1. OPEC: Có thể nâng hạn ngạch sản lượng
Việc nâng sản lượng mục tiêu thiết lập bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện không nằm trong chương trình nghị sự của OPEC nhưng trong tương lai tổ chức này sẽ phải bàn tới, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria Youcef Yousfi cho biết hôm 6/5.
Khi được hỏi về triển vọng tăng hạn ngạch sản lượng, ông Yousfi cho biết việc này sẽ được bàn đến ở cấp độ OPEC.
OPEC dự kiến sẽ nhóm họp ngày 14/6 tại Vienna và nhiều khả năng sẽ bàn thảo về việc nâng hạn ngạch sản lượng. Tại cuộc họp hồi cuối tháng 12 năm ngoái, tổ chức này đã thiết lập mức sản lượng hạn ngạch là 30 triệu thùng/ngày với các thành viên của mình.
Hạn ngạch này đã chịu nhiều áp lực sau khi giá dầu hồi tháng 3/2012 đã tăng đến 128USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008, mặc dù sau đó đã giảm đi chút ít.
Nhiều nước trong OPEC có quan điểm cho rằng giá dầu cao sẽ phá hủy các lợi ích của các nước thành viên khi làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế ở các nước tiêu dùng, làm giảm nhu cầu dầu mỏ trong dài hạn.
Algeria cùng với các nước thành viên OPEC khác như Iran và Venezuela hiện đang khai thác dầu mỏ vượt quá hạn ngạch quy định bởi OPEC, thay vì khai thác ít để giữ giá cao.
2. Vượt qua Iran, Iraqtrở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 2 cho Ấn Độ
Áp lực cấm vận của Mỹ với Iran đã khiến các nhà nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ chuyển dịch sang các nước cung cấp dầu thô khác. Theo đó, vị trí lớn thứ 2 trong số các nước cung cấp dầu thô cho Ấn Độ của Iran(sau Arab Saudi) đã bị Iraq chiếm giữ.
Trong giai đoạn 2011 – 2012, lượng dầu thô Iraq cung cấp cho Ấn Độ đã tăng từ 17,158 triệu tấn dầu (giai đoạn 2010 – 2011) lên 24,51 triệu tấn. Trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran đã giảm từ 18,499 triệu tấn (giai đoạn 2010 – 2011) xuống 17, 44 triệu tấn trong giai đoạn 2011 – 2012. (Theo The Hindu)
3. Ngoại trưởng Mỹ tới Ấn Độ để “đôn đốc” việc cắt giảm nhập dầu từ Iran
Theo một nhân vật trong phái đoàn cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Ấn Độ trong chuyến thăm 3 ngày, bắt đầu từ ngày 6/5, vấn đề cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ của Iran sẽ là một trong những vấn đề chính của chương trình nghị sự giữa 2 bên. (Theo AFP)
4. Iran xây dựng đường ống dẫn khí 220km tới Iraq
Hãng tin bán chính thức Mehr của Iran dẫn lời Giám đốc Công ty Kỹ thuật và Phát triển khí đốt Iran Alireza Gharibi cho biết nước này sẽ đầu tư 450 triệu USD để xây dựng 220km đường ống dẫn khí từ Iran sang Iraq.
Thiết kế công trình của dự án đã được hoàn thành và dự án sẽ được xây dựng bởi các nhà thầu trong nước. Đường ống sẽ vận chuyển mỗi ngày khoảng 25 triệu m3 khí đốt tự nhiên của Iran tới Iraq trong 5 năm và khí sẽ được sử dụng để vận hành nhà máy điện Baghdad và Mansourieh ở Iraq.
Ông Gharibi cũng cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn sẽ bắt đầu ngay sau khi một thỏa thuận khí đốt mới được ký kết giữa Iran và Iraq. (Theo China Daily)
5. Iran xây dựng kho ngầm chứa khí đầu tiên ở Trung Đông
Một quan chức cấp cao ngành công nghiệp khí của Iran cho biết nước này đang có kế hoạch xây dựng một kho ngầm dưới đất chứa khí đốt tự nhiên trong vòm muối gần trung tâm thành phố Kashan.
Theo ông này, các hồ chứa sẽ có khả năng lưu trữ 3 – 4,5 tỷ m3 khí đốt. Đây sẽ là kho ngầm chứa khí đầu tiên ở Trung Đông. (Theo Press TV)
6. PDVSA lên kế hoạch bán 3 tỷ USD trái phiếu 20 năm
Theo một quan chức chính phủ Venezuela, PDVSA sẽ bán 3 tỷ USD trái phiếu 20 năm với lãi suất 9%/năm trong tháng 5 này. (Theo Bloomberg)
7. PDVSA đạt 96% mục tiêu xuất khẩu dầu sang Trung Quốc: Theo số liệu của PDVSA, công ty này đã đạt được 96% mục tiêu xuất khẩu dầu theo các hiệp định ký kết với chính quyền Trung Quốc.
Trước đó, Bắc Kinh đã đồng ý cho Caracas vay hơn 32 tỷ USD. Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đã và đang trả khoản vay này dưới hình thức xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc, theo giá thị trường, bắt đầu từ năm 2007.
Nhìn chung, Venezuela đã nhận được 32 tỷ USD từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã mua 27,8 tỷ USD dầu thô và các sản phẩm dầu và đã nhận được 10,48 tỷ USD tiền trả nợ của Venezuela. (Theo El Universal)
Theo petrotimes.vn