Trong hành trình lịch sử đầy tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam, không thể không nhắc đến những bước chân đầu tiên ra nước ngoài của người dầu khí ở Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) để tìm kiếm nguồn tài nguyên từ bên ngoài, góp phần xây dựng và làm giàu cho đất nước.
"Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên"
(Thế Lữ)
Lời tự sự
Trong hành trình lịch sử đầy tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam, không thể không nhắc đến những bước chân đầu tiên ra nước ngoài của người dầu khí ở PVEP để tìm kiếm nguồn tài nguyên từ bên ngoài, góp phần xây dựng và làm giàu cho đất nước. Từ hơn 20 năm trước, khi mọi thứ sau cấm vận còn mơ hồ xa lạ, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, kinh nghiệm đầu tư dự án dầu khí ngoài nước chưa đáng kể, thì người dầu khí PVEP đã lên đường, đặt bước chân đầu tiên tới Algeria, đất nước Hồi giáo xinh đẹp nằm ở bên bờ Địa Trung Hải. Những bước chân đó qua thời gian đã dần chững chạc, mạnh dạn tự tin sải bước, vượt sang châu Mỹ (Venezuela, Peru, Cuba), sang đến châu Âu (Nga), ngược lên các nước Trung Á (Uzebekistan, Kazakhstan) và xuôi về các nước trong khu vực Đông Nam Á (Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia).
Bước đường bôn ba, lầm lũi trong gian khó, những thất vọng, những niềm vui, những nụ cười và những giọt nước mắt người dầu khí PVEP đều đã nếm trải. Chỉ có điều, họ ít nói về mình, có lẽ cuộc sống âm thầm gắn bó với lòng đất, nơi có các kiến tạo địa tầng đứt gãy, nơi có các vỉa chứa hydrocabon, đã tạo cho họ một sự thâm trầm để kiên định mục tiêu trước những đổi thay thời cuộc. Với người dầu khí PVEP, nhiệm vụ rõ ràng cụ thể: Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, đóng góp cho ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hoạt động khai thác dầu khí tại Algeria
Suốt chặng đường đồng hành cùng PVEP trong hơn 18 năm qua thì có hơn hai phần ba thời gian tôi công tác tại các đơn vị dự án. Điều đó giúp tôi được tận mắt chứng kiến những bước chân của người dầu khí PVEP, từ khi còn chập chững bồi hồi cho đến lúc tự tin sải bước, để thương hiệu PVEP lấp lánh hơn, xứng đáng là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong hành trình đó, có những điều thú vị, có những câu chuyện muốn được kể lại, như một sự sẻ chia.
Sự khởi đầu khó quên
Tháng 9/2006, tôi được điều động sang Dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Algeria (PIDC Alger) và gắn bó với dự án tới tháng 02/2011. Dù đã được chuẩn bị tinh thần nhưng khi tiếp xúc, mới thấy dự án còn hơn một tổ chức, đây là một gia đình lớn, một trường học lớn, một "chiến trường" lớn để con người có cơ hội thử thách cái Tôi của mình.
Những năm tháng ở dự án Algeria là những năm tháng thật nhiều ý nghĩa. Tôi thấy mình may mắn khi được sống trong môi trường đồng đội - anh em, được hít thở bầu không khí sa mạc có mùi hydrocacbon và dần dần từng bước trưởng thành. Chúng tôi được làm quen với nhiều điều mới mẻ, cả trong cuộc sống và công việc. Môi trường làm việc khi đó rất chuẩn mực, việc lựa chọn cán bộ biệt phái đi làm nhiệm vụ rất kỹ, trực tiếp do anh Nguyễn Quốc Thập (nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam) lựa chọn.
Văn phòng làm việc tại Dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Algeria (PIDC Alger)
Thời kỳ đầu khi mới bước vào dự án, tôi được phân công làm ở Phòng thi công, trực tiếp làm việc với anh Nguyễn Quốc Hưng. Chàng trai da trắng môi đỏ ấy rất thông minh, nhanh nhẹn. Sau khi giao việc cho tôi theo dõi hợp đồng vận chuyển và làm thủ tục hải quan các lô hàng phục vụ cho chiến dịch khoan, Hưng đã trực tiếp theo dõi và hỗ trợ tôi nhiều trong công việc. Trong 3 tháng làm việc ở Phòng thi công, do anh Nguyễn Xuân Cường (hiện là Tổng Giám đốc PV Drilling) phụ trách, tôi được làm quen với các anh Trần Thanh Long, Phạm Sĩ Phúc, Ngô Thế Dương, Lê Hồng Quang, Đặng Quốc Hùng, Lương Hùng Việt, Trần Tuấn Anh và một cô thư ký tên là Kenza Mai (Mai có bà ngoại người Việt Nam). Dưới căn cứ hậu cần (supply base) lúc đó là các anh Phí Phi Cường, Ngô Thế Hưng và Lương Tuấn Anh. Phụ trách civil works khi đó là Nguyễn Văn Dầu, Phạm Ngọc Hiến, sau có thêm Lã Mạnh Trường.
