Tin Tập đoàn

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Sự chuyển mình mang tính chiến lược trong ngành công nghiệp, năng lượng quốc gia

Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chính thức đổi tên thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” không chỉ đơn thuần là một động thái đổi mới bộ nhận diện thương hiệu. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), đây là một bước ngoặt mang tầm chiến lược, phản ánh sự chuyển mình sâu sắc về định hướng phát triển dài hạn của ngành năng lượng Việt Nam.

Thay đổi mang tính chiến lược

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, việc đổi tên “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” là một bước thay đổi mang tính chiến lược, thể hiện sự chuyển mình căn bản về mô hình phát triển, sứ mệnh cũng như tầm nhìn của ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Việc chuyển mình lần này cũng là cách để thương hiệu Petrovietnam phát triển lên một tầm vóc cao hơn, hiện đại hơn, toàn diện hơn.

Tên gọi mới “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” không còn bó hẹp trong phạm vi dầu khí mà mở rộng ra toàn bộ lĩnh vực năng lượng - bao gồm cả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và các nguồn năng lượng thế hệ mới. Điều này phản ánh phạm vi hoạt động của tập đoàn sẽ rộng hơn nhiều, với tiềm năng phát triển và cơ hội lớn hơn.

Với tầm nhìn như vậy, Petrovietnam đang hướng đến mô hình tương tự như các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như Saudi Aramco, Equinor (Na Uy) hay BP (Anh). Quy mô, năng lực và đóng góp của tập đoàn sẽ không chỉ mang tầm quốc gia mà còn có khả năng vươn ra quốc tế, đóng vai trò nòng cốt trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, việc đổi tên không đơn thuần là thay đổi định danh, mà còn thể hiện một chiến lược phát triển sâu sắc, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay. Đó là chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm dần phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, hóa thạch. Đây là một sự chuyển dịch về chất, phản ánh đúng định hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu hướng toàn cầu và trách nhiệm với các thế hệ tương lai.

Việc đổi tên không đơn thuần là thay đổi định danh, mà còn thể hiện một chiến lược phát triển sâu sắc, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay.

Điều này cũng đòi hỏi một mô hình tổ chức mới, một cách tiếp cận mới trong cách thức vận hành ngành năng lượng quốc gia - đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp nền tảng, là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với tên gọi mới, ông Lạng tin rằng trong tương lai không xa, Petrovietnam sẽ không ngừng gia tăng quy mô tài sản, lợi nhuận và quan trọng nhất là đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ

Cùng với tên gọi mới, Petrovietnam công bố định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng, Công nghiệp và Dịch vụ. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, đây là một hướng đi toàn diện và có chiều sâu hơn hẳn so với trước kia.

“Trước đây, chúng ta thường nhìn ngành dầu khí dưới góc độ khai thác và bán dầu là chính. Nhưng giờ đây, tập đoàn đã mở rộng tầm nhìn, bao phủ cả công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ năng lượng và đổi mới công nghệ. Đây là dấu hiệu rõ nét cho thấy tư duy phát triển đã thay đổi căn bản”, ông Lạng phân tích.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Đình Khương).

Với trụ cột công nghiệp, ông cho rằng Petrovietnam cần lấy công nghệ số, tiết kiệm năng lượng và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, đồng thời thoát khỏi “lời nguyền tài nguyên” - tức là không chỉ khai thác mà còn phải tạo giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu và phát triển hệ sinh thái công nghiệp.

Bên cạnh việc đổi tên và mở rộng phát triển theo 3 trụ cột chiến lược, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng tin rằng, thương hiệu Petrovietnam luôn giữ được giá trị truyền thống. Sự thay đổi này vừa là sự kế thừa, vừa là bước khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

Ông nhấn mạnh rằng thương hiệu Petrovietnam từ lâu đã gắn liền với sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn như khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Việc chuyển mình lần này chính là cách để thương hiệu Petrovietnam phát triển lên một tầm vóc cao hơn, hiện đại hơn, toàn diện hơn.

“Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng, với định hướng mới, Petrovietnam sẽ trở thành nơi ươm mầm các doanh nhân năng lượng tầm cỡ, như những gì thế giới đã chứng kiến với Rockefeller hay các tỷ phú năng lượng châu Á. Điều này không chỉ thể hiện sự giàu mạnh của ngành, mà còn là minh chứng cho hiệu quả quản trị và sáng tạo”, ông Lạng chia sẻ.

Để hỗ trợ Petrovietnam hiện thực hóa tầm nhìn trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu khu vực, theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Chính phủ cần triển khai một hệ thống các cơ chế và chính sách đồng bộ, dựa trên đánh giá toàn diện cơ cấu kinh tế quốc dân và vai trò then chốt của ngành công nghiệp năng lượng.

Trước hết, cần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu tối thiểu 30% năng lượng từ các nguồn năng lượng mới, sạch và tái tạo vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế cụ thể, bao gồm: Cơ chế tài khóa và tín dụng - ưu đãi thuế cho các dự án năng lượng sạch, tái tạo và công nghệ cao; cơ chế phát triển khoa học công nghệ - tăng cường ngân sách cho Quỹ nghiên cứu và phát triển năng lượng, đồng thời trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tập đoàn như Petrovietnam trong đầu tư nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; cơ chế đầu tư ra nước ngoài - hỗ trợ các tập đoàn năng lượng đầu tư vào các quốc gia có nhu cầu cao về năng lượng sạch, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế; Cơ chế đổi mới cơ sở hạ tầng - khuyến khích hiện đại hóa thiết bị và hạ tầng ngành năng lượng thông qua các chính sách khấu hao nhanh, miễn/giảm thuế cho các dự án đổi mới công nghệ.

Với hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài khóa, tín dụng, đầu tư, nghiên cứu và hội nhập quốc tế, ngành công nghiệp năng lượng với Petrovietnam đóng vai trò then chốt có thể đạt được, thậm chí vượt chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo Nghị quyết 55, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Theo tin từ pvn.vn

Bài viết liên quan