Tin tức

Chuyện phía sau ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”

Những ngày cuối năm 2020, tôi nhận được lời mời tham gia thực hiện ký sự kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam. Là một người làm nghề trẻ tuổi, tôi khá đắn đo trước lời đề nghị này; phần vì rất vui khi được tin tưởng giao phần việc quan trọng, phần thì lo lắng, không biết mình có đủ sức để kể câu chuyện lịch sử 60 năm ngành kinh tế chủ lực của đất nước hay không?... Đây thực sự là cơ hội, những lại là thử thách với tôi.

Một số hình ảnh trong quá trình làm phim 

60 năm lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam lần lượt hiện ra trước mắt qua bộ sử của ngành. Gương mặt những người đi tiên phong, màu áo cũ sờn của thế hệ đi tìm lửa đầu tiên cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước cứ thế in đậm trong tâm trí tôi. Phải làm sao để có thể kể hết được câu chuyện dài? Làm sao tìm lại được hình ảnh, chi tiết để người lao động dầu khí hôm nay và cả khán giả xem truyền hình biết đến những bước chân thầm lặng ấy? Làm sao để không bỏ sót những người cống hiến lớn lao?

Êkip chúng tôi có năm người: một nhà sản xuất, một đạo diễn kiêm biên kịch là tôi, một trợ lý đạo diễn và hai quay phim kiêm kỹ thuật dựng phim. Đội quân chẳng hùng hậu như các êkip truyền hình khác, chưa nói đến êkip phim truyện. Bốn thành viên còn lại đã quen với các hoạt động của ngành, chỉ riêng tôi hệt như một anh lính mới. Tôi còn nhớ những buổi họp, nhớ mãi lời anh Trần Quang Dũng – Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói và nhắc lại trong suốt những cuộc họp về nội dung và duyệt sản phẩm sau này: Hãy gắn ngành dầu khí, gắn người lao động dầu khí với sự đổi thay của mỗi vùng đất mà đội quân dầu khí có mặt, đó là Việt Nam – Đất nước – Con người, chứ không chỉ dừng lại là một ngành công nghiệp, làm sao cho khán giả hiểu thêm một chút, yêu thêm một chút với dầu khí sau mỗi tập phim. Chỉ cần một chút thôi là đã thành công rồi.

Những ngày tháng đầu tiên bắt tay vào công việc này, lời dặn của anh Trần Quang Dũng quả thực khiến tôi có phần áp lực. Khó không? Quá khó ấy chứ. Quá khó với một người ngoài ngành như tôi, quá khó với một người chỉ quen viết và sản xuất các mảng đề tài về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Đó là giai đoạn khá “nghẹt thở”.

Chúng tôi bắt đầu ghi hình những thước phim đầu tiên vào tháng 12 năm 2020, khi ngành dầu khí với tôi chỉ đơn giản là các giàn khoan ngoài thềm lục địa. Êkip chúng tôi đến Vũng Tàu – thủ phủ của ngành dầu khí, và tìm đến những nhân vật đầu tiên. Tôi của tháng 12 năm cũ, không hề biết rằng mình sẽ được gặp những con người đặc biệt đến thế nào. Những cuộc trò chuyện, phỏng vấn kéo dài đến nửa ngày. Tôi hỏi bất cứ điều gì có ghi trong gợi ý của bạn trợ lý. Và tôi đã gặp những giọt nước mắt. Đó là khi bác Lê Quang Trung nấc nghẹn khi nhớ lại những năm tháng gian khó và thương những đồng nghiệp thế hệ sau lỡ bước sai lầm. Là khi đến căn nhà quá đỗi giản dị và thấy dáng hình bác Đặng Của đã chậm hơn vì sức nặng của tuổi tác, bác say sưa kể lại chuyện tìm dầu ở Thái Bình, rồi câu chuyện ngọn lửa của niềm tin tháng 5 năm 1984….Nhiều lúc, bác dường như quên mất rằng chúng tôi đang ở đó, bác nói mãi, còn chúng tôi lặng im đón nhận từng lời...Đến giờ nhớ lại, trong ký ức của tôi lúc ấy là anh kỹ sư trẻ Đặng Của – Quyền liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 36 đang vẽ ra trước mắt tôi ánh lửa màu da cam ở Tiền Hải, Thái Bình năm ấy; là người đã run run cầm mẫu thử dầu rịn ra tay trên tàu khoan Mikhain Mirchin; chứ không phải một người nghỉ hưu đã vài chục năm. Chia tay ra về, bác đưa chúng tôi những tài liệu và ảnh đã chuẩn bị sẵn để phục vụ công tác làm phim. Khi ấy, chúng tôi đã hứa sẽ trở lại và gửi lại bác những tư liệu quý giá ấy. Ra về mà lòng nặng trĩu, lại thêm phần áp lực. Tôi phải làm sao để không phụ lại mong mỏi của các bác?

