Trước đó, hồi đầu tháng 9, Tập đoàn Dầu mỏ Exxon Mobil (Mỹ) và Tập đoàn Rosneft (Nga) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với vốn đầu tư ban đầu là 3,2 tỉ USD, theo đó Nga mở đường cho Exxon Mobil tiếp cận nguồn dầu khí của Nga tại Bắc Cực và Mỹ mở đường cho Rosneft tiếp cận thăm dò, khai thác tại khu vực Biển Bắc của Mỹ. Như vậy, Biển Bắc vốn bình yên, nay cũng đã gợn sóng vì dầu.
Liên minh Bắc Âu đang hình thành
Đầu năm 2011 tại London, Anh, Thủ tướng Anh David Cameron đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Âu lần thứ nhất. Tham gia hội nghị còn có các nhà lãnh đạo của Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Estonia, Latvia và Lithuania. Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Âu lần này nhằm mục đích “củng cố lợi ích chung” giữa các quốc gia trong khu vực; bàn về việc giải quyết các vấn đề kinh tế – năng lượng của khu vực; đặc biệt là thảo luận về dự thảo thiết lập một Liên minh quân sự mới tại khu vực Bắc Âu do Anh khởi xướng. Các chuyên gia cho rằng, khu vực Bắc Âu có các yếu tố hình thành một liên minh quân sự và giữ một vị trí quốc phòng quan trọng trong chiến lược phát triển của NATO.
Tháng 10/2010, tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Âu tại Iceland, Ngoại trưởng Na Uy Jonas Store cho biết, tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước Bắc Âu và các nước Baltic là một bước đi quan trọng và đúng hướng. Đây là thời điểm cần tạo lập sự thống nhất giữa các nước Bắc Âu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Trong cuộc họp tại Oslo, Bộ trưởng Quốc phòng của 9 quốc gia đã thảo luận cách thức hợp tác chặt chẽ hơn về các vấn đề an ninh Bắc Âu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Grete Faremu tuyên bố cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa về các vấn đề như sẵn sàng chiến đấu, đào tạo, huấn luyện quân sự.
Động lực dầu khí
Theo các nhà phân tích Nga, tuyên bố của Anh và Na Uy trong việc thành lập liên minh kiểm soát trên biển nhất là khu vực Bắc Cực chính là nhằm đối phó với các hoạt động thăm dò và khẳng định chủ quyền của Nga tại khu vực. Bởi lẽ, khu vực này chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu, dự trữ khí đốt và các khoáng chất khác trên toàn thế giới. Phía Nga cho rằng, những tuyên bố về ý tưởng hình thành một khối liên minh “NATO – Mimi” tại Bắc Âu của Anh là do Anh là một trong những thành viên tích cực nhất của NATO, nếu tổ chức này hình thành Anh sẽ trở thành cầu nối và có vị trí quan trọng nhất trong trục quan hệ Bắc Âu – Baltic – NATO. Chính với lý do này đã thúc đẩy NATO tích cực đưa ra những đề xuất, nhằm nhanh chóng hình thành khối Liên minh theo định dạng của NATO tại khu vực được coi là “hòa bình” nhất trên thế giới.
Về vai trò của Mỹ và NATO đối với khu vực Bắc Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho rằng: Hiện Anh đặc biệt quan tâm đến chương trình phát triển tàu ngầm và tàu sân bay, Anh có đầy đủ khả năng tham gia tác chiến trong mọi hoàn cảnh, là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy khi tham gia Liên minh tại Bắc Âu. Chuyến đi Na Uy của Bộ trưởng Quốc phòng Anh được xem là nhằm mục đích làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy việc hình thành liên minh “NATO – Mini” trong khu vực. Anh tin tưởng việc thành lập Liên minh này cũng sẽ khiến Phần Lan và Thụy Điển cảm thấy “thoải mái” hơn vì cả hai thấy có cùng chung lợi ích với các nước vùng Baltic.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga lại tỏ ra hoài nghi về triển vọng thành lập một Liên minh Bắc Âu vì lợi ích chung của các nước trong khu vực. Bởi theo lập luận của họ, ý tưởng hình thành khối Liên minh này không chỉ là “phát minh” của riêng Anh và Na Uy, mà đây là một phần trong chiến lược mở rộng lên Bắc Cực của Mỹ và NATO.
