Nguy cơ thiếu điện
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong năm 2016, toàn quốc sản xuất điện 177 tỉ kWh, trong đó điện cho miền Nam là 76,88 tỉ kWh, chiếm 48,1% sản lượng điện toàn quốc. Trong khi đó nguồn tại chỗ của hệ thống điện miền Nam không đáp ứng được nhu cầu, đường dây truyền tải 500kV Bắc - Nam hiện nay đang chuyển tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam khoảng 18 tỉ kWh. Cho nên hệ thống truyền tải Bắc Nam luôn vận hành ở mức tải cao.
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, khu vực Tây Nam bộ đầu tư 16 dự án nhiệt điện, đồng thời đầu tư các dự án điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Có thể nói, nhu cầu điện tại miền Nam đang rất lớn cho phục vụ sản xuất, sinh hoạt và nuôi trồng thủy hải sản.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng kiểm tra công trường Dự án Nhà máy Điện lực Dầu khí Long Phú 1. |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã tính toán cân đối cung cầu điện và đảm bảo cung cấp điện toàn quốc đến năm 2030, đặc biệt cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn 2017-2020. Trong giai đoạn này, nhu cầu điện tại miền Nam nhận từ miền Bắc và miền Trung tăng từ 15 tỉ kWh năm 2017 lên đến 21 tỉ kWh năm 2019. Nhưng năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỉ kWh/năm (khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung chỉ đạt tối đa 14-15 tỉ kWh/năm), cho nên miền Nam có thể thiếu điện vào năm 2019 ở mức khoảng 2 tỉ kWh.
Do nhu cầu dùng điện ngày càng tăng, mỗi năm tăng bình quân 11%. Khu vực miền Nam được đánh giá từ nay đến năm 2020 sẽ thiếu điện rất cao. Trong khi lượng điện cung cấp cho miền Nam không đáp ứng đủ nên phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu, trong đó các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,6 tỉ kWh/năm. Các năm tiếp theo, sản lượng điện cấp cho miền Nam phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của các dự án nhiệt điện ở miền Nam, trong đó có Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) và Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang). Trong trường hợp hai dự án này chậm tiến độ, sẽ làm gia tăng rất lớn áp lực đảm bảo điện, có thể gây thiếu điện trầm trọng cho miền Nam.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ
Nhận thấy được những khó khăn trước mắt và lâu dài khi hai dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 chậm tiến độ, lãnh đạo PVN thường xuyên trực tiếp có mặt tại hai dự án, chỉ đạo hoạt động tại hai dự án, đốc thúc tiến độ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. PVN cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các đơn vị tham gia hai dự án Long Phú 1 và Sông Hậu 1 để triển khai các kế hoạch cụ thể, lập tiến độ chi tiết, trên cơ sở đó có những điều chỉnh phù hợp để bù đắp các hạng mục công việc đã chậm so với tiến độ.
Ngoài ra, hai dự án cũng thường xuyên nhận chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng. Hằng tháng Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng đều tổ chức họp và PVN định kỳ báo cáo. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm về điện.
Theo Trưởng ban QLDA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 Vũ Huy Quang, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là một trong những dự án đầu tiên áp dụng cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước các hệ thống thiết bị phụ, do đó quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu phụ, cũng như quá trình thực hiện thiết kế, gia công chế tạo trong nước còn nhiều lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị, thực hiện hơn các dự án thông thường. Mặc dù vậy, Ban QLDA cùng các nhà thầu, đơn vị thi công luôn nỗ lực hết mình, cập nhật khoa học kỹ thuật cũng như đồng lòng trong việc đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án sớm đi vào hoạt động để cung cấp điện an toàn cho miền Nam.
Trưởng ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú 1 Nguyễn Doãn Toàn cho biết, hiện các bên tham gia dự án đang thực hiện nhiều giải pháp để rút ngắn tiến độ. Ban QLDA Long Phú 1 đã có một số giải pháp cùng với Power Machines đàm phán với các nhà thầu cung cấp thiết bị để đẩy nhanh tiến độ cung cấp; đàm phán với các đơn vị xây dựng để đẩy nhanh công tác xây dựng bằng cách tăng ca, tăng giờ và các giải pháp tối ưu hóa vấn đề thi công. Cuối cùng là giải pháp đàm phán với các nhà thầu lắp đặt để đẩy nhanh công tác lắp máy. Kèm theo đó, Ban QLDA cũng chủ động làm việc với Power Machines, đơn vị tư vấn, các nhà thầu cung cấp thiết bị chính trong trường hợp cần thay thế, Ban QLDA cũng báo cáo với Tập đoàn, báo cáo Bộ Công Thương cho phép áp dụng những cơ chế phù hợp nhất.
Những năm qua, các dự án đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên được kiểm soát chặt chẽ; Tập đoàn thường xuyên báo cáo Bộ Công Thương tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí và các dự án điện cấp bách để Bộ Công Thương kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ Tập đoàn thực hiện. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thường xuyên trong kế hoạch của cả năm 2017, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… là những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng khẳng định, việc đảm bảo tiến độ đề ra của hai dự án là trách nhiệm của PVN, Ban lãnh đạo PVN thường xuyên có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát, quyết liệt đối với hai dự án này. Đồng thời tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, hợp tác của tất cả các bên liên quan, 2 dự án nhiệt điện sẽ được hoàn thành đúng tiến độ.