Tin Tập đoàn

Dầu khí: Cầu nối bền vững trong quan hệ hữu nghị Việt Nam và Azerbaijan

Nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Cộng hòa Azerbaijan trong khuôn khổ chuyến thăm bốn nước Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus, từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025. Cùng nhìn lại hành trình hợp tác, gắn bó song phương giữa Việt Nam và Azerbaijan, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí.

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí là một biểu tượng tiêu biểu cho tình đoàn kết quốc tế và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai quốc gia. Từ những ngày đầu gian khó, Azerbaijan đã chung tay, góp sức giúp đỡ Việt Nam xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí.

Dầu khí giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Azerbaijan.

Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng. Năm 1959, Người đã có chuyến thăm đến Baku, thủ đô của Azerbaijan, khi đó là một phần của Liên Xô. Tại đây, Người đã đề nghị với các nhà lãnh đạo Azerbaijan: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku...”

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại khu công nghiệp dầu khí Baku, Azerbaijan năm 1959

Thực hiện mong ước của Bác, ngay từ những năm 1960-1980, hàng nghìn sinh viên, kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại các trường đại học dầu khí danh tiếng của Azerbaijan. Không chỉ học tập về chuyên môn, họ còn mang theo tinh thần đoàn kết quốc tế, tình cảm nồng hậu giữa hai dân tộc. Lực lượng cán bộ này đã trở thành nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong những năm đầu vận hành Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt (1975) và Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro, từ 1981).

Azerbaijan không chỉ hỗ trợ về đào tạo nhân lực mà còn cung cấp thiết bị, công nghệ và chuyên gia kỹ thuật, giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng dầu khí hiện đại. Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Các sinh viên Việt Nam và Azerbaijan thăm Zakatal

Sau khi Azerbaijan giành độc lập vào đầu thập niên 1990, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992). Trong những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tiếp tục được hai bên ưu tiên phát triển. Năm 2015, Petrovietnam và Công ty Dầu khí Quốc gia Azerbaijan (SOCAR) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, cung ứng vật tư và đào tạo nhân lực.

Trong các cuộc làm việc giữa đại diện hai bên, Việt Nam và Azerbaijan nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, coi đây là hướng ưu tiên mang tính chiến lược lâu dài của hai nước. Hai bên cũng đã tổ chức thành công hai Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật vào năm 2016 tại Hà Nội và năm 2018 tại Baku, nhằm thúc đẩy và đôn đốc việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã đạt được.

Tăng cường giao lưu và hợp tác nhân dân.

Ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam và Azerbaijan cũng chú trọng đến việc tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác nhân dân. Năm 2023, Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan đã được thành lập tại Liên doanh Vietsovpetro, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, gặp gỡ giữa các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Azerbaijan và các chuyên gia Azerbaijan, góp phần thắt chặt tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng tiếp Đại sứ Azerbaijan Shovgi Mehdizada tháng 02 năm 2023

Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, Việt Nam và Azerbaijan đang đứng trước cơ hội mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt gần 52 triệu USD – con số còn khiêm tốn nhưng là nền tảng cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ sẽ tiếp tục là công cụ hữu hiệu để hai bên đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại.

Bên cạnh dầu khí truyền thống, các lĩnh vực như LNG, hóa dầu, công nghiệp chế biến, công nghệ năng lượng sạch… được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới. Petrovietnam hiện đang phát triển theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia đa ngành, tích hợp cả năng lượng tái tạo, điều này mở ra cơ hội cho việc hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ với các đối tác như SOCAR, vốn có kinh nghiệm trong ngành năng lượng khu vực Caspian.

Tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí là một minh chứng sống động cho sự đoàn kết quốc tế và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Từ những ngày đầu gian khó đến hiện tại, mối quan hệ này đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước. Với nền tảng vững chắc và sự quyết tâm từ cả hai phía, hợp tác Việt Nam - Azerbaijan trong lĩnh vực dầu khí nói riêng, năng lượng nói chung hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo tin từ pvn.vn

Bài viết liên quan