Tin Tập đoàn

Petrovietnam chào đón Nhật đầu tư các dự án điện than, chế biến dầu khí

Sáng 3/8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội thảo “Hợp tác đầu tư với Petrovietnam, dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản”.

Chủ trì hội thảo có Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Dũng; cùng tham dự có khoảng 130 nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực khác nhau với các tên tuổi lớn như Mitsui Oil Exploration, JX Nippon Oil & Energy Corporation, JBIC, SMBC, Bank of Tokyo, Mizuho Corporate Bank…

Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu phát biểu tại hội thảo.

Đây là lần đầu tiên Petrovietnam tổ chức xúc tiến đầu tư tại Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Năm 2010, Petrovietnam cũng đã thực hiện việc xúc tiến đầu tư với đối tác ở ngoài nước và Nhật Bản là nước đầu tiên.

Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu cho biết: Kinh tế Việt Nam đang phát triển ở mức khá so với tình hình chung ở châu Á. Trong đó, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế lớn nhất, đóng góp 1/3 GDP của cả nước, 15% giá trị xuất khẩu. Đồng thời, Petrovietnam góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy vậy, để Petrovietnam phát triển hơn nữa thì Petrovietnam phải mở rộng hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. Năm 2011, tổng doanh thu của Petrovietnam là 32 tỉ USD, lợi nhuận trước thuế 4,25 tỉ USD. Mục tiêu đến 2015, Petrovietnam sẽ có tổng doanh thu 47 tỉ USD. Và đến năm 2020, Petrovietnam cần khoảng 45 – 50 tỉ USD vốn đầu tư.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Đầu tư và Phát triển Tập đoàn cho biết hiện nay Petrovietnam đang có hàng chục dự án cần sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Về công nghiệp điện, Petrovietnam đang triển khai đầu tư 5 dự án điện than, bao gồm: Thái Bình 2, Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Các dự án thủy điện: Hủa Na, ĐakĐrinh; dự án điện gió Hòa Thắng (Bình Thuận). Các dự án lọc dầu và hóa dầu như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lọc hóa dầu Long Sơn, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất…

Đây là cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu các dự án của Petrovietnam.

 

Nói thêm về các dự án này, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Tiến Dũng cho rằng đây là những dự án lớn của đất nước và là những địa chỉ tin cậy để các nhà đầu tư Nhật tìm hiểu, lựa chọn đầu tư. Trong quá trình đầu tư sẽ xảy ra các khó khăn, vướng mắc nhưng Petrovietnam cam kết sẽ cùng với các nhà đầu tư Nhật tìm các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy dự án đi đúng tiến độ.

Các nhà đầu tư Nhật đã đưa ra hàng chục câu hỏi để lãnh đạo Tập đoàn cung cấp thêm thông tin về các dự án. Hiện tại, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD nhưng có đến 71% vốn của các đối tác ngoại. Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Tiến Dũng giải thích: Petrovietnam chỉ đóng góp 1/3 tổng vốn đầu tư. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài góp 2/3 tổng số vốn.

Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến ưu đãi về thuế, sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam ở các dự án của Petrovietnam. Thực tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Kuwait, Nhật ở dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn về bao tiêu sản phẩm, thuế các loại. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và nỗ lực của Petrovietnam, Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ được khởi công vào cuối năm nay.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Tiến Dũng (thứ 3 từ trái sang) trả lời các câu hỏi của các nhà đầu tư Nhật.

Không chỉ quan tâm sâu tới từng dự án, các nhà đầu tư Nhật còn cho rằng: Nhân cơ hội này, Petrovietnam cho các nhà đầu tư Nhật biết tiêu chí lựa chọn đối tác để tham gia vào các dự án dầu khí. Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Tiến Dũng hoan nghênh thiện chí này của các nhà đầu tư và cho biết: Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định các tiêu chí cho nhà đầu tư. Petrovietnam cho rằng tiêu chí chung là các nhà đầu tư phải đảm bảo được các yêu cầu như tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ tiên tiến và Petrovietnam ưu tiên các đối tác đã có mối quan hệ làm ăn tốt với Petrovietnam. Cụ thể với các nhà máy điện chạy than, tiêu chí đầu tiên là đối tác phải cung cấp được công nghệ tiên tiến đảm bảo môi trường.

Cũng tại cuộc hội thảo này, Petrovietnam cũng giới thiệu 7 đơn vị đang niêm yết trên sàn chứng khoán để các đối tác Nhật Bản tìm hiểu và xúc tiến các cơ hội giao dịch. Những đơn vị đó là Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí, Tổng công ty Gas Việt Nam, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí, Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí.

Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan