Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Phát huy nội lực để thành công
Những năm qua, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, dân trí không ngừng được nâng cao, các khu công nghiệp, nhà xưởng được xây dựng trên cả nước. Do đó, nhu cầu sử dụng điện, năng lượng cũng tăng trưởng liên tục. Theo Quy hoạch điện VII kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, cả nước cần xây dựng 23.000MW nguồn (gần 4.600 MW/năm), giai đoạn 2016 - 2020 cần xây dựng 27.200MW nguồn (trên 5.400 MW/năm). NMNĐ Vũng Áng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Phải nói rằng, dự án này có ý nghĩa bước ngoặt, bởi đây là nhà máy chạy bằng than của nước ta mà than antraxit của nước ta rất khó sử dụng, hai tổ máy có công nghệ hiện đại mà lần đầu tiên chủ đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam, tổng thầu cũng là doanh nghiệp Việt Nam… Thành công của dự án đã khẳng định được nội lực của doanh nghiệp chúng ta, khẳng định sự độc lập tự chủ vươn lên, đi thẳng lên công nghệ hiện đại. Đến nay, nhà máy phát điện an toàn, công suất cao nhưng mức đầu tư lại thấp. So sánh với Vũng Áng 2 đầu tư theo phương thức BOT công suất cũng như vậy thì thấp hơn 800 triệu USD.
Điều đáng mừng nhất là đội ngũ công nhân kỹ sư của chúng ta trưởng thành. Đến công trình này thì có thể khẳng định, tất cả các nguồn điện chúng ta đều làm được, chỉ trừ điện nguyên tử là chúng ta chưa làm. Từ đó, có thể nói độc lập tự chủ, nội lực là rất quan trọng đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian tới phải tiếp tục con đường này, chúng ta không được phép chủ quan, tự mãn bởi công nghệ, kỹ thuật sẽ đòi hỏi nhiều hơn, yêu cầu môi trường cũng cao hơn. Các dự án sau như NMNĐ Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 tỷ lệ nội địa hóa phải cao hơn, kỹ thuật và công nghệ tốt hơn.
Tôi đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo, trình độ quản lý đầu tư xây dựng dự án, sự hợp tác chặt chẽ của chủ đầu tư và các nhà thầu đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để đưa Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 về đích.
Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh: Dự án đạt mức độ nội địa hóa cao
Thực hiện kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như nhằm đảm bảo an ninh năng lượng điện tuyệt đối cho sự nghiệp xây dựng và công nghiệp hóa đất nước với mục tiêu phát triển điện năng phải đi trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vinh dự được Chính phủ giao làm chủ đầu tư Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 trong một chuỗi 5 dự án NMNĐ với tổng công suất 6.000MW.
Với công suất 2x600MW đặt tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, NMNĐ Vũng Áng 1 là một dự án có tầm cỡ và hết sức phức tạp, có quy mô đầu tư vốn lớn, với những yêu cầu kỹ thuật, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, đồng bộ hết sức phức tạp và nghiêm ngặt, đòi hỏi trình độ xây dựng rất cao, việc triển khai dự án là một thách thức lớn ngay cả với những Tập đoàn chuyên ngành năng lượng điện trên thế giới. Đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực lớn của Chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng thầu LILAMA, các nhà thầu thiết bị, xây lắp và sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, nhân dân địa phương, sau thời gian triển khai tích cực dự án đã hoàn thành phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo nhất và được đưa vào vận hành thương mại, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của khu vực miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung.
Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ, nằm trong Tổng sơ đồ điện VI về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015. NMNĐ Vũng Áng 1 với hai tổ máy có công suất mỗi tổ 600MW là nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Với tinh thần phát huy nội lực, gói thầu EPC Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 đã được ký kết giữa PVN và LILAMA. Dự án đã đạt mức độ nội địa hóa có tỷ lệ rất cao (khoảng 30%) đối với thiết kế, chế tạo, vật tư thiết bị trong nước, đặc biệt có gói thầu tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước đảm nhiệt sản xuất chế tạo, lắp đặt. Nhà máy có công nghệ đốt phun trực tiếp tiên tiến, đạt hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ môi trường. Mặt khác, phải kể đến là NMNĐ Vũng Áng 1 sử dụng toàn bộ nguyên liệu là than trộn cám 5 Hòn Gai - Cẩm Phả và Vàng Danh - Uông Bí với lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 3,4 triệu tấn. Số giờ vận hành bình quân năm khoảng 6.500 giờ, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ sản xuất và đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,5 tỉ KWh điện thương phẩm một năm. Đến nay, NMNĐ Vũng Áng 1 đã đi vào vận hành thương mại, sản lượng phát điện lên lưới đạt 2,5 tỉ kWh điện thương phẩm, góp phần hoàn thành 100 tỉ kWh điện thương phẩm của PVN trong tháng 7 vừa qua.
Dự án có quy mô công suất lớn, công nghệ phức tạp, tổ hợp của nhiều hệ thống thiết bị, lại lần đầu tiên được đầu tư, xây dựng, lắp đặt bởi Tổng thầu EPC và các đơn vị nhà thầu xây dựng trong nước. Nhà máy được xây dựng tại địa điểm có địa hình, địa chất phức tạp, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, nơi có khí hậu khắc nghiệt, được triển khai xây dựng trong bối cảnh, thời gian nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động nên không tránh khỏi các khó khăn vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Thành công của công trình NMNĐ Vũng Áng 1 đã đánh dấu sự trưởng thành của chủ đầu tư và các nhà thầu, đã trở thành niềm tự hào của đội ngũ xây dựng nguồn điện Việt Nam với công trình nhiệt điện lớn nhất trong nước đến nay đi vào vận hành mà tất cả các khâu quản lý - thiết kế thi công, xây dựng, lắp đặt - vận hành đều do người Việt Nam đảm nhận chính.
Trước thời điểm NMNĐ Vũng Áng 1 hoàn thành và vận hành thương mại, PVN đã đưa vào vận hành an toàn ổn định và hiệu quả 4 nhà máy nhiệt điện khí là Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và 2 nhà máy thủy điện Hủa Na và Đăkđring với tổng công suất khoảng 3.000MW. Việc NMNĐ Vũng Áng 1 đi vào vận hành thương mại đã nâng tổng công suất phát điện của PVN lên 4.200MW, chiếm hơn 11,5% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, PVN đang tiếp tục khẩn trương triển khai công tác xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khác gồm Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch với tổng công suất 4.800MW. Lãnh đạo PVN đã đặt ra mục tiêu trọng điểm là triển khai quyết liệt các dự án nguồn điện, quyết tâm đưa các nhà máy vào vận hành thương mại an toàn, đúng hạn, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch Hồ Xuân Hiền: Chúng tôi thu được nhiều bài học từ Vũng Áng
NMNĐ Vũng Áng 1 là dự án lần đầu tiên PVN đầu tư nguồn đốt than. Bởi vậy những kinh nghiệm từ đây chính là những bài học “xương máu”. Đầu tiên phải kể đến là công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án. Công tác chuẩn bị, thu xếp vốn tốt thì khi thực hiện dự án mới thuận lợi, đảm bảo thành công. Tiếp đến, phải yêu cầu nhà thầu xây dựng tính toán, lường hết khối lượng thực tế thi công, tính toán đầy đủ vào giá chào thầu để không xảy ra tình trạng phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Đối với phần xây dựng của Hợp đồng EPC, cần xem xét cẩn trọng và đầy đủ chi phí để giao cho nhà thầu xây dựng trong nước hoặc nếu có thể thì điều chỉnh loại hợp đồng từ hình thức trọn gói sang hình thức theo đơn giá điều chỉnh để các nhà thầu trong nước chủ động trong quá trình triển khai thi công và điều chỉnh đơn giá cho phù hợp.