Nhận việc hôm trước, hôm sau tôi được giao xuống cảng Skidda để kiểm tra lô hàng ống chống mới nhập về (tôi vẫn nhớ tên nhà cung cấp là Tennaris). Quốc Hưng nói: Anh lên phòng hành chính gặp Mr Amar để làm thủ tục. Đó là một ngày cuối tháng 9 năm 2006. Từ chuyến đi này, tôi đã có một tình bạn chân thành và sâu sắc với một người đồng nghiệp Algeria, người đã gắn bó với tôi cả trong công việc và đời sống nhiều năm về sau, đến tận khi Amar nằm xuống vì một chứng bệnh nan y. Amar Belkessa, cái tên ấy đã in hằn trong trí nhớ của tôi không phải chỉ vì giao tiếp gần gũi trong công việc. Ở người đàn ông này, tôi học được cả những bài học cuộc đời.
Tác giả (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với Amar Belkessa
Tiếc rằng, Amar không còn nữa. Rất nhiều anh em dự án đã bàng hoàng khi nghe tin Amar lâm trọng bệnh, rồi qua đời ít lâu sau. Trong vai trò công việc của mình, Amar đã tận tâm tận lực, đóng góp hết sức mình cho dự án. Amar sinh năm 1956, tính đến ngày mất 13/8/2014 tròn 58 tuổi.
Sau khi Amar mất chừng ít hôm, ngày 19/8/2014, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ký quyết định truy tặng Bằng khen cho Amar.
Đất và người
Vào những năm 2006-2007, ở dự án người chưa đông. Hầu hết anh em mới sang có thể nhớ hết tên nhau chỉ sau vài hôm và nhanh chóng trở nên thân thiết, thậm chí còn tụ tập vui chơi thành từng hội sau giờ làm việc.
Thời điểm này, một số anh em cán bộ PVEP cũng được điều động sang hỗ trợ dự án có thời hạn như Đặng Việt Long (hiện là Tổng Giám đốc Hoàng Long Hoàn Vũ JOCs), Ngô Khánh Xạ (hiện là Phó Tổng Giám đốc PVEP), Nguyễn Ngọc Thanh Huy. Anh em tuy sang ít ngày nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng trong quá trình làm việc và sinh hoạt.
Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng với các cán bộ biệt phái trong lần thăm Đại lộ Hồ Chí Minh ở Algeria
Trước thời điểm 2008, Phòng thăm dò đóng vai trò quan trọng với những cái tên như Vũ Sĩ Lý, Nguyễn Văn Giáp, Lưu Thanh Tùng, Vũ Hoàng Long, Trần Minh Giáp, Nguyễn Đức Hảo,... Sau đó, lực lượng có những thay đổi để đáp ứng tình hình mới. Các năm 2006-2007 lần lượt nhân lực khoan được bổ sung với các gương mặt Nguyễn Quang Hưng, Thịnh Văn Thành, Bùi Nguyên Bành, Vũ Tiến Trung,…
Năm 2008 cũng chứng kiến nhiều anh em về nước sau khi kết thúc chiến dịch khoan thăm dò thẩm lượng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của dự án, cần một lực lượng mới để phù hợp với phạm vi và tính chất công việc. Thế hệ thứ nhất và thứ hai của dự án đã dần thay thế bằng thế hệ thứ ba, với những cái tên như Trương Minh Đức, Đặng Hoài Nam, Phan Tiến Dũng, Lê Vĩnh Hiệp, Nguyễn Văn Đức, Vương Thị Thúy Hà, Hoàng Chí Trung, Phùng Đình Sơn,…
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Những con người đi qua dự án giờ có thêm mùi vị và văn hóa nơi đây thấm đẫm trong tâm hồn, tạo nên sự đồng điệu riêng có, một văn hóa rất “Algerois”.
Theo pvn.vn