Thời gian qua, Mỹ đã liên tục có những động thái gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực, nhằm lôi kéo một số nước tham gia vào các hoạt động chung với NATO, như các cuộc tập trận quân sự và diễn tập vì mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, Mỹ cũng công khai quan tâm đến khu vực Bắc Cực vì Mỹ xem đây là khu vực chứa đựng lợi ích an ninh quốc gia của mình. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama đã ký sắc lệnh về chiến lược an ninh quốc gia, trong đó có nội dung: Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia rộng lớn và cơ bản ở Bắc Cực, Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ những quyền lợi của mình tại khu vực này và Mỹ sẽ tồn tại một cách độc lập với các quốc gia khác.
Nối dài cánh tay
Thời gian qua, Mỹ và NATO đã liên tục đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực, đặc biệt là về quân sự. NATO đã tăng cường các hoạt động của mình nhằm lôi kéo Thụy Điển và Phần Lan tham gia. Cả hai nước đã cam kết đưa quân đội của họ tham gia vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế tại Afghanistan. Năm 2009, NATO đã tiến hành cuộc diễn tập “Loyal Arrow 2009” kéo dài 10 ngày tại Thụy Điển, với sự tham gia của 10 nước với hơn 2.000 quân, tàu sân bay và 50 máy bay chiến đấu.
Năm 2010, Estonia và Latvia đã tổ chức diễn tập cho hơn 3.000 nhân viên quân sự, cũng như nhiều thiết bị quân sự, trong đó có 36 tàu chiến và hai tàu ngầm từ 10 quốc gia trong khu vực, tuy nhiên không có sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển.
Tháng 9/2010, 50 tàu chiến và 4.000 binh lính Hải quân Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức đã tham gia một cuộc diễn tập kéo dài hai tuần tại khu vực bờ biển của Phần Lan. Đây là cuộc diễn tập quân sự lớn nhất từng được tổ chức trong vùng lãnh hải của Phần Lan.
Tháng 6/2010, Chính phủ Phần Lan đã đệ trình lên Quốc hội một đề nghị cho phép quân đội nước này tham gia vào các hoạt động cứu trợ vì mục đích hòa bình của NATO với quân số 25.000 người. Tháng 12/2010, Tổng thống Tarja Halonen cùng Bộ trưởng Quốc phòng Juri Hyakyamies, Ngoại trưởng Stubb đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon, tham gia vào việc giải quyết vấn đề trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Tháng 12/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Sten tuyên bố, Thụy Điển sẽ ưu tiên mua sắm vũ khí để tăng cường sức mạnh quân sự và lực lượng Hải quân ở Bắc Cực. Thụy Điển còn lên kế hoạch trong giai đoạn 2011-2014 sẽ tăng cường sức mạnh cho Hạm đội tàu chiến của mình, chi phí nâng cấp Hạm đội ước tính lên tới 1,6 tỉ USD. Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Âu tháng 11/2010, các bên nhất trí cho rằng sự phát triển, hợp tác Bắc Âu – Baltic sẽ giúp tăng cường vị thế của khu vực trong Liên minh châu Âu và trên toàn thế giới.
Như vậy, với việc đưa ra lý do sẽ xuất hiện các mối đe dọa từ Iran, CHDCND Triều Tiên, Al-Qaeda và cướp biển, Mỹ và NATO đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực này. Xong điểm đáng chú ý là các hoạt động của các nước Bắc Âu được xem là nhằm mục đích giúp Mỹ và NATO tiếp cận gần hơn đến khu vực. Đây chính là bước đi trong cuộc cạnh tranh chiến lược – dầu khí của Mỹ và phương Tây với các cường quốc khác tại khu vực.
(theo Petrotimes)