Đặc biệt, khi gặp một nhà địa chất, một người nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đầu tiên và sau này là Chủ tịch Nước Trần Đức Lương. Ông đã dành cả buổi sáng để trả lời các câu hỏi của chúng tôi về ngành từ những ngày đầu tiên. Ông mê say kể từng chi tiết, từng sự kiện mà cả cuộc đời ông không bao giờ quên. Cho dù kinh qua nhiều vị trí công tác, phụ trách nhiều lĩnh vực, nhưng dầu khí vẫn là những trang ký ức đẹp nhất cuộc đời ông. Và chúng tôi thì nhận được câu trả lời về những hoài nghi mà bấy lâu nay chưa có lời giải đáp, như câu chuyện về việc chọn địa điểm và xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam…

Thời gian thực hiện ký sự “Hành trình người đi tìm lửa” chúng tôi cũng được gặp những vị tiền bối của ngành như bác Ngô Thường San, bác Hồ Sĩ Thoảng và nhiều nhân vật khác. Đi cùng chúng tôi lúc ấy có Nhà văn Nguyễn Như Phong – người gắn bó với ngành dầu khí từ lâu. Tôi chăm chú lắng nghe những cuộc trò chuyện nhưng vẫn thấy ngổn ngang quá. Tôi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. Chuyến công tác đầu tiên chưa được như kỳ vọng. Tôi coi đó là một chuyến khảo sát, không hơn, không kém.

Trở về Hà Nội, tôi tiếp tục ôm những cuốn Lịch sử Dầu khí và bắt đầu lên danh sách những nhân vật cần phỏng vấn và gạch ra những ý cần thiết để làm đề cương và kế hoạch sản xuất. Chúng tôi hoàn thành 5 tập đầu tiên vào cuối tháng 4 năm 2021. Và rồi, dịch bệnh Covid bùng phát. Công việc bị đình lại, và gần như không thể làm được gì tiếp theo khi những nhân vật quan trọng của lịch sử ngành, những công trình trọng điểm phần lớn nằm ở phía Nam. Lại thêm một thứ áp lực đè nặng.

Dường như, những ngày tháng giãn cách xã hội đã cho tôi nhiều điều hơn tôi vẫn nghĩ. Từ một người khá bảo thủ trong việc sử dụng tư liệu, tôi buộc phải quen với việc này. Tôi bắt đầu tiếc nuối chuyến công tác mà tôi từng cho là một chuyến khảo sát đơn thuần. Tôi mong được gặp lại những nhân vật ấy – những con người thuộc thế hệ đầu tiên của những người đi tìm lửa. Tôi đã tìm được thứ mình cần. Thứ cảm giác mà lâu lắm rồi, tôi mới tìm lại được, đó là lý tưởng và lòng say mê. Mỗi cuộc trò chuyện hay tin nhắn của các bác củng cố thêm lòng tin của tôi. Thế hệ ấy đã dấn thân vào cuộc trường chinh tìm lửa, tìm nguồn vàng đen để làm giàu cho Tổ quốc. Tôi biết, họ coi đó là lẽ sống.

