Tin Tập đoàn

Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể

Ngày 01/11, tại TP HCM, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tham dự hội thảo có TS Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), TS Đỗ Ngân Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (trường ĐH Luật Hà Nội), Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) Nguyễn Mạnh Kha cùng các trưởng, phó ban chuyên môn thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam và đại diện các Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên khu vực phía Nam.

 

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo

 

 

Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha cho biết, trong hệ thống CĐ DKVN hiện nay có 184 công đoàn cơ sở/204 doanh nghiệp, đại diện tập thể người lao động (NLĐ) đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Trong đó, các công đoàn cơ sở đã thực hiện đúng các nội dung, quy trình thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT đúng pháp luật, giúp các quan hệ lao động được hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ.

 

Đặc biệt, công đoàn cơ sở Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro thực hiện chế độ chính sách theo “Quy chế nhân viên Vietsovpetro” của Hội đồng Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, trong đó có đại diện hai chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga phê duyệt. Công đoàn công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng thực hiện chế độ hính sách theo Quy chế nhân viên của công ty… Hiện nay có 1 công đoàn trực thuộc CĐ DKVN đang tiếp tục đàm phán và thương lượng với chủ doanh nghiệp để ký kết lại TƯLĐTT trong thời gian tới là công đoàn công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn. 

 

Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha phát biểu tại Hội thảo

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha đánh giá, các cấp công đoàn đã thể hiện tốt chức năng đại diện tập thể NLĐ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Các bản TƯLĐTT của các đơn vị đã được ký kết đều báo cáo công đoàn cấp trên trực tiếp, cơ quan chức năng quản lý địa phương theo quy định của Nhà nước.

 

Hiện nay, trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, số bản TƯLĐTT có chất lượng cao chiếm trên 90% so với tổng số bản TƯLĐTT đã ký kết. Trong đó, có những nội dung có lợi hơn cho NLĐ và cao hơn quy định của pháp luật như: chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tuyển dụng, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, chế độ bảo hiểm lao động, tham quan nghỉ mát, trợ cấp lễ Tết, trợ cấp khó khăn đột xuất, một số chế độ với lao động nữ, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại… và đã cải thiện đáng kể tình trạng TƯLĐTT sao chép các nội dung ngang luật của Nhà nước quy định. 

 

Song, việc ký kết TƯLĐTT vẫn còn gặp một số vướng mắc như tình hình kinh tế khó khăn, một số đơn vị phải cắt giảm lao động, thiếu việc làm, giảm thu nhập và các chế độ khác. Đồng thời tình hình tranh chấp lao động có xảy ra ở một số đơn vị, đòi hỏi CĐ DKVN có những chỉ đạo sâu sát, phối hợp với chuyên môn về công tác đào tạo, đào tạo lại, bố trí việc làm cho NLĐ.

 

Ngoài ra, việc thu đoàn phí Công đoàn bị giảm do thực hiện theo Luật Công đoàn và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, xuống mức 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định. Đội ngũ cán bộ công đoàn ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, có những biến động lớn, không ổn định trong tình hình hoạt động của ngành Dầu khí hiện nay. Bên cạnh đó, pháp luật có nhiều thay đổi nên việc cập nhật, sửa đổi các văn bản pháp luật trong nội bộ của từng đơn vị cũng phải thay đổi theo quy định của pháp luật để thực hiện, trong đó có việc sửa đổi hoặc ký kết lại TƯLĐTT cho phù hợp.

 

Chủ tịch Công đoàn PETROSETCO phát biểu tham luận

 

Đại diện các công đoàn cơ sở như Vietsovpetro, PVFCCo, PTSC, PETROSETCO, PVDrilling, PVEP… cũng đã đóng góp ý kiến và nêu lên những vướng mắc trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động cũng như giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp lao động…

 

Giải đáp các thắc mắc của lãnh đạo các công đoàn cơ sở, TS Đỗ Ngân Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (trường ĐH Luật Hà Nội) đã nêu rõ các quy định của pháp luật về thương lượng TƯLĐTT, quy định về mối quan hệ giữa TƯLĐTT với các văn bản nội bộ khác cùng những vấn đề cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung, ký kết thỏa ước mới. Theo đó, điểm cần chú ý khi thương thảo TƯLĐTT, đó là các quy định của pháp luật; khả năng đoàn kết và tạo thế mạnh của tổ chức công đoàn; kỹ năng của cán bộ công đoàn trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

 

TS Trần Thanh Hà phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn quan tâm tới các kỹ năng liên quan tới việc thỏa thuận TƯLĐTT bằng cách tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo các kỹ năng thương lượng cho cán bộ công đoàn. Đồng chí cũng đề nghị CĐ DKVN cần xây dựng 1 đội ngũ chuyên gia cấp Tổng công ty và cấp trên cơ sở để hỗ trợ các công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Song song đó, CĐ DKVN cũng cần tiến hành bổ sung trang thiết bị theo quy định của Tổng liên đoàn, cập nhật toàn bộ các bản thỏa ước của các doanh nghiệp thông qua thư viện TƯLĐTT; đồng thời tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở việc sử dụng thư viện TƯLĐTT và xây dựng cơ sở dữ liệu tại công đoàn ngành.

 

Tiếp nhận các ý kiến của đại diện Tổng Liên đoàn, các chuyên gia và đại diện các công đoàn cơ sở, Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha khẳng định việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu đối với tổ chức công đoàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Ngoài ra, đồng chí cũng chỉ ra 10nhiệm vụ, giải pháp về thương lượng tập thể, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh cần chú trọng việc xây dựng Thư việnTƯLĐTT để làm cơ sở đánh giá, so sánh, tham khảo nhằm nâng cao chất lượng của việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT.Song song đó, cần đi sâu vào việc xác định tầm quan trọng của TƯLĐTT đối với các cấp công đoàn; đồng thời các cán bộ công đoàn cần tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để đưa vào thương lượng theo hướng hài hòa lợi ích cho cả NLĐ và NSDLĐ.

Theo pvn.vn

Bài viết liên quan

Tin tức mới