Hơn 30 gắn bó và cống hiến tâm sức cho ngành Dầu khí Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Thập trở thành một trong những nhà quản lý có năng lực, có tầm nhìn sâu rộng và hiểu biết thấu đáo về lĩnh vực mình phụ trách ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đối với những “người Dầu khí” đích thực, câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của TS Nguyễn Quốc Thập là tập hợp đầy ắp những con số, sự kiện, những phát hiện dầu khí, công trình, dự án… và dễ dàng nhận thấy ẩn chứa trong đó bản lĩnh, nghị lực của một con người nhiệt huyết xông pha, hết lòng vì sự nghiệp Dầu khí gian nan vất vả. Trên hành trình ba thập niên miệt mài lao động, học tập và phấn đấu, ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm về lĩnh vực đầu tư tìm kiếm thăm dò và đặc biệt là KHCN, đóng góp quan trọng cho thành tựu của PVN trong những năm qua và cũng là những bài học quý giá cho thế hệ kỹ sư, các nhà khoa học trẻ noi theo.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập |
Dấn thân vào khoa học
Khởi nghiệp từ tháng 3-1984 tại Phòng Địa Vật lý của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), kỹ sư trẻ Nguyễn Quốc Thập được tham gia vào dự án hoàn thiện báo cáo trữ lượng mỏ khí Tiền Hải C của Công ty Dầu khí I (Thái Bình).
Mới ra trường lại được tiếp cận với một dự án cụ thể, hấp dẫn ở chính nơi được coi là cái nôi của dầu khí Việt Nam, với kiến thức đã học, ông thấy rất hứng khởi, vừa làm chuyên môn, ông vừa tham gia viết nhiều bài báo khoa học gửi đăng trên tạp chí khoa học của ngành.
Công ty Dầu khí I đã hoàn thành “Báo cáo cấu trúc địa chất và tính trữ lượng khí, condensat điệp Tiên Hưng, mỏ khí Tiền Hải C” và được Hội đồng xét duyệt Trữ lượng Khoáng sản Nhà nước đánh giá cao và phê duyệt vào tháng 7-1985.
Mấy năm trước đó, ngày 19-6-1981 tại Mátxcơva, “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa XHCN Xôviết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam” đã được ký kết. Đây là sự kiện lớn thể hiện sự hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em giúp Việt Nam vượt qua khó khăn để phá thế bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam.
Sau Hiệp định, một chương mới mở ra đối với ngành Dầu khí. Vào cuối 1985, kỹ sư Nguyễn Quốc Thập được tin tưởng lựa chọn và cử tham gia nhóm công tác thực hiện đề tài đánh giá tiềm năng dầu khí bồn trũng Cửu Long. Lãnh đạo ngành Dầu khí thời điểm ấy đã mạnh dạn sử dụng và đề bạt các cán bộ trẻ có năng lực và kiên quyết chuyển các cán bộ kỹ thuật nòng cốt của Công ty Dầu khí I ở Thái Bình và VPI vào làm việc trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (VSP) ở Vũng Tàu. Lúc ấy là một giai đoạn rất khó khăn của kinh tế nước nhà và mọi công việc ở Liên doanh mới chỉ bắt đầu, nên ai được cử vào Vũng Tàu coi như là đi lính đóng đồn ở miền ngược xa xôi. Nhưng thông qua chuyến công tác và làm việc, kỹ sư Thập lại nhận thấy đó mới thực sự là cơ hội để nâng cao trình độ nghề nghiệp và phát triển. Vì vậy, ông đã đề đạt nguyện vọng xin vào làm việc tại VSP và được lãnh đạo VSP và VPI ủng hộ.
Tháng 5-1986, ông được điều động về công tác tại Phòng Trữ lượng, Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển (NIPI) thuộc VSP sau khi Viện được thành lập vào tháng 10-1985. Thời gian này ông được tham gia công việc đánh giá trữ lượng của các mỏ lớn như mỏ Rồng, Bạch Hổ, Đại Hùng. Khi đó, hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi ngày càng rầm rộ, ngày 26-6-1986, tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác lên ở giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ, đánh dấu mốc son ra đời của một ngành công nghiệp mới - công nghiệp khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đưa nước ta trở thành một trong số các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu trên thế giới.
Năm 1987, ông được cử đi thực tập 6 tháng tại Phòng Trữ lượng, Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển thành phố Okha, Xakhalin (Liên Xô cũ). Trở về cuối năm 1988, ông đã cùng các đồng nghiệp góp phần hoàn thành tài liệu đầu tiên do NIPI soạn thảo là “Tính toán đánh giá kinh tế kỹ thuật xây dựng vòm Nam mỏ Bạch Hổ” vào năm 1989.
