Tin Tập đoàn

Ghi ở Kho Vàng hôm nay

Là thôn bản bị cuốn trôi bởi lũ quét do cơn bão số 3, Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được cả nước hướng về, quyên góp ủng hộ, sẻ chia mất mát. Để giúp đỡ người dân có nơi ở mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã khẩn trương phối hợp với chính quyền các cấp để tái thiết lại Kho Vàng.


 

Thi công một móng nhà trong khu tái thiết  tại Kho Vàng(ảnh: Phong Sơn)

Thi công một móng nhà trong khu tái thiết (ảnh: Phong Sơn)

Trận lũ lịch sử “trăm năm mới có một lần”

Có thể nói, trước khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào nước ta, hiếm ai có thể dự đoán những được hậu quả ghê gớm, có thể nói là tàn khốc của nó gây ra cho nhiều địa phương, tỉnh thành ở miền Bắc nước ta.

Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình - nơi đầu tiên cơn bão quét qua - đã chịu thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Khi hoàn lưu của cơn bão gây mưa lớn, kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì thực sự khiến cho người dân bàng hoàng trước những thiệt hại hết sức nặng nề, thảm khốc.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 150 người chết và mất tích, bị thương gần 100 người. Hơn 11 nghìn căn nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trong đó thiệt hại hoàn toàn đến 8 nghìn căn. Tổng diện tích lúa bị thiệt hại lên đến gần 3.000 ha, diện tích ngô, rau màu thiệt hại gần 1.500 ha, diện tích cây ăn quả, cây lâu năm, cây trồng hằng năm cũng lên đến hơn 700 ha…

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, trong lịch sử, tỉnh Lào Cai chưa bao giờ chịu ảnh hưởng nặng nề như cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn toàn tỉnh. Phạm vi ảnh hưởng trên diện rất rộng, xảy ra cùng một thời gian, với nhiều loại hình thiên tai xảy ra cùng một thời điểm: mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất đá, tính chất thiên tai phức tạp.

Một góc thôn Kho Vàng được xây dựng lại
Một góc thôn Kho Vàng được xây dựng lại

Mặt khác, khu vực xảy ra tập trung ở các vùng đồi núi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, còn nhiều khó khăn về đường giao thông, điện, viễn thông… Kinh tế tại các khu vực này còn rất khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, các khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng của thiên tai và cũng rất khó khăn trong việc khắc phục, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Ông Bàn Văn Bách (ngoài 80 tuổi, trú tại thôn Kho Vàng) chia sẻ, thôn Kho Vàng được sáp nhập từ hai thôn Kho Lạt và thôn Bản Vàng. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Vàng từ thời Pháp thuộc, ông Bách đã chứng kiến không ít những lần quê hương phải hứng chịu những trận bão, lũ to nhỏ lớn bé khác nhau. Tuy nhiên, cơn lũ xảy ra vào tháng 9 vừa qua quả là ghê gớm, kinh khủng nhất. “Đời tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào to như thế cả, dễ đến một thế kỷ mới xảy ra một lần” - ông Bách khẳng định.

“Mưa to kéo dài suốt nhiều ngày đêm. Con sông Chảy bình thường hiền hòa là thế mà bỗng dưng biến thành một con “quái vật”. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, lúc đầu mới ngấp nghé đường bê tông, rồi sau đó cao dần. Các hộ dân ở khu vực thấp, gần đường bị ngập đầu tiên. Rồi đêm ngày 9-9-2024, người ta chỉ nghe thấy tiếng mưa rào rào, cùng tiếng nước đổ về như thác, cuốn trôi hàng chục ngôi nhà cùng đồ đạc. Có thanh niên vì tiếc của, đang trên đồi cao chạy xuống để lấy cũng bị nước lũ cuốn” - ông Bách kể lại.

