện giếng sau. Tấn dầu đầu tiên trong tầng đá móng đã đi vào lịch sử khai thác thế giới, việc tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ đã gây chấn động thế giới, không chỉ giữ lại sự tồn tại của Vietsovpetro, còn cứu cả nền kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn lúc bấy giờ.

Nhắc lại câu chuyện này, ông Trương Minh - nguyên cán bộ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tự hào và xúc động: "Việc khai thác ở Bạch Hổ đúng là một kỳ tích, khiến nhiều chuyên gia phải bất ngờ và xem xét lại những thực tiễn ghi nhận từ trước đó. Bản thân đá móng ở nhiều nơi trên thế giới chủ yếu dạng đặc, lượng dầu không đáng kể, nhưng điều kỳ diệu là mỏ Bạch Hổ đá móng lại có độ rỗng lớn, là nơi lý tưởng để dầu ngấm vào bên trong, điều kiện đó đã giúp Bạch Hổ trở thành một mỏ dầu kỳ lạ, quý hiếm, lập nhiều kỳ tích, đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà".

Khán giả cũng đã nghe về những chia sẻ khắc họa bản lĩnh vượt khó, minh chứng của hành trình vươn ra biển lớn của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans). Từng là một đơn vị thuộc diện khó khăn nhất Tập đoàn, PV Trans đã “hồi sinh” với 10 năm tăng trưởng liên tục với tỷ lệ bình quân khoảng 18%/năm. Năm 2020, dù chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, PVTrans đã rất nỗ lực, được nhiều tổ chức uy tín ghi nhận đánh giá cao. Hiện nay, PVTrans đang sở hữu một đội tàu vận tải hùng hậu trên 30 chiếc đang rong ruổi khắp thế giới, PVTrans vẫn đang tiếp tục trẻ hóa đội tàu, nâng cao năng lực vận tải, cạnh tranh để giữ vững thị phần trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài

Nhạc sĩ Trương Quý Hải giao lưu tại chương trình

Tại chương trình, Nhạc sĩ Trương Qúy Hải cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc với người lao động Dầu khí. Đó là lần anh được dự lễ chào cờ tại giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, hình ảnh giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh cùng anh em hát vang Quốc ca vang vọng giữa biển khơi với cảm xúc vô cùng thiêng liêng, tự hào. Rồi những câu chuyện sinh hoạt thường nhật, đi cùng những chia sẻ buồn vui của những người lao động Dầu khí ngoài khơi xa đều diễn ra dưới lá Quốc kỳ. Những người lao động, hay làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, tạo thành cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác bài hát "Biển Đông tung bay quốc kỳ"...

Anh Phan Thanh Bình trò chuyện trực tiếp cùng gia đình và khán giả chương trình

Để hiểu hơn về công việc của người lao động Dầu khí, chương trình đã kết nối trực tiếp đến kỹ sư Phan Thanh Bình - Giàn trưởng giàn khai thác Thăng Long - Đông Đô. Anh Bình cho biết, anh làm việc cách đất liền khoảng 80km, công việc hàng ngày của anh em trên giàn được chia làm 2 ca, thời gian rảnh mọi người giải trí bằng cách chơi thể thao, đàn hát. Đợt dịch bùng phát năm 2020, năm 2021, khó khăn trong đổi ca, phòng chống dịch, nhiều anh em kỹ sư hàng tháng chưa được về nhà, có kỹ sư trẻ phải hoãn cả chuyện cưới xin. "Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Tập đoàn, đơn vị, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, tập thể người lao động trên giàn rất yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao". Anh Bình chia sẻ.

Anh Phan Thanh Bình và khán giả bất ngờ khi ban tổ chức chương trình đã mời vợ con anh Bình lên sân khấu giao lưu, cuộc trò chuyện trực tuyến ngắn ngủi giữa vợ chồng anh Bình, chị Ngà cùng 2 con nhỏ, khiến nhiều khán giả không khỏi bùi ngủi xúc động!

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng giao lưu cùng khán giả trong chương trình

Chia sẻ cùng khán giả, đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã chia sẻ về những thành quả, công sức, trí tuệ của người lao động Dầu khí trong chặng đường 60 năm vẻ vang, hình thành nên một Tập đoàn kinh tế mũi nhọn hôm nay. Sức mạnh của Petrovietnam đến từ lớp lớp thế hệ người lao động Dầu khí giàu nhiệt huyết, trí tuệ, luôn khát vọng cống hiến, xây dựng và bảo vệ đất nước. 60 năm, từ "không đến có", Ngành Dầu khí đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng đội ngũ kỹ thuật lành nghề, làm chủ khoa học công nghệ, quản lý điều hành nhiều khâu trong chuỗi công nghệ dầu khí, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Lãnh đạo Tập đoàn cùng các lão thành Ngành Dầu khí tại chương trình

Trong chặng đường 60 năm qua, khát vọng cống hiến của các thế hệ người dầu khí đã trở thành giá trị văn hóa cốt lõi của Petrovietnam, bên cạnh đó là tính tiên phong, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, là nghĩa tình trong công tác an sinh đối với cộng đồng không ngừng được đề cao và bồi đắp. Những giá trị đó trở thành sự kế thừa quý báu cho thế hệ người Dầu khí hôm nay, đem lại những thành quả xứng đáng hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, người lao động Dầu khí hôm nay sẽ tiếp tục phát huy những thành quả, khát vọng của thế hệ đi trước với sứ mệnh vinh quang “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”


Bài viết liên quan

Tin tức mới