Tin chuyên ngành

Bộ Công Thương gỡ khó cho xơ sợi Dầu khí

Ngày 07/8/2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình triển khai dự án và tiêu thụ sản phẩm Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ.

Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ có tổng đầu tư gần 325 triệu USD có công suất 500 tấn sản phẩm/ngày (150 nghìn tấn/năm). Nhà máy được đầu tư công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất của Cộng hòa liên Bang Đức và Thụy Sĩ để sản xuất nguyên liệu đầu vào là xơ sợi polyester cho ngành dệt may Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa kết luận hội nghị.

Ngày 14/3/2014, Công ty CP Hóa Dầu & Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) đã chính thức nghiệm thu có điều kiện, đưa nhà máy vào vận hành thương mại. Tính từ thời điểm vận hành thương mại nhà máy (31/5/2014), PVTEX đã sản xuất được hơn 15,5 nghìn tấn sản phẩm các loại và ký hợp đồng bán cho khách hàng hơn 8,6 nghìn tấn. Trong đó, gần 5,5 nghìn tấn (63%) sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trên cơ sở hợp tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), PVTEX đã cung cấp xơ cho 05 đơn vị chạy thử sản phẩm xơ PSF, phối hợp với Viện Dệt may Việt Nam tiến hành theo dõi, đánh giá toàn bộ quá trình chạy thử sản phẩm. Cụ thể, tính chất cơ, lý của xơ PVTEX tương đương với sản phẩm của Thaipoly, Formosa và Trung Quốc. Các thông số công nghệ cơ bản giống như chạy các loại xơ khác, chỉ phải hiệu chỉnh nhỏ ở máy sợi con, máy chải, máy ghép. Năng suất kéo sợi của xơ PVTEX tương đương như các nguyên liệu khác, kết quả thử nghiệm tiêu chí chất lượng sợi từ xơ của PVTEX tương đương như sản phẩm của Thaipoly và Trung Quốc.

Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Sinh Khang phát biểu đánh giá chất lượng và sản lượng xơ sợi.

Tại hội nghị, đại diện các Công ty dệt, kéo sợi như Dệt may Hà Nội, Sợi Hoàng Thị Loan – Thành phố Vinh, Sợi Phú Xuyên (Phú Bài), Dệt may Nam Định đều thẳng thắn đánh giá về chất lượng sản phẩm của PVTEX, đưa ra các yêu cầu cụ thể về chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật kéo sợi, nhuộm màu xơ, sợi tổng hợp của từng đơn vị. Đặt biệt, Công ty CP Dệt kim Đông Quang đã đi tiên phong sử dụng sản phẩm xơ của PVTEX. Đông Quang đã lên kế hoạch nhập và sử dụng sản phẩm xơ, sợi PVTEX với sản lượng khoảng 1.500 tấn/tháng.

Để nhanh chóng đưa sản phẩm xơ sợi PVTEX đến với các doanh nghiệp trong nước, Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinatex đã đưa ra giải pháp, đề nghị các đơn vị sử dụng xơ của PVTEX vào các sản phẩm sợi CVC, TR, TCM (sợi pha polyester với tỷ trọng thấp). Với hàm lượng thấp của xơ polyester thì hạn chế tính bắt màu nhuộm của xơ do PVTEX sản xuất sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng sợi, vải dệt. Đồng thời mong muốn rằng PVTEX cần quyết liệt hơn nữa nâng cao chất lượng sản phẩm, công suất của Nhà máy. Các doanh nghiệp dệt may sẵn sàng trở thành đối tác lâu dài của PVTEX.

Đại diện PVTEX, ông Phạm Anh Tuấn đã cam kết, trong năm 2014, PVTEX đã đề ra và sẽ thực hiện kế hoạch nâng công suất nhà máy lên 90%, tổng sản lượng khoảng 77,5 nghìn tấn: "Chúng tôi đã có thể làm chủ công nghệ sản xuất xơ, sợi của Thụy sĩ, các vấn đề tiêu chuẩn về sợi chết, nhuộm màu sẽ nhanh chóng được khắc phục. Qua 3 tháng vận hành thương mại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, sản phẩm đạt loại A của chúng tôi đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao, lượng phế phẩm chỉ vào khoảng 2-3%. Khi nâng công suất nhà máy, tiếp tục hoàn thiện công nghệ chắc chắn sản phẩm của PVTEX sẽ đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị kéo sợi, dệt kim trong nước".

Toàn cảnh hội nghị triển khai dự án và tiêu thụ sản phẩm xơ sợi polyester Đình Vũ.

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao sự hợp tác toàn diện của PVN và Vinatex và chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: với tinh thần “phối hợp và chia sẻ” cần phải giải quyết hàng tồn kho, nâng sản lượng của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ lên trên 82%. PVTEX phải có cam kết cụ thể, chính sách giá thành hợp lý, đưa ra lộ trình bán hàng, hỗ trợ kỹ thuật… đối với từng khách hàng nhập xơ sợi trong nước. Bộ Công Thương giao cho Vụ thị trường trong nước làm đầu mối giám sát, thực hiện nhiệm vụ cầu nối giữa PVTEX và các đơn vị trong ngành dệt may trên cả nước.


Bài viết liên quan