Đến dự lễ ký có Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu; các đồng chí Thành viên Hội đồng Thành viên Petrovietnam Nguyễn Thanh Liêm, Đinh Văn Sơn; các đồng chí Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Trần Thị Bình, Nguyễn Sinh Khang. Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang và Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc - đại diện lãnh đạo đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và lãnh đạo các nhà thầu Technip, JGC, Tecnicas Reunidas đến dự buổi lễ.
Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu phát biểu tại lễ ký
Ngày 17/5/2005, Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết giữa Petrovietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip gồm Công ty Technip (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha).
Phạm vi khối lượng công việc của hợp đồng 1+4 bao gồm thiết kế chi tiết, mua sắm vật tư thiết bị; xây dựng, lắp đặt; chạy thử, nghiệm thu và chuyển giao. Gói thầu 1+4 bao gồm 14 phân xưởng, trong đó có 9 phân xưởng phải mua bản quyền công nghệ.
Ngày 24/8/2005, Hợp đồng EPC 2+3 bao gồm khu bể chứa dầu thô, khu bể chứa sản phẩm, đường ống dẫn và cảng xuất sản phẩm được Petrovietnam ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip. Ngày 28/11/2005, lễ khởi công các gói thầu EPC 1+4 và 2 +3 được Tổ hợp Nhà thầu Technip phối hợp với Petrovietnam tổ chức tại công trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cám ơn các nhà thầu đã chung sức, chung lòng, cung cấp máy móc, thiết bị, cử chuyên gia sang để xây dựng nhà máy đầu tiên của lĩnh vực lọc hóa dầu Việt Nam.
Những người thợ Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đã trải qua hàng trăm ngày công, hàng nghìn giờ làm, cống hiến tâm sức, trí tuệ cho dự án. “Buổi ký kết hôm nay bên cạnh cùng nhau nhìn lại những việc chúng ta đã làm được thì chúng ta cũng cần nhìn về tương lai và xác định những kế hoạch hợp tác mới” - Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang bày tỏ với các nhà thầu quốc tế.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Trần Thị Bình và tổ hợp nhà thầu ký nghiệm thu dự án
Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc (thứ hai từ trái sang) và tổ hợp nhà thầu ký nghiệm thu dự án
Ông Dominique Peiffert, Giám đốc quốc gia Technip (Pháp) cũng đồng tình với quan điểm đây là dự án thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Ông hy vọng thành công của dự án sẽ là tiền đề để những nhà thầu quốc tế tiếp tục hợp tác với Petrovietnam không chỉ trong chế biến dầu khí, mà mở rộng ra các lĩnh vực khác như chế biến khí, công nghiệp điện.
Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu cám ơn các nhà thầu đến từ Pháp, Malaysia và Tây Ban Nha đã cùng các công nhân, kỹ sư Việt Nam từ những ngày lập dự án đến khi bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư trải qua bao vất vả, khó khăn làm nên một công trình tầm cỡ Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu cho rằng đây là dự án khổng lồ, phức tạp mà tự Việt Nam sẽ không thể làm được. Sắp tới, khi kế hoạch mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được mở rộng, Petrovietnam mong muốn tiếp tục cùng các nhà thầu quốc tế xây dựng nhà máy hoàn chỉnh, đồng bộ.
Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Petrovietnam và tổ hợp nhà thầu Technip; Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Trần Thị Bình (đại diện chủ đầu tư) và Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc (đại diện đơn vị tiếp nhận dự án) và các nhà thầu đã ký nghiệm thu cuối cùng Hợp đồng EPC 1 + 4 và 2 + 3 Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, triển khai thực hiện từ năm 1997 với số vốn đầu tư lên đến hơn 3 tỉ USD, có công suất 6,5 triệu tấn/năm. Nhiều thời điểm, trên công trường xây dựng nhà máy có hơn 1.000 chuyên gia của nhà thầu và hàng trăm cán bộ giám sát thiết kế của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn quản lý dự án được huy động làm việc. Số kỹ sư và công nhân tham gia xây dựng tại hiện trường từ 14.000 đến 15.000 người đến từ 30 quốc gia để đến ngày 22/2/2009, nhà máy đã sản xuất ra dòng sản phẩm đầu tiên. |
Đức Chính