Từ một kỹ sư, khi năng lực chuyên môn và quản lý đã dần bộc lộ qua quá trình công tác, ông nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của các đồng nghiệp và lãnh đạo, được phong chức Kỹ sư trưởng, một chức vụ đầy trọng trách và cũng rất đáng tự hào đối với nhà khoa học trẻ.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành ngày 29-12-1987 đã mở ra cho hoạt động dầu khí một môi trường mới, khuyến khích và tạo điều kiện để các công ty dầu khí nước ngoài, không phân biệt chế độ chính trị, có thể đầu tư vào Việt Nam với các hợp đồng kinh tế đa dạng.
TS Nguyễn Quốc Thập nhận Cúp tôn vinh và Bằng khen ngày 8-10-2015 của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam |
Tháng 3-1990, ông được thuyên chuyển về Phòng Thăm dò, Công ty Petrovietnam II vào lúc công ty đang trực tiếp tham gia quản lý các hợp đồng dầu khí với các đối tác nước ngoài, nên ông may mắn có cơ hội làm việc với các công ty, đối tác nước ngoài và mở ra cơ hội học tập nâng cao trình độ. Năm 1991 ông được cử đi thực tập ở Anh rồi tham gia chương trình đào tạo của Schlumbeger tại Trung tâm xử lý ở Thái Lan.
Trong quá trình làm việc, ông vẫn không ngừng nỗ lực học tập hoàn thiện kiến thức của mình, đã thi và trúng tuyển Nghiên cứu sinh vào năm 1993. Đúng lúc đó, Công ty Dầu khí BP tuyển dụng kỹ sư công nghệ dầu khí. Nhận ra đây là cơ hội rất lớn để phát triển mở rộng cho kỹ sư địa vật lý và địa chất nên kỹ sư Thập đã tham gia và được tuyển dụng từ tháng 6-1993.
Tháng 12-1998 ông là người đầu tiên trong ngành khoa học trái đất bảo vệ thành công luận án tiến sĩ theo quy chế mới của Bộ Đại học với đề tài: Nghiên cứu áp dụng các phương pháp địa vật lý giếng khoan trong nghiên cứu khả năng sinh dầu khí của các đá trầm tích và thử nghiệm cho một số giếng khoan thuộc Bồn trũng Nam Côn Sơn.
Tiếp tục làm việc cho BP đến tháng 3-2000, TS Nguyễn Quốc Thập nhận lời đề nghị quay trở lại làm việc cho Công ty Giám sát các hợp đồng chia sản phẩm Dầu khí (PVSC) với chức danh Phó phòng phụ trách rồi Trưởng phòng Công nghệ mỏ. Sự ra đời của Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí (PIDC) vào năm 2001 trên cơ sở PVSC đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển với việc PIDC tăng cường tự đầu tư ở trong nước và bắt đầu triển khai đầu tư vào thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài với các dự án đầu tiên được ký kết ở Iraq, Algeria, Malaysia và Indonesia.
Tháng 9-2002, TS Nguyễn Quốc Thập được bổ nhiệm làm Phó giám đốc PIDC. Tháng 4-2003 ông nhận nhiệm vụ kiêm Trưởng dự án Algeria, tháng 5-2006 làm Giám đốc PIDC.
Ngày 4-5-2007, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập nhằm thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và nước ngoài. TS Nguyễn Quốc Thập được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc PVEP và vào năm sau, tháng 1-2008 giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách PVEP, đến tháng 4 thì được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVEP.
Trên mỗi cương vị công tác mới, cho dù trong hoàn cảnh nào người ta cũng nhận thấy những nỗ lực không mệt mỏi của ông, không ngừng trau dồi và nâng cao nhãn quan khoa học, từng bước vững chắc thể hiện năng lực và trình độ, đóng góp hiệu quả cho ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu của đất nước.
Nhà quản lý công nghệ thực thụ
Tháng 7-2009, TS Nguyễn Quốc Thập được điều động và bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN và được giao phụ trách lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, quản lý các hợp đồng dầu khí và mảng KHCN của Tập đoàn.
Kể từ đây, tài năng và tầm nhìn của nhà quản lý KHCN thực sự được phát huy khi ông được tin tưởng giao trọng trách, được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của các nhà khoa học trong toàn hệ thống. Những ý tưởng mới, những chính sách mới nhằm xây dựng tiềm lực KHCN của Tập đoàn dần được hình thành và áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất kinh doanh.
Từ những kinh nghiệm quý báu ở đơn vị, ông nhận thấy việc đầu tiên cần làm khi về Tập đoàn là cần phải xây dựng cơ chế chính sách cho hoạt động KHCN phù hợp với tình hình thực tế, để khuyến khích được các nhà khoa học tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng KHCN cao.
Chính vì vậy, các thang bảng lương đơn giá nghiên cứu khoa học của các chuyên gia trong và ngoài Tập đoàn, đơn giá các chỉ tiêu phân tích thí nghiệm… và một bộ các cơ chế, chính sách lần lượt ra đời và hoàn thiện từ cuối năm 2009, tạo hành lang pháp lý cho VPI phát triển và hoạt động hiệu quả hơn. Song song, đó là việc chỉ đạo tổ chức triển khai các đề tài nhiệm vụ gắn với sản xuất cũng như nâng cao năng lực phân tích, xử lý số liệu từ mẫu, từ các tài liệu địa chất, địa vật lý phục vụ các dự án.
Ở một tập đoàn kinh tế - kỹ thuật lớn như Dầu khí, ông luôn xác định một việc cần dành sự quan tâm đặc biệt là đào tạo con người, xây dựng lực lượng và bên cạnh đó, một yếu tố giúp nâng cao vai trò vị thế của hoạt động KHCN của Tập đoàn là đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tiếp cận với trình độ KHCN dầu khí thế giới.
Trên cương vị Phó tổng giám đốc Tập đoàn, ông đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò ở cả trong và ngoài nước nhằm hoàn thành mục tiêu gia tăng trữ lượng; chỉ đạo xem xét đánh giá các cơ hội đầu tư mới ở ngước ngoài; đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn chương trình ngoại giao dầu khí, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; đóng góp tích cực trong xây dựng và rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch 5 năm và chiến lược đầu tư và hiệu quả thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài của Tập đoàn; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai và hoàn thành tốt chương trình khảo sát địa chấn và chương trình khoan tại khu vực phức tạp và nhạy cảm ở Biển Đông…
Một thành công mang đậm dấu ấn cá nhân trong lĩnh vực nghề nghiệp của ông là việc khẳng định tính thương mại của mỏ Bir Seba (với trữ lượng dầu khí trên 200 triệu thùng) tại Algeria thông qua một chương trình khoan thăm dò, thẩm lượng chuẩn xác và tối ưu khi ông là người chỉ đạo và điều hành trực tiếp (trước đó Công ty Dầu khí Mobil đã kết luận không hiệu quả nên rút lui, trả lại dự án cho nước chủ nhà Algeria). Dự án mỏ Bir Seba là dự án thành công đầu tiên của PVN/PVEP ở nước ngoài với tư cách là nhà điều hành, khẳng định và nâng tầm uy tín, cũng như thương hiệu của PVN/PVEP ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Những công việc ông đảm đương rất lớn, cả về quy mô và khối lượng, trong đó có nhiều việc ông không chỉ điều hành quản lý mà phải trực tiếp bắt tay vào như: đàm phán, ký kết các hợp đồng dầu khí mới trong nước; quản lý, phê duyệt hoạt động của các lô hợp đồng dầu khí; xử lý các đề nghị của nhà thầu… Là Trưởng ban Điều hành Dự án KHCN đóng mới giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước, giàn khoan dầu khí đầu tiên do Việt Nam chế tạo, ông đã góp phần quan trọng lập nên những thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí, góp phần mở ra ngành cơ khí trọng điểm về thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam.
Những công việc mà ông phụ trách, quản lý đều được ông theo sát các diễn biến cũng như dự liệu các tình huống để có thể lựa chọn các mục tiêu đúng đắn, thích hợp, khả thi nhất nhằm xây dựng kế hoạch cũng như thiết kế các cơ chế hợp lý, tổ chức các quá trình thực hiện một cách khoa học, huy động hiệu quả các nguồn lực và điều phối các hoạt động nhịp nhàng nhất.
Trong công việc, quan điểm của Nhà quản lý KHCN Nguyễn Quốc Thập rất rõ ràng, đó là phải có cách tiếp cận hiện đại, luôn đổi mới phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc, bám sát, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện, lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của các cấp để đưa ra các giải pháp hữu hiệu; thường xuyên động viên, đề xuất khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng KHCN của PVN, ông đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, đề tài khoa học phục vụ sản xuất, góp phần mang lại nhiều giá trị kinh tế to lớn trong sự phát triển của Tập đoàn, trong đó có nhiều nhiệm vụ, đề tài đặc biệt quan trọng như Đề án 47 “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu E&P; Đề án “Thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về khí hydrate để xác lập các dấu hiệu tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”.