Mặt khác, bởi giao diện các gói thầu phức tạp, những vướng mắc xảy ra trong quá trình thi công hạng mục là điều không thể tránh khỏi, để xử lý các vấn đề tại hiện trường được nhanh chóng, nhất thiết phải huy động kỹ sư làm việc tại hiện trường thực hiện công tác giám sát thiết kế và kỹ sư tư vấn giám sát hiện trường để quyết định xử lý các vướng mắc nhanh nhất có thể, đảm bảo tiến độ thi công không bị gián đoạn. Từ đó, chủ đầu tư sẽ kiểm soát tốt tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết hằng tuần, hằng tháng, đặc biệt là các đường găng của dự án, của từng hạng mục
Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 áp dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp, lò tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than antraxite của Quảng Ninh (Hồng Gai, Uông Bí). Đây là công nghệ không mới trên thế giới, tuy nhiên, đối với loại than Antraxite được biết là loại than có đặc tính khó bắt lửa, cháy kém ổn định và khó cháy kiệt, đặc biệt là khả năng đóng xỉ cao. Do vậy việc lựa chọn công nghệ Lò hơi đóng vai trò rất quan trọng. Sau nhiều lần đắn đo, tính toán chúng tôi đã lựa chọn lò hơi của Nhà cung cấp Babcock & Wilcox sử dụng cho NMNĐ Vũng Áng 1 bởi đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đốt than. Đồng thời, với cấu tạo của buồng đốt với kiểu ngọn lửa hình chữ W đảm bảo tăng thời gian lưu của than bột trong vùng có nhiệt độ cao, đảm bảo cháy kiệt than và giảm thiểu khả năng đóng xỉ. Có thể hình dung như thế này, dân gian có câu “đo ni đóng giày” thì nhà máy điện cũng tương tự như vậy là “đo than dựng lò hơi”.
Từ việc lựa chọn chính xác công nghệ đốt than, sử dụng tối ưu lượng nhiệt từ nguyên liệu nên góp phần quan trọng vào giải quyết một vấn đề công nghệ được quan tâm nhất là giới hạn nồng độ phát thải của nhà máy. Đồng thời, để đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, các công nghệ tối ưu được lựa chọn cho NMNĐ Vũng Áng như phương pháp khử NOx chọn lọc có xúc tác (SCR), công nghệ khử lưu huỳnh bằng nước biển (SFGD) được lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam… Thực tế, căn cứ từ kết quả đo đạc các thông số của 2 tổ máy, lượng phát thải đều đạt yêu cầu, các tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt lượng SO2 thải ra môi trường nhỏ hơn nhiều so với giá trị quy định, yêu cầu môi trường của các nhà máy nhiệt điện.
Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Dầu khí Hà Tĩnh (PV Power Hà Tĩnh) Phan Thế Hồng:
Quyết tâm không để xảy ra sự cố khi vận hành
Trong quá trình tiếp quản vận hành NMNĐ Vũng Áng 1, chúng tôi đã xác định chuẩn bị một đội ngũ vận hành trẻ, được đào tạo bài bản, thực tập tại các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt, ngay những ngày đầu, lực lượng vận hành của chúng tôi đã bám sát cùng các chuyên gia của các nhà thầu, tham gia ngay từ giai đoạn lắp đặt thiết bị, thử nghiệm hiệu chỉnh, vận hành không tải… đến vận hành thương mại Tổ máy số 1, 2. Chính vì vậy, ngay từ khi tiếp nhận vận hành thương mại Tổ máy số 1 (ngày 31-12-2014), Tổ máy số 2 (14-5-2015) đội ngũ cán bộ, kỹ sư của PV Power Hà Tĩnh đã rút ra được một số kinh nghiệm thực tế quý báu, vận hành an toàn hiệu quả, đặc biệt là khâu bảo dưỡng sửa chữa (BDSC).
