Sự sụp đổ gần như vô phương cứu vãn của kinh tế EU cùng tình trạng rối như bòng bong tại Trung Đông có thể khiến các máy bơm dầu thô sẽ bị khóa trong ngắn hạn? Công nghiệp dầu thế giới tiếp tục bị những cú hồi mã thương của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, không những không có dấu hiệu sáng sủa mà thậm chí u ám hơn? Việc Iran bị cấm vận sẽ khiến một trong những nguồn cung cấp dầu quan trọng này phản đòn bằng cách “cấm vận ngược” đối với thị trường dầu thế giới từ đó khiến giá dầu leo thang phi mã?
Vài yếu tố căn bản
Từ tháng 8/2011 đã có vài ý kiến tin rằng, thị trường dầu thế giới năm 2012 sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng. Nói cách khác, công nghiệp dầu thế giới sẽ bước vào một năm khó khăn, hiểu theo nghĩa thị trường dầu sẽ buồn tẻ như phiên chợ chiều chứ không sôi sùng sục như đỉnh điểm năm 2008.
Tháng 7/2011, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố sẽ mở kho dầu dự trữ chiến lược để cung cấp cho thị trường trong suốt tháng 8-2011. Đây là lần thứ ba kể từ năm 1974 IEA xả kho dầu dự trữ chiến lược. Điều đó cho thấy dấu hiệu thị trường dầu thế giới chuẩn bị bước vào giai đoạn cam go.
Trong một báo cáo, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cũng dự báo rằng, nguồn cung cấp dầu thế giới năm 2012 sẽ “cực kỳ căng thẳng”. Cần nhắc lại, giá dầu thế giới đã lên đến 101,08USD/thùng (dầu thô Brent) vào tháng 2/2011 (cao nhất kể từ tháng 10/2008). Tuy nhiên, đến tháng 6/2011, nó rơi xuống còn 90USD/thùng, bởi tình trạng bạo động kinh khủng tại Ai Cập và các nước Trung Đông. Với độ nhạy cảm của dầu đối với thời sự thế giới, đặc biệt những vấn đề liên quan địa chính trị, thử nhìn lướt tình hình và diễn biến các vấn đề chính trị thế giới nổi cộm để có thể dự báo giá dầu nói riêng và công nghiệp dầu thế giới nói chung trong năm 2012.
Yếu tố suy thoái: Nếu thế giới tiếp tục suy thoái nghiêm trọng và EU sụp đổ hoàn toàn, giá dầu thế giới có thể vẫn leo lên tụt xuống ở biên độ khiêm tốn không đáng kể so với giá trung bình của năm 2011, tức khoảng 100USD/thùng. Điều này thật dễ hiểu: trong thời buổi lạm phát leo thang, kinh tế bất an, xã hội bất ổn… các mục tiêu phát triển tất nhiên bị ảnh hưởng. Khi sản xuất đình đốn và dân tình khốn khó, việc sử dụng năng lượng hẳn nhiên phải hạn chế; và như một hệ quả tất yếu, giá dầu phải giảm. Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố suy thoái, có thể nói rằng, giá dầu thế giới năm 2012 chắc chắn không tăng đột biến so với mức trung bình năm 2011. Tuy nhiên, thế giới không chỉ đang đối phó với mỗi tình trạng suy thoái. Còn những yếu tố khác ảnh hưởng giá dầu và nó cho thấy giá dầu 2012 có khả năng cao hơn 2011.
Yếu tố Trung Đông: Đầu tiên, phải đề cập đến cục diện Iran. Tháng 11/2011, Mỹ và EU đã đập một đòn trực tiếp vào kinh tế Iran khi tung ra luật cấm vận. Với một nước hiện là nhà xuất khẩu dầu thứ ba thế giới (sau Arập Xêút và Nga) như Iran, cú đánh này tất nhiên không thể nói là không ê ẩm. Như có thể đoán được, Iran có thể sẽ “trừng trị” lại bằng việc cắt giảm sản lượng. Điều này khiến giá dầu thế giới sẽ tăng.
Trong thực tế, giá dầu thế giới đã tăng trong những ngày đầu tiên của tháng 12/2011 khi Iran tổ chức tập trận để sẵn sàng, nếu cần, đóng cửa eo Hormuz (cửa ngõ quan trọng mang tính chiến lược của nguồn xuất dầu từ Trung Đông ra thế giới)… Trong khi đó, Trung Đông lại tiếp tục rối ren với những hình ảnh đẫm máu tại Syria và sự bất ổn nối tiếp của cuộc cách mạng chưa hoàn thành tại Ai Cập. Điều này cho thấy nguồn cung cấp dầu Trung Đông ít nhiều bị tác động, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu. Giá tăng là điều có thể hình dung.
Dù vậy, cục diện Trung Đông dù thế nào chăng nữa, lần này, thật ra lại không ảnh hưởng mạnh đến giá dầu. Tại sao?
Một trong những lý do đầu tiên là Arập Xêút. Do đang tập trung mạnh vào chính sách an dân (phòng ngừa khả năng xã hội bạo loạn bị “lây nhiễm” từ khu vực), Chính phủ Arập Xêút hiện đẩy mạnh chiến lược tăng xuất khẩu dầu để thu tiền cho ngân sách an sinh xã hội. Tháng 11/2011, bất luận phản đối nhao nhao từ OPEC, Arập Xêút vẫn tăng sản lượng dầu lên mức cao nhất trong hơn ba thập niên qua. Với động thái của Arập Xêút, OPEC cuối cùng, trong phiên họp ngày 12/12/2011, phải thống nhất đồng ý tăng mục tiêu sản lượng, lần đầu tiên trong 3 năm qua, lên 30 triệu bpd; thay thế cho hạn ngạch cũ là 24,5 triệu bpd (mức quota được thiết lập năm 2008). Gút lại, với nguồn cung tăng như vậy, giá dầu thế giới năm 2012 có thể không có gì gây bất ngờ.
Yếu tố thị trường các nước mới nổi: Trong cuộc phỏng vấn đài CNBC đầu tháng 12/2011, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Petrobras của Brazil (lớn thứ ba thế giới), Jose Sergio Gabrielli de Azevedo, nói rằng, bất luận kinh tế thế giới suy thoái, thị trường các nước mới nổi vẫn khát dầu. Mức độ tiêu thụ dầu toàn cầu trong thực tế đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua – chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Phi. Mỹ cũng là một trong những nước đốt nhiên liệu nhiều nhất thế giới. Hiện tại, Mỹ nhập khẩu 6/10 thùng dầu và 2/10m3 khí đốt mà họ sử dụng.
Trong dự báo tiêu thụ năng lượng toàn cầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố ngày 19/9/2011, nhu cầu thế giới về xăng và các loại nhiên liệu lỏng sẽ tăng từ 85,7 triệu bpd năm 2008 lên 97,6 triệu bpd năm 2020 và 112,3 triệu bpd năm 2035. Nói cách khác, nhu cầu tăng không ngưng nghỉ tại các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ là động lực chính quyết định giá dầu trong tương lai gần, chứ chẳng phải vụ EU sập tiệm hay Trung Đông rối ren với những biến động chính trị nội bộ.
Cụ thể, trong năm 2012, giới kinh tế gia dự báo giá dầu thế giới 2012 sẽ tăng lên mức 120-130USD/thùng, chủ yếu do nhu cầu từ các nền kinh tế mới nổi.
Với châu Á, giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Cũng theo dự báo, đến năm 2020, Mỹ phải nhập 8/10 thùng dầu và 4/10m3 khí đốt. IEA cho biết đến năm 2030, xuất lượng dầu có thể lên đến 100 triệu bpd nhưng nhu cầu thế giới lúc đó là 120 triệu bpd. Toàn cảnh, nhu cầu dầu chắc chắn ngày càng tăng trong khi nguồn khai thác có hạn. Do đó, ngay cả những người lạc quan nhất cũng tin chắc rằng, dầu chỉ có thể lên giá chứ không giảm.
Với châu Á – nơi đang dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế, đây chẳng là tin đáng để khui champagne. Trừ vùng Trung Đông, châu Á chỉ sản xuất được 10% nguồn cung cấp dầu thế giới nhưng khu vực này đang ngốn 1/4 năng lượng toàn cầu. Thậm chí với vài nước vốn mạnh về xuất khẩu dầu như Malaysia, tình hình bắt đầu chuyển sang gam màu u ám. Malaysia chi khoảng 2,4 tỉ USD/năm để trợ cấp công nghiệp dầu nhằm bình ổn giá nhiên liệu trong nước. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia không thể tiếp tục gồng mãi và mới đây họ đã tuyên bố giảm trợ cấp cho công nghiệp dầu.
Nghiên cứu IEA phối hợp Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy chỉ 10USD tăng trong giá mỗi thùng dầu, kinh tế châu Á sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại. GDP châu Á – trong năm đầu tiên bị ảnh hưởng từ giá dầu tăng – sẽ giảm trung bình 0,8% điểm so với 0,4% các quốc gia OECD. Hậu quả tất yếu là cơn lốc lạm phát. Nước càng có tốc độ phát triển nhanh – chẳng hạn Trung Quốc và Việt Nam – ảnh hưởng từ giá dầu tăng sẽ càng nghiêm trọng. Trung bình, nước đang phát triển (và phải nhập khẩu dầu) dùng gấp đôi lượng dầu để sản xuất một đơn vị xuất lượng kinh tế (unit of economic output) so với nước đã phát triển – theo IEA.
Theo nghiên cứu của kinh tế gia Cyn-Young Park thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên của việc tăng 10USD trong giá mỗi thùng dầu đối với châu Á là cán cân thương mại, do sự điều chỉnh cân đối giữa giá sản xuất và giá xuất khẩu. Một cách toàn cảnh, kinh tế châu Á có thể sẽ bước sang một năm khó khăn hơn, trầy trật hơn, với giá nhiên liệu tiếp tục tăng (dù không nhiều), mà mâu thuẫn thay, lại xuất phát từ chính nguyên nhân phát triển của bộ máy vận hành kinh tế!
Theo Petrotimes.vn