Tin Tập đoàn

Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ II nhiệm kỳ 2015 - 2020: 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành Dầu khí

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm chỉ đạo phát triển ngành Dầu khí. Ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 làm tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh của ngành Dầu khí.

Kết quả xứng đáng với kỳ vọng

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tập đoàn tiếp tục khẳng định vị trí là Tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.

Dự án tại Lô 67 Peru của PVEP

Tập đoàn đã phát triển vượt bậc, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, hoàn chỉnh, đồng bộ đa dạng các hình thức sở hữu từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Tốc độ phát triển, tiềm lực về vốn, năng lực điều hành đã được khẳng định.

Hoàn thiện mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn và xây dựng hệ thống chính trị đồng bộ trong Tập đoàn, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện, xuyên suốt và hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ. Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là điểm sáng chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước.

Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tiềm lực tài chính, đóng góp lớn cho ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; nộp ngân sách nhà nước trung bình 25%-28% tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm (giai đoạn 2011 - 2015:  Tập đoàn đã đóng góp cho NSNN vượt 195 nghìn tỉ đồng tương đương khoảng 9,3 tỉ USD so với kế hoạch Chính phủ giao).

Công tác tái cơ cấu được thực hiện quyết liệt, theo hướng đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, giảm vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi; kiên quyết thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Là đơn vị tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư sang các nước tại các khu vực châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí đạt mức cao.

Nhiều dự án trọng điểm lớn của Tập đoàn được đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả (lọc hóa dầu, khí - điện - đạm) đã tạo ra sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn. Việc triển khai các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí và của Tập đoàn được giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng.

Tập đoàn luôn chủ động, tích cực triển khai thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp, áp dụng quy trình quản lý hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành. Xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu với số lượng hơn 6 vạn người, có tinh thần đoàn kết, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Việc làm và thu nhập đối với người lao động ổn định. Đã khắc phục cơ bản các tồn tại, yếu kém nêu trong Kết luận 41-KL/TW.

Tập đoàn luôn đi đầu trong công tác chia sẻ và thực hiện an sinh xã hội; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nơi có dự án đầu tư của Tập đoàn; đồng thời thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác như: điện, phân bón, hóa chất...

Trong bối cảnh tình hình trên Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp nhưng với quyết tâm cao và có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn đã hoàn thành tốt kế hoạch tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

6 bài học kinh nghiệm

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW của Bộ Chính trị.

Một là, tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật; giữ mối quan hệ chặt chẽ và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương liên quan. Phát triển đúng định hướng Chiến lược đề ra với đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp điều kiện thực tế trong nước và hoàn cảnh quốc tế là yếu tố quyết định để nắm bắt các cơ hội, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động dầu khí trong nước; đồng thời đầu tư, tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng cấp ủy và đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng các cấp ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu và thường trực cấp ủy. Xác định tổ chức cơ sở đảng các cấp là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên và người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng đội ngũ, giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.

Ba là, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời đề ra giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý, giải quyết triệt để, nhất là những hành vi vi phạm.

Bốn là, nguồn nhân lực được đào tạo toàn diện, nhất là về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, khoa học công nghệ, tay nghề. Có chính sách đúng đắn, cụ thể, thống nhất, ổn định, bình đẳng và gắn bó về con người. Tập thể lãnh đạo phải có tri thức khoa học, kỹ năng quản lý, có tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn và đất nước.

Năm là, dầu khí - tài nguyên không tái tạo, do đó phải tổ chức khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước và tăng cường đầu tư tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài.

Sáu là, xây dựng và phát triển bền vững ngành công nghiệp Dầu khí có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, đồng thời với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển, cần thực hiện tốt vai trò của Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, tăng cường hợp tác, hỗ trợ các ngành, địa phương cùng phát triển.

 

Theo Năng lượng Mới 442


Bài viết liên quan