Cũng theo vị cao niên này, từ thời còn bị thực dân Pháp chiếm đóng, Lào Cai có hai vị trí được dân đào vàng để mắt tới. Một là Minh Lương, huyện Văn Bàn và mỏ còn lại là ở thôn Bản Vàng, xã Cốc Lầu. “Người ta kể ở dưới lòng sông, đoạn sông Chảy qua thôn Bản Vàng từng có rất nhiều vàng. Có người đã “đổi đời” khi đào được những miếng vàng to như quả trứng chim. Tuy nhiên, đến thời ông Bách chỉ còn “mót” được một ít.

Các công nhân đang hối hả trên công trình tái định cư tại Kho Vàng

Mặc dù tài nguyên khoáng sản nay đã không còn, song hàng chục năm nay người dân nơi đây dường như đã tìm được “kho vàng” mới. Đó là việc trồng quế trên mảnh đất này. Hầu hết các hộ dân ở Kho Vàng đều có một vài héc-ta trồng quế. Sau khoảng 5-7 năm quế sẽ cho thu hoạch. Nếu được giá, 1 héc-ta có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng. Và thật may mắn, đa phần diện tích trồng quế của người dân Kho Vàng đã đứng vững trước cơn bão lớn.

Có mặt tại bản Kho Vàng vào những ngày cuối tháng 10-2024, khi mà cơn lũ dữ đã qua đi được nhiều ngày, nhóm phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới vẫn có thể hình dung ra sức tàn phá ghê gớm của nó. Trên con đường từ Ủy ban nhân dân xã dẫn đến cầu Nậm Tôn chúng tôi gặp hàng chục điểm sạt lở. Dưới lòng sông đục ngầu vẫn còn đó nhiều thân cây, rác rến. Bên taluy âm, nước ăn sâu vào cả mét làm lộ hàm ếch trông rợn người.

Rẽ vào con đường dẫn vào thôn Kho Vàng, cứ khoảng trăm mét tôi lại gặp một chiếc cột điện, dù được đổ bê tông chắc chắn ở gốc vẫn đổ kềnh đổ càng như thân cây chuối bị phạt ngang. Có đoạn, tôi gặp cả một chiếc xe tải loại 5-10 tấn cũng bị lật ngang.

Nhưng tang thương nhất là khi anh Ma Seo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng chỉ cho chúng tôi những nền bê tông, nền gạch tan nát mà trên đó những ngôi nhà của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi. Thật khó mà tưởng tượng được nơi đây đã từng là những căn nhà xinh xắn, có vườn rau, có chuồng dê, chuồng trâu… của bà con.

Tại đây, chúng tôi gặp mẹ con chị Lý Thị Toòng. Chị vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cái trận lũ lịch sử đêm ngày 9-9. Trời mưa to liền 2, 3 ngày, nước sông Chảy ban đầu chỉ ngấp nghé đường bê tông, thì sau đó cứ cuồn cuộn đổ về. Đêm đó, chỉ nghe tiếng nước gầm gào như tiếng máy bay, rồi hàng tấn nước bất ngờ đổ ụp, cuốn bay ngôi nhà mà hai vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm mới xây lên được. Chị Toòng và mấy đứa con trai đã may mắn thoát nạn, còn chồng và bố chồng đã bị dòng nước lớn cuốn đi. Nhiều ngày sau, người ta mới tìm thấy xác anh ở tận Yên Bái, cách nhà đến 150km.

Vụ sạt lở cũng đã cuốn trôi gần như toàn bộ căn nhà của chị Trương Thị Hoa và người chồng của chị đến nay vẫn chưa tìm thấy. Nhà có thể làm lại nhưng nỗi đau thương có lẽ phải mất rất lâu nữa mới được chữa lành.

Cả nước chung tay

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu chia sẻ, là xã khó khăn của huyện Bắc Hà với 610 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu, đây là nơi quần cư của 10 dân tộc anh em, trong đó, nhiều nhất là đồng bào Mông, Dao, Tày. Xã có đến 78% hộ dân trong diện nghèo, cận nghèo.

“Bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn xã có 18 hộ dân với 97 nhân khẩu bị ảnh hưởng về nhà ở trên 70% trở lên (trong đó 10 hộ mất nhà, 8 hộ bị sập, sạt nhà), 14 hộ dân với 65 nhân khẩu bị ảnh hưởng dưới 30% về nhà ở. Toàn xã có 97 hộ với 510 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ở vùng có nguy cơ sạt lở đề nghị di chuyển đến nơi an toàn. Đau lòng hơn, trận lũ kinh hoàng rạng sáng ngày 9-9 đã khiến 3 người dân bị cuốn trôi, hiện đã tìm được 2 thi thể bàn giao cho gia đình lo hậu sự” - ông Tuấn nói mà mắt rưng rưng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cuộc sống thường ngày vốn dĩ đã khó khăn, trận mưa lũ lịch sử khiến nhân dân các dân tộc xã Cốc Lầu khó khăn hơn gấp bội. Do đó, ngay sau khi mưa lũ xảy ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự ủng hộ để giúp người dân tạm cư ở nơi an toàn, không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc. Trong khi gần 20 hộ dân ở thôn Kho Vàng được di chuyển từ nơi lánh nạn trên núi xuống Nhà văn hóa xã Cốc Lầu, UBND huyện Bắc Hà và xã Cốc Lầu cũng phối hợp với Công an tỉnh dựng khu lều dã chiến để bà con ở tạm.

Trong những ngày tháng 9, đồng bào và nhân dân cả nước đã hướng về thôn Kho Vàng. Đã có nhiều chuyến xe chở đồ cứu trợ như lương thực, thực phẩm, quần áo để ủng hộ cho người dân bị thiên tai. Các em học sinh tiểu học cũng được lo áo ấm và cả sách giáo khoa, đồ dùng học tập...

Những vạt nắng mới báo hiệu một tương lai tốt đẹp sẽ đến với người dân Kho Vàng
Những vạt nắng mới báo hiệu một tương lai tốt đẹp sẽ đến với người dân Kho Vàng

Theo chị Lý Thị Toòng, sau trận lũ, gia đình chị và nhiều gia đình bị mất nhà khác đã được chính quyền địa phương và đồng bào cả nước quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ. Các con của chị cũng được một số tổ chức nhận chăm sóc, tặng học bổng. Gia đình chị may mắn nằm trong danh sách được nhận một căn nhà trên bản mới. “Chồng mất, cha mất, chúng tôi không còn biết bấu víu vào đâu nữa. Nhưng thật may mắn tôi và các cháu đã được chính quyền, được doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ và còn cho nơi ở mới. Ơn này tôi sẽ không bao giờ quên!” - chị Toòng nghẹn ngào nói.

Đặc biệt, hưởng ứng kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, với truyền thống tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm xã hội, Petrovietnam đã chủ động đề nghị phối hợp với tỉnh Lào Cai đảm nhận tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, bảo đảm cuộc sống ổn định, an toàn, lâu dài cho người dân. Dự kiến khu tái định cư thôn Kho Vàng rộng 2,5ha và đáp ứng chỗ ở cho khoảng 40 hộ dân.

Theo đồng chí Trần Quang Dũng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khu dân cư mới sẽ bảo đảm đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân theo quy chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, việc thiết kế và xây dựng khu dân cư mới sẽ được thực hiện dựa trên đặc điểm văn hóa, phong tục và tập quán của đồng bào dân tộc Dao và Mông - hai nhóm dân cư chính tại thôn Kho Vàng. Sáng ngày 21-9-2024, Petrovietnam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng.

Sáng ngày 21-9, Petrovietnam đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng. Nằm trên khu vực có địa hình cao nên việc thi công, san tạo mặt bằng tái thiết khu dân cư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm cao của đơn vị thi công, đến nay, mặt bằng phục vụ xây dựng gần 40 căn nhà đã cơ bản hoàn thành, nền móng những căn nhà đầu tiên đã hiện hữu.