Tôi cũng được thấy những người lao động dầu khí trên những giàn khoan – giàn khai thác ngoài biển hăng say lao động, nhiều lúc miên man trong nỗi nhớ nhà đằng đẵng. Tôi được thấy lý tưởng sống của cả một thế hệ là có thực, thứ ánh sáng tôi đã bắt gặp trong những tác phẩm văn học cách mạng khi còn trên ghế trường phổ thông. Đó chẳng phải điều gì cao xa, đó là tình yêu Tổ quốc. Là khi niềm tự hào dâng lên, dường như bất tận, khi biết người Việt Nam đã làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất khi chế tạo ra những giàn khoan nước sâu, áp suất cao thuộc hàng hiếm trên thế giới. Tôi nhớ câu chuyện sự tích cây nêu ngày Tết, bóng cây ngả đến đâu thì đó là đất của người, ma quỷ không thể xâm phạm; khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên thềm lục địa, như một lời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước chúng ta trên biển Đông. Tôi đã từng reo lên vì sung sướng khi tìm thấy câu chuyện về bản báo cáo xác định ranh giới ngoài – thềm lục địa Việt Nam, do chính những cán bộ dầu khí thực hiện. Và cả khi thấy màu cờ sắc áo người lao động dầu khí Việt Nam trên khắp địa cầu. Hướng về biển Đông, quyết tâm bảo vệ đến cùng dáng hình đất nước, hướng tới hòa bình…có lẽ đã trở thành bản năng chảy trong huyết quản của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào.

Làm thế nào để khán giả cũng thấy như tôi đang thấy? Làm thế nào để người ta bớt đi những mặc cảm và sự võ đoán về ngành dầu khí đây? Làm dầu khí là múc dầu lên rồi bán, mà bán là bán tài nguyên của nước nhà – rất buồn là đại đa số người ngoài ngành đều nghĩ như vậy. Tôi cứ suy nghĩ mãi về lời của anh Trần Quang Dũng. Và những ngày tháng giãn cách đã cho tôi câu trả lời. Tôi cũng là một người ngoài ngành, và tôi đã yêu những người lao động dầu khí khi thực hiện khâu tiền kỳ ký sự này. Hơn ai hết, họ đã truyền cảm hứng sống và sáng tác cho tôi. Đó là chìa khóa để ký sự hoàn thành.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại. Trước mắt êkip chúng tôi là Hội đồng cố vấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, gồm những vị lão thành của ngành như Ngô Thường San, Hồ Sĩ Thoảng, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Đăng Liệu, Lê Minh Hồng......Cửa ải này lúc đầu với tôi cũng khó khăn lắm. Tôi đôi lúc cứng đầu, muốn dừng lại. Quả đúng “ngựa non háu đá”. Sau này, tôi thầm cảm ơn các bác đã giúp chúng tôi để ký sự hoàn thiện hơn. Không có các bác, sẽ có nhiều chi tiết sai lịch sử, nhiều dấu mốc không được nhắc đến và tôi chắc sẽ khó trưởng thành hơn.

