Tin chuyên ngành

Giá dầu thô xuống dưới 110 USD/thùng

Giá dầu thô tại New York (Mỹ) phiên ngày 4.5 tiếp tục giảm mạnh và lần đầu tiên xuống dưới 110 USD/thùng trong vòng hai tuần qua.

Tổng kết phiên 4.5, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 6 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) chốt ở mức 109,24 USD/thùng, giảm 1,81 USD/thùng, tương đương giảm 1,6% so với phiên trước đó.

Đây là mức chốt phiên thấp nhất kể từ phiên 19.4 của thị trường dầu thô giao kỳ hạn tại New York. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá dầu tại NYMEX cao hơn 32%.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu thô giảm trong phiên này là do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước (tính tới ngày 29.4) tăng thêm 3,42 triệu thùng, lên mức 366,5 triệu thùng. Đây là mức dự trữ cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Con số được DOE công bố cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2 triệu thùng của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó (theo kết quả khảo sát của Bloomberg News).

Dự trữ dầu thô của sàn NYMEX (tại kho Cushing, Oklahoma) tăng thêm 102.000 thùng, lên thành 40,5 triệu thùng.

Trong khi đó, dự trữ xăng trong cùng thời gian bất ngờ giảm 1,05 triệu thùng, xuống còn 204,5 triệu thùng, là mức dự trữ thấp nhất kể từ tháng 6.2009. Trước đó, các chuyên gia dự đoán dự trữ xăng chỉ giảm khoảng 500.000 thùng. Dự trữ diesel và dầu sưởi giảm 1,4 triệu thùng, xuống còn 145,1 triệu thùng.

Cũng theo báo cáo của DOE, lượng tiêu thụ xăng tại Mỹ trong tuần trước giảm 2,2%, xuống còn 8,94 triệu thùng/ngày. Giá xăng giao tháng 6 tại NYMEX giảm nhẹ xuống còn 3,3225 USD/gallon.

Cùng với đó, một báo cáo khác từ các cơ quan chính phủ cho hay, chỉ số ISM cho khu vực kinh doanh dịch vụ của Mỹ đã giảm trong tháng 4 vừa qua, một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ chưa thể tăng trưởng lạc quan.

Chỉ số ISM (do Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố) dành cho khu vực phi sản xuất của Mỹ trong tháng 4 vừa qua giảm xuống 52,8 điểm, so với mức 57,3 điểm hồi tháng 3. Trước đó, kết quả khảo sát của Bloomberg cho thấy các chuyên gia kỳ vọng ở mức tăng 57,5 điểm ISM đối với khu vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, điều này cho thấy khu vực kinh doanh dịch vụ của Mỹ đang phát triển ở tốc độ chậm nhất trong vòng 8 tháng qua.

Thị trường lao động Mỹ có tăng trưởng nhưng chưa đạt kỳ vọng của giới chuyên gia (theo báo cáo của hãng phân tích thị trường tư nhân ADP Employer Services), trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương (bao gồm cả Mỹ) vẫn đang cố gắng sử dụng các chính sách tiền tệ và lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức tăng từ thị trường lao động chưa đủ vực dậy nền kinh tế thì các chính sách tiền tệ có thể sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường dầu, vàng và các mặt hàng chủ yếu khác.

Hiện Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, 3 trong số 4 quốc gia có mức tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới đều đang vướng phải các vấn đề này. Trong khi đó, Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới lại đang phải chống chọi với hậu quả của thảm họa thiên nhiên 11.3.

Giá dầu thô Brent giao tháng 6 tại London (Anh) cũng giảm 1,26 USD/thùng, tương đương giảm 1% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 121,19 USD/thùng.
Theo thanhnienonline

Bài viết liên quan