Nắng mới nơi Kho Vàng

Mới đây, đoàn công tác của chúng tôi quay trở lại Lào Cai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn huyện Bắc Hà và xã Cốc Lầu vẫn còn những trận mưa rất to. Khi đoàn chúng tôi có mặt tại khu vực công trường xây dựng, trời vẫn đang mưa nặng hạt.

Nằm trên khu vực có địa hình cao nên việc thi công, san tạo mặt bằng tái thiết khu dân cư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm cao của đơn vị thi công, đến nay, mặt bằng phục vụ xây dựng gần 40 căn nhà đã cơ bản hoàn thành, nền móng những căn nhà đầu tiên đã hiện hữu.

Ông Nguyễn Quốc Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu chia sẻ thêm. Sau mưa lũ, ngoài khu tái định cư thôn Kho Vàng đang được xây dựng, các hộ dân bị thiệt hại nặng do thiên tai ở những thôn khác trong xã Cốc Lầu sẽ được sắp xếp ở tái định cư xen ghép. Toàn xã còn hơn 20 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở có nhu cầu chuyển đến nơi an toàn. “Xã sẽ tiếp tục trình cấp trên có bố trí, phân bổ kinh phí hợp lý để hỗ trợ người dân có nơi ở mới an toàn” - ông Nghi khẳng định.

Cùng với ổn định nơi ở cho nhân dân, chính quyền xã Cốc Lầu sẽ tập trung giúp nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Trong trận mưa lũ lịch sử, toàn xã có hơn 300 ha cây nông, lâm nghiệp các loại bị thiệt hại, tập trung ở các thôn Kho Vàng, Cốc Lầu, Bản Giàng, Khe Thượng, Làng Mới. Trong số đó, nhiều diện tích đất khó khôi phục lại sản xuất, cần kinh phí đầu tư cải tạo lớn.

Đứng trên khu đồi rộng, nơi chỉ ít tháng nữa thôi sẽ là nơi an cư của gần 40 hộ dân xã Cốc Lầu, anh Đặng Văn Bình - Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng chia sẻ tâm tư với đôi mắt chứa chan niềm hy vọng. Anh nói, biết rằng để tái thiết cuộc sống mới sau mưa lũ sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết một lòng của nhân dân, sự chia sẻ của cộng đồng, thì mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, mọi nỗi đau rồi cũng sẽ dịu lại, cần phải nhìn về phía trước, phấn đấu có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ghi ở Kho Vàng hôm nay
Xung quanh thôn Kho Vàng là những đồi quế, được cho là "kho vàng' mới của người dân

Sau những ngày mưa lũ, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Cốc Lầu, tiếng các học sinh đọc bài đã rộn vang trong các lớp học. Tại đây, chúng tôi gặp anh Lù A Dìn từ khu ở tạm tại Nhà văn hóa xã lên trường thăm các con.

Anh Dìn xúc động chia sẻ, gia đình anh và mấy chục hộ dân ở thôn Kho Vàng vô cùng cảm động khi được cấp ủy Đảng, chính quyền xã bố trí cho bà con có nơi ở trong những ngày khó khăn. Các thầy, cô giáo đưa các con xuống trường học tập, chăm lo cho các cháu ở bán trú tại trường. Bà con rất phấn khởi khi biết thời gian tới sẽ được Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm xây cho nhà mới ở khu tái định cư an toàn...

Buổi sáng khi chúng tôi đến Lào Cai trời còn mưa nặng hạt, nhưng khi chia tay thôn Kho Vàng, chia tay đồng bào trời bỗng hửng nắng. Những vạt nắng mới báo hiệu cho một tương lai tốt đẹp sẽ đến với người dân Kho Vàng.

Khu dân cư mới sẽ bảo đảm đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân theo quy chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, việc thiết kế và xây dựng khu dân cư mới được thực hiện dựa trên đặc điểm văn hóa, phong tục và tập quán của đồng bào dân tộc Dao và Mông - hai nhóm dân cư chính tại thôn Kho Vàng.
Theo pvn.vn

Bài viết liên quan