Khi ký sự chuẩn bị phát sóng, dù rất bận nhưng Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Hoàng Quốc Vượng đã xem kỹ từng tập và góp ý cho tổng thể ký sự. Sự trân trọng lịch sử của ngành đã cho thấy ý thức trách nhiệm của người đứng đầu. Đó cũng là văn hóa của ngành dầu khí, người dầu khí mà chúng ta hay gọi là Văn hóa Petrovietnam. Đó là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy những điều tốt đẹp của thế hệ sau với những thế hệ đi trước. Nhạc sĩ Trương Quý Hải lần đầu theo đoàn làm phim ra giàn khai thác, chứng kiến những cán bộ, người lao động dầu khí hát quốc ca và đặt tay lên trái tim trước cờ đỏ sao vàng giữa trùng khơi cách đất liền 320km, sau này tâm sự rằng, dù là người lính Vị Xuyên, đã hát quốc ca không biết bao lần nơi biên giới, nhưng hát trên giàn khai thác giữa biển trời Tổ quốc là một cảm giác thật đặc biệt. Chính chuyến đi đó đã truyền cảm hứng để anh viết bài hát “Biển Đông tung bay quốc kỳ” để dành tặng cho những người lao động Dầu khí. Bài hát được dùng làm nhạc hiệu cho 20 tập ký sự “Hành trình người đi tìm lửa” và mỗi lần nghe ca từ “Bình yên, bão giông, nắng mưa, ngọn lửa khí vờn quanh bóng cờ. Thềm lục địa biển trời Tổ quốc rạng rỡ”, niềm tự hào là một người Việt Nam lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khi những tập ký sự đầu tiên phát sóng trên kênh VTV1, những tập cuối cùng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sự đón nhận của những người dầu khí, đặc biệt là thế hệ đầu tiên khiến chúng tôi được truyền thêm năng lượng. Và điều đó càng làm chúng tôi thêm tiếc nuối. Giá như có thể nói được nhiều hơn, kỹ hơn về 60 năm ngành Dầu khí để thế hệ sau biết và nhớ chân dung những người đi tiên phong, đã đổ mồ hôi, xương máu, để ngành Dầu khí Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Nhiều người thuộc thế hệ đi tìm lửa đầu tiên đã không còn để chứng kiến những hình ảnh gắn liền với thanh xuân, với cuộc đời họ trong ký sự này. Với êkip chúng tôi, ký sự “Hành trình người đi tìm lửa” là ngọn lửa của lòng biết ơn và tri ân những con người trong hàng vạn con người thuộc nhiều thế hệ đã không tiếc mồ hôi, thậm chí cả máu cho ngành Dầu khí Việt Nam 60 năm qua.

Trong giai đoạn khó khăn này, thế giới vẫn nhiều bất ổn, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài vẫn đang phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, khát vọng phát triển để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ngành Dầu khí Việt Nam vẫn luôn là ngành kinh tế chủ lực để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

Kỳ vọng và tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đi tìm lửa đầu tiên và cũng là người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam đã được lớp lớp thế hệ cán bộ, người lao động Dầu khí hiện thực hóa. 60 năm hình thành và phát triển, khát vọng phát triển của ngành Dầu khí tiếp tục được thắp sáng bởi sáu vạn người lao động Dầu khí. Tôi tin rằng, họ đã thực hiện được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm khu công nghiệp dầu khí Baku năm 1959.

60 năm qua, ngành Dầu khí đồng hành cùng đất nước là một chặng đường nhiều chông gai và cả vinh quang. Niềm vinh quang thuộc về nhân dân Việt Nam. Những gì người lao động Dầu khí đóng góp cho dải đất này quả thực khó để nói hết trong vẻn vẹn 20 tập ký sự. Còn nhiều, rất nhiều chi tiết, câu chuyện chưa được kể trong ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”, nhưng với thời lượng không cho phép, chúng tôi xin phép được để lại vào các dự án tiếp theo của ngành.

Xin phép được khép lại chia sẻ của ekip làm phim chúng tôi bằng lời thơ của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Hoàng Quốc Vượng khi lần đầu tiên ra thăm giàn khai thác Hải Thạch – Mộc Tinh đầu năm 2021:

Tổ quốc nơi đây là ý chí niềm tin
Của lịch sử 4000 năm tụ lại
Của dân tộc không bao giờ chiến bại
Quyết giữ biển trời sông núi Việt Nam. //

Biên kịch - đạo diễn Nguyễn Hương Dung

Bài viết liên quan