Độc quyền nguồn cung
Nga là một trong những nước sử dụng năng lượng khí đốt như một thứ vũ khí lợi hại để tạo lợi thế chính trị đối với các nước châu Âu. Trung Quốc cũng là nước có nguồn cung năng lượng dầu khí dồi dào tại Trung Á – nơi thị trường truyền thống của Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn đủ tiềm lực để thao túng thị trường Trung Á và xung quanh vùng biển Caxpi.
Hàng năm với khối lượng 30 tỉ m3 khí đốt được xuất từ Turkmenistan sang Nga nhờ quan hệ thân thiện giữa hai nước. Mặt khác Nga và Turkmenistan còn cam kết xây dựng đường ống xuyên Caxpi sang Nga có công suất 30 tỉ m3/năm, nhằm kết nối các giếng khí đốt của Turkmenistan vào mạng lưới vận hành khí đốt từ bất kỳ mỏ nào tới Nga, Trung Quốc và Iran.
Nga dường như đã có quyết tâm không để cho m3 khí đốt nào lọt vào các đường ống khác, nhất là Dự án Nabucco được Mỹ, EU hậu thuẫn đã gạt Nga, Trung Quốc sang một bên và cô lập Iran. Hiện Nga còn có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khí đốt từ Azecbaijan nhằm ngăn chặn phương Tây biến Bacu thành nhà cung cấp cho Dự án Nabucco.
Với hai dự án khí đốt lớn đang thi công, Nga muốn độc quyền cung cấp khí đốt cho châu Âu bằng cách mua khí đốt của các nước Trung Á và vận chuyển qua đường ống của mình. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, các tuyến đường ống này có và trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ địa – chính trị tại khu vực Á – Âu, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và quan hệ Nga – EU.
Mắt xích liên hoàn
Trong chiến lược ngoại giao năng lượng, Nga đã đạt được thỏa thuận với Arập Xêút, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là đồng minh thân cận của Mỹ, đồng thời cũng thắt chặt hơn quan hệ với các nước Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày 30/8/2010, đường ống dẫn dầu dài hơn 1.000km từ Đông Siberi đến mỏ dầu Đại Khánh (Đông Bắc Trung Quốc) đã được khai thông. Giới bình luận quốc tế cho rằng, về lâu dài Nga có thể sử dụng đường ống dẫn mới đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương giống như đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu.
Trong thời gian gần đây Mỹ lại đang quan tâm đến thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt TAPI (Turkmenistan – Afghanistan – Pakistan – Ấn Độ). Nếu dự án dài 16.000km với công suất 33 tỉ m3 này được tiến hành thì Mỹ hy vọng có thể đa dạng nguồn cung, do Mỹ có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan.
Điều đáng lưu ý là cả Nga và Trung Quốc đều tỏ ý muốn được tham gia đường ống TAPI, nhưng Mỹ kiên quyết từ chối. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, Mỹ hỗ trợ TAPI là một cách để phá vỡ thế độc quyền của Nga và Trung Quốc trong việc xuất khẩu năng lượng của khu vực lòng chảo Caxpi ra thế giới. Dự án này cho phép Turkmenistan đến năm 2015 xuất khẩu 33 tỉ m3/năm qua Ấn Độ và Pakistan. Nhờ đó, Turkmenistan không còn lệ thuộc vào những khách hàng lớn như Nga, Trung Quốc và Iran.
Ấn Độ tuy là điểm cuối của dự án, nhưng đường ống này có thể dễ dàng kéo dài sang châu Âu. Vì thế, TAPI là sản phẩm của cuộc chiến Mỹ – Afghanistan, nó góp phần củng cố sự có mặt của NATO tại khu vực cao nguyên chiến lược này có thể giám sát các nước Nga, Iran, Pakistan, Trung Quốc. Đây cũng là lý do để NATO sử dụng lực lượng quân sự nhằm quản lý khủng hoảng tại Trung Á – khu vực sân sau của Nga.
“Con đường tơ lụa” ngày nay
Trung Quốc là quốc gia có đường biên giới gắn liền với khu vực tiềm năng về dầu lửa, đang có kế hoạch hồi sinh “con đường tơ lụa” đã có cách đây hai ngàn năm thành con đường dầu mỏ, khí đốt. Với mạng lưới giao thông hơn 11.000km đường bộ và đường sắt đang được xây dựng để nối các vùng duyên hải, nội địa, Tân Cương, miền Tây với Trung Á và vươn tới cả châu Âu.
Giải quyết tốt mối quan hệ chính trị – dầu lửa Trung Quốc có nhiều cái lợi, vừa khắc phục được nguy cơ thiếu hụt năng lượng, vừa cạnh tranh có hiệu quả với tiến trình liên kết của các nước SNG, hạn chế vai trò của Nga. Đó cũng là quá trình cân bằng quyền lực với lợi thế chiến lược thuộc về Trung Quốc tại khu vực Trung Á.
Ngay từ tháng 12/2009, Trung Quốc đã khánh thành đường ống dẫn khí đốt dài 7.000km nối Trung Quốc với Turkmenistan, xuyên qua lãnh thổ Uzbekistan và Kazactan vốn là sân sau của Nga trước đây. Cũng có thể nói đây chính là “cánh cổng” mở ra để Trung Quốc đi vào thị trường năng lượng Trung Á.
Nhật Bản, tuy không có hệ thống đường ống nối vùng với nhau, nhưng cũng đã có đường dẫn thẳng đến các trung tâm hóa khí như Indonesia với hợp đồng khí hóa lỏng là 16,3 tỉ m3. Theo Dự án South Pars, Brunei hiện là nước cung cấp khí hóa lỏng lớn nhất cho Nhật Bản, tiếp đến là Australia, Malaysia, quota, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Vương quốc Ôman, Ghinê Xích đạo… Nhật Bản còn tham gia vào Dự án Sakhalin có mức đầu tư tới 15 tỉ USD. Như vậy là Nhật Bản đã chủ động đến được với nguồn cung khí hóa lỏng chứ không còn bị động như trước đây.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước xuất khẩu năng lượng, nhưng đã nằm trên mắt xích chính trị – năng lượng của thế giới nên Thổ Nhĩ Kỳ đã ráo riết vận động để phần lớn các tuyến đường ống dẫn dầu khí chảy qua nước mình, hiện kiểm soát 3.636km đường ống dẫn dầu và 10.630km đường ống dẫn khí đốt.
Như vậy, hệ thống đường ống dẫn dầu khí cùng với nguồn tài nguyên năng lượng đang là một trong những con bài cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất hiện nay. Nó không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn đóng vai trò đòn bẩy chính trị thiết yếu, trong bối cảnh nguồn năng lượng đang ngày càng khan hiếm. Nhất là khi xu thế chính trị hóa các nguồn tài nguyên ngày càng rõ nét.
(theo Petrotimes)