Có những hoạt động khác mà ông rất tâm đắc, ví dụ việc PVN đứng ra tổ chức thành công các sự kiện mang tính khu vực và quốc tế như Hội nghị khoa học và Triển lãm của Hiệp hội Các tập đoàn, công ty dầu khí quốc gia trong khu vực ASEAN (ASCOPE) năm 2013, các Hội nghị tiểu ban ASCOPE… Ông khẳng định, từ khi gia nhập ASCOPE, PVN đã tham gia một cách tích cực, có tinh thần trách nhiệm và góp phần vào việc thúc đẩy các hoạt động của Hội đồng, qua đó thu được nhiều lợi ích, thúc đẩy các mối quan hệ đối tác với các nước thành viên, đặc biệt là với các đối tác chiến lược như Petronas, Pertamina, PTT… học hỏi và chia sẻ được những kinh nghiệm quý báu.
Là hội viên Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí thế giới (SPE) TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng, trong khi các chuyên gia, kỹ sư của ta chưa có điều kiện tham gia thì việc ông được tham gia là hội viên của SPE để nhận các công bố của Hiệp hội cũng như những tài liệu do họ cung cấp đã giúp ích rất nhiều cho PVN. Tài liệu được hưởng gồm những giải pháp công nghệ mới nâng cao hiệu quả cho các hoạt động dầu khí, những phân tích đánh giá cụ thể và tổng thể về ngành công nghiệp dầu khí cũng như xu hướng mới trên thế giới. Những ví dụ cụ thể mà SPE đưa ra, đối với những người có chuyên môn, rất có tác dụng trong việc học hỏi, tiếp cận để giải quyết vấn đề thực tế gặp phải.
Ngoài các công việc của Tập đoàn, TS Nguyễn Quốc Thập còn tích cực tham gia các hoạt động của nhiều tổ chức khoa học, ông hiện là Hội viên Hội Dầu khí Việt Nam, Phó chủ tịch Hội KHCN mỏ Việt Nam, là Tổng biên tập Tạp chí Dầu khí, Phó tổng biên tập Tạp chí Năng lượng.
Đối với hoạt động của Hội Dầu khí Việt Nam, ông tham gia đánh giá, phản biện các đề tài, nhiệm vụ do Hội thực hiện; tham gia các nhiệm vụ tư vấn, đào tạo, góp ý hoàn thiện các kế hoạch hoạt động của Hội.
Ông có một sự quan tâm rất đặc biệt vì biết rằng, Hội chính là tổ chức tập hợp các chuyên gia, các cán bộ quản lý, cán bộ KHCN lão thành có nhiều kiến thức và từng trải nghiệm trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam, là diễn đàn để trao đổi học thuật, chuyên môn và rất thẳng thắn. Vì vậy cần tận dụng sự đóng góp, tâm huyết của lực lượng này qua Hội.
Vì vậy, khi xử lý mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực KHCN do ông phụ trách, ông đã có một lực lượng tham mưu, tư vấn cực kỳ hữu ích. Ông luôn có những “đặt hàng”, gợi mở để các bác, các anh các chị đi trước cùng tham gia bàn bạc, trao đổi, đây cũng là một cách làm gương cho thế hệ trẻ. Ngoài tác dụng trực tiếp đối với việc xử lý mỗi bài toán, mỗi vấn đề cụ thể còn có tác động đến việc tiếp nối truyền thống, kế thừa trí tuệ, chất xám và kinh nghiệm của các thế hệ trong ngành Dầu khí.
Ba thập niên qua, những đóng góp của TS Nguyễn Quốc Thập cho ngành Dầu khí được Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều năm ông được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, được trao tặng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ KHCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì.
Những đề án, công trình do ông trực tiếp tham gia với tư cách tác giả, chủ nhiệm, chủ biên hoặc chỉ đạo điều hành đến nay vẫn đang đi vào hoạt động hết sức hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển rực rỡ của ngành Dầu khí Việt Nam.
Mặc dù vậy, TS Nguyễn Quốc Thập vẫn còn nhiều trăn trở. Ông cho rằng những gì làm được vẫn chưa thấy mãn nguyện bởi chưa tương xứng với kỳ vọng của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, kỹ sư, cũng như tiềm năng của Tập đoàn.