Tin Tập đoàn

Cơ hội phát triển căn cứ dịch vụ dầu khí tại Phú Quốc

Ngày 9/3/2015, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc hợp tác đầu tư xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí tại khu vực Tây Nam Bộ và dự án kho ngoại quan xăng dầu Phú Quốc.

Tham dự cuộc họp có đồng chí Lê Văn Thi - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn có đồng chí Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV, các đồng chí Phó Tổng giám đốc Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hùng Dũng, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn và lãnh đạo hai đơn vị chủ lực của dự án là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tìm hiểu cơ hội phát triển căn cứ cảng tại Phú Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ căn cứ hậu cần cho các hoạt động dầu khí tại vùng biển Tây Nam và ĐBSCL, PTSC vừa hoàn tất công tác khảo sát sơ bộ tại khu vực mũi Đất Đỏ, An Thới, Phú Quốc vào ngày 21/02/2015 vừa qua. Trên cơ sở các kết quả khảo sát đã thực hiện, tại buổi làm việc, Tổng giám đốc PTSC Phan Thanh Tùng đã báo cáo tổng hợp về hiện trạng cơ sở hạ tầng cũng mối tương quan đối với hoạt động dầu khí tại các khu vực cảng biển Gành Hào (Bạc Liêu), cảng Năm Căn (Cà Mau), Kiên Lương (Kiên Giang) và mũi Đất Đỏ, Phú Quốc (Kiên Giang). Qua đó có những nhận xét, đánh giá về thuận lợi, khó khăn của từng khu vực nhằm tìm ra vị trí chiến lược nhất để đầu tư xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí cho khu vực Tây Nam Bộ.

Cơ hội phát triển căn cứ dịch vụ dầu khí tại Phú Quốc

Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Theo đánh giá của PTSC, so với các khu vực khác, mũi Đất Đỏ, Phú Quốc được nhận định là có nhiều thuận lợi với khoảng cách chỉ 200 km đến Lô B và 48/95, 52/97, so với khoảng cách 620 km khi sử dụng căn cứ cảng Vũng Tàu và 275-350 km nếu đặt căn cứ cảng tại khu vực Kiên Giang – Cà Mau. Bên cạnh đó, Phú Quốc có triển vọng phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, là lợi thế cho việc hội nhập dịch vụ dầu khí tại đây đi cùng các dịch vụ khác. Ngoài ra, với vị trí trọng điểm của Phú Quốc, việc đầu tư dịch vụ dầu khí tại đây sẽ có thêm cơ hội được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ.

Dự án Khí Lô B và 48/95 là dự án khai thác khí trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Dự án này được cho là có thể sản xuất lên đến 490 triệu m3 khí đốt và 6.000 - 7.000 thùng condensate mỗi ngày. Quy mô vốn đầu tư của Dự án Khí Lô B ước tính lên tới 4,3 tỷ USD. Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cho biết, sau khi được chuyển nhượng quyền khai thác dự án Khí Lô B từ Chevron (Hoa Kỳ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết tâm sẽ khởi động dự án trước tháng 6/2015, chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để triển khai Dự án Khí Lô B Ô Môn cũng đã được dự kiến đặt tại Phú Quốc. Do đó, căn cứ cảng dịch vụ dầu khí sẽ là công trình trọng điểm có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ dịch vụ cho ngành. Bên cạnh đó, nếu dự án cảng dịch vụ được triển khai sẽ tạo nên nhiều thuận lợi cho việc xây dựng dự án kho ngoại quan xăng dầu Phú Quốc của PV Oil.

So với dự án xây dựng căn cứ dịch vụ dầu khí, dự án kho ngoại quan xăng dầu tại Phú Quốc được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn. Địa điểm xây dựng kho ngoại quan xăng dầu Phú Quốc có ưu thế về vận tải biển với các tàu có trọng tải lớn và nằm ở cửa ngõ vịnh Thái Lan, có thể rút ngắn được quãng đường và thời gian vận chuyển từ Trung Đông về. Như vậy kho ngoại quan Phú Quốc sẽ có sức hấp dẫn và mang tính cạnh tranh với các kho trung chuyển tại Singapore, thu hút các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Việt Nam, Lào, Campuchia… Hiện khu vực Tây Nam Bộ chưa có kho ngoại quan, việc đầu tư kho ngoại quan tại Phú Quốc là hướng phát triển mới đối với PV Oil, phù hợp với quy hoạch phát triển của Tập đoàn cũng như tỉnh Kiên Giang.


Tập đoàn Dầu khí Việt Nam họp thảo luận về dự án căn cứ dịch vụ dầu khí và kho ngoại quan xăng dầu Phú Quốc

Trở lại dự án căn cứ dịch vụ dầu khí, theo đánh giá của PTSC, việc xây dựng cảng dịch vụ tại mũi Đất Đỏ, Phú Quốc vẫn đang đứng trước một số vướng mắc như điều kiện giao thông không thuận lợi (việc vận chuyển vật tư, hàng hóa cho khu căn cứ chỉ có thể sử dụng đường thủy hoặc đường hàng không); bị ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam, từ đó cần thiết kế các giải pháp kỹ thuật chắn sóng nhân tạo để đảm bảo duy trì hoạt động liên tục suốt năm; ngoài ra còn phải xử lý nền bãi với khối lượng lớn hoặc thiết kế cầu dẫn dài để đảm bảo mực nước trước bến đủ để nhận tàu dịch vụ.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ trong việc phát triển cảng dịch vụ dầu khí tại khu vực Tây Nam Bộ, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn khẳng định Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa giúp PTSC triển khai dự án. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, tầm ảnh hưởng của căn cứ cảng Phú Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở phát triển dịch vụ dầu khí vùng Tây Nam Bộ hay góp phần vào phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang mà còn là cơ hội giúp dịch vụ căn cứ cảng Việt Nam vươn ra cạnh tranh với thị trường quốc tế mà trước mắt là cảng biển Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cũng chỉ đạo hai đơn vị PTSC và PV Oil có những động thái chuẩn bị tốt nhất, kết hợp với các đơn vị tư vấn, thu thập thêm thông tin, tài liệu về quy hoạch sử dụng đất, tài liệu địa chất, thủy văn, bình ổn độ sâu… tại khu vực dự kiến xây dựng dự án để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về điều kiện tự nhiên của khu vực, xây dựng các giải pháp kỹ thuật về quy hoạch, giải pháp kết cấu và khái quát tổng mức đầu tư của dự án để đánh giá hiệu quả đầu tư.

Theo petrotimes.vn

Bài viết liên quan