Mặt khác, hệ thống các quy trình, quy định phục vụ cho công tác vận hành, BDSC từ tổng thể cấp nhà máy cho đến chi tiết các thiết bị được chúng tôi xây dựng và ban hành đầy đủ trước khi nhà máy đi vào vận hành. Các tài liệu này có thể sử dụng ngay để đào tạo cho lực lượng vận hành và BDSC tại công trường và áp dụng trong quá trình vận hành nhà máy sau này. Chúng tôi luôn nhấn mạnh với anh em vận hành nhà máy phải nằm lòng nguyên tắc “không được phép làm việc theo trí nhớ, tất cả các thao tác vận hành đều phải thực hiện và tuân thủ theo quy trình vận hành” để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và thiết bị.
Trong khi vận hành NMNĐ Vũng Áng 1, chúng tôi gặp không ít khó khăn thử thách về công nghệ. Nhưng với kinh nghiệm từng vận hành các nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch, Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện của EVN, chúng tôi đã xử lý được các vấn đề kỹ thuật, điển hình là sửa chữa khi mất tín hiệu máy dò cấp 3 của máy nghiền than, nâng cao hiệu quả hoạt động của máy hút khói, hệ thống hút bụi của nhà máy. Từ khi vận hành thương mại đến nay, NMNĐ Vũng Áng 1 đã sản xuất được 2,5 tỉ kWh điện, không để xảy ra bất cứ sự cố nào khi vận hành.
Những mốc tiến độ chính của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 1. Ký hợp đồng EPC: Ngày 9-4-2009, tại Hà Nội. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã ký Hợp đồng EPC (Liên danh nhà thầu Lilama và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí) trị giá 1,17 tỉ USD cho thiết kế, mua sắm và xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. 2. Khởi công hợp đồng EPC: Ngày 27-8-2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã khởi công hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. 3. Lắp đặt bao hơi Tổ máy số 1, 2: Ngày 16-12-2010, PVN cùng tổng thầu EPC LILAMA đã thành công lắp đặt lại thiết bị bao hơi Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Đến ngày 22-1-2011, tiến hành lắp bao hơi Tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Bao hơi có chiều dài 32,5m, đường kính rộng 2,1m và nặng 320 tấn được lắp đặt an toàn ở vị trí cách mặt đất khoảng 63m. 4. Thử áp Tổ máy số 1 và số 2: Ngày 20-2-2013, tiến hành thử áp thành công lò hơi số 1 và ngày 12-7-2013 tiến hành thử áp thành công lò hơi số 2 nhanh hơn 2 tháng so với tiến độ đề ra. 5. Đốt lửa lần đầu bằng dầu: Ngày 17-8-2013, NMNĐ Vũng Áng 1 đã tiến hành đốt lửa lần đầu bằng dầu cho lò hơi số 1 sớm hơn tiến độ cam kết (1-9-2013) và ngày 26-4-2014 đốt lửa cho lò hơi số 2. 6. Đốt than: Ngày 22-12-2013, tiến hành đốt than lần đầu lò hơi Tổ máy số 1 NMNĐ Vũng Áng 1. Đây là một mốc quan trọng trong quá trình lắp đặt, chạy thử, vận hành nhà máy, chuẩn bị cho việc hòa đồng bộ và phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối tháng 12-2013. 7. Hòa lưới điện Quốc gia: Vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 7-8-2014, Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng đã phát điện ở công suất tối đa 630MW, vượt 105% công suất thiết kế (600MW) và ngày 10-11-2014, Tổ máy số 2 hòa lưới thành công vào lưới điện quốc gia. 8. Vận hành thương mại: Ngày 30-12-2014, Tổ máy số 1 của nhà máy cũng đã được Lilama bàn giao cho PVN vận hành thương mại. Đúng 15 giờ ngày 12-5-2015, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam đã bàn giao Tổ máy số 2 cho PVN, hoàn tất quá trình đưa Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào vận hành thương mại. |