Trong khi dự báo nhu cầu điện tăng trưởng từ 10-12,8%/năm, nhưng tăng trưởng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo thời gian gần đây có phần chững lại do còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Chiều ngày 31/3, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề: “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới - Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới”.
Liên quan đến những nội dung về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá, tăng trưởng năng lượng tái tạo thời gian gần đây chững lại do việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (phân bổ quy mô công suất nguồn điện mặt trời, điện gió theo tỉnh) chậm gần 1 năm sau khi có Quy định phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại với nhà đầu tư năng lượng tái tạo mới do có đề xuất về rà soát các dự án hưởng FIT nhưng thiếu thủ tục chấp nhận hoàn thành thủ tục xây dựng trước khi được công nhận ngày vận hành thương mại (COD).
Khó khăn khác mà ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ra là chưa đủ các quy định để triển khai điện gió ngoài khơi, chưa có dự án nào trong quy mô 6.000 MW được triển khai, tạo thách thức để hoàn thành mục tiêu vào năm 2030. Bên cạnh đó, quá trình triển khai các nguồn điện khí LNG cũng chậm do 2 năm qua còn thiếu cơ chế sản lượng hợp đồng (Qc) và chuyển ngang giá khí. Ngày 3/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2025/NĐ-CP quy định các vấn đề này, tuy nhiên điều kiện về Qc chưa đủ hấp dẫn khối FDI.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đưa ra tính toán cho thấy khả năng thiếu điện trong các năm 2028-2030 vẫn hiện hữu, do các dự án nguồn điện nền có thời gian xây dựng dài từ 42-50 tháng, nhất là tại miền Bắc.
Trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện được dự báo tăng trưởng từ 10-12,8%/năm theo phương án cơ sở và cao. Điều chỉnh này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% vào năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tại Diễn đàn, đại diện nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội, Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và Thành viên Ban lãnh đạo Nhóm Công tác Điện và Năng lượng bày tỏ sự phấn khởi về kịch bản phát triển cao của năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII. Bàn về giải pháp ngắn hạn là tăng cường các nguồn phụ tải, bà Virginia Foote cho biết, các nhà đầu tư rất quan tâm tới nội dung này và hy vọng sớm có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) thành công.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng sẽ nhìn thấy những hành động thúc đẩy năng lượng tái tạo của Chính phủ một cách quyết liệt hơn nữa. Vấn đề trọng yếu theo vị đại diện này là thiếu các hợp đồng mua bán điện hiệu quả giữa bên cung cấp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, họ cũng gặp các thách thức về mặt tài chính.
“Tương tự xu thế của thế giới, Việt Nam cũng đang phát triển điện hạt nhân. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn công nghệ hạt nhân phù hợp. Bên cạnh đó là phát triển các dự án LNG để hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch điện VIII. Với điện gió ngoài khơi, cần gấp rút thực hiện từ bây giờ, xây dựng sẵn các điểm đấu nối lưới điện ở ven biển”, bà Virginia Foote đưa ra khuyến nghị.
Sự dịch chuyển điển hình của Petrovietnam
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, các nghiên cứu về cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng, tuy nhiên quá trình thực hiện còn chậm. Ngoài ra, các nghiên cứu cơ chế cho điện khí/LNG, các loại hình năng lượng tái tạo khác cũng tương tự. Tỷ trọng tổng cung năng lượng sơ cấp còn thấp do hạn chế lưu trữ, công suất hữu dụng năng lượng tái tạo chưa cao. Trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tới đây, mục tiêu đặt ra là nâng tổng cung năng lượng sơ cấp từ năng lượng tái tạo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, giải pháp cần nhìn thấy là tăng cường hội nhập và thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển nguồn điện trong nước. Trong nước, sự dịch chuyển của Petrovietnam với mô hình Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là điển hình cho hướng đi đúng đắn trong xu hướng dịch chuyển năng lượng, để phát triển nhiều loại hình năng lượng mới bên cạnh lĩnh vực dầu khí truyền thống. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Trung cũng cho rằng cần khuyến khích các cơ chế tín dụng xanh, quỹ hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng năng lượng sạch, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng mới.
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhìn nhận, thực tiễn cho thấy năng lượng cần đi trước một bước để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế đất nước. Công nghiệp năng lượng là một trong những nền tảng cần được ưu tiên phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh ưu tiên phát triển năng lượng để đáp ứng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, tạo đà để tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, ước tính cần tăng từ 12-16% mỗi năm.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng nghĩa với nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa. Việt Nam đang trong tiến trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó nguồn năng lượng được xác định sẽ là huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn phát triển cũng cho thấy, năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã nhận thức rõ sự cấp thiết của việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, đồng thời phát triển một chiến lược dài hạn để tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo.
Cùng với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024, đồng thời phê duyệt Quy hoạch điện VIII và hiện đang tiếp tục cập nhật Quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh mới cũng như các mục tiêu ưu tiên về phát triển kinh tế đất nước.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước giai đoạn đến năm 2030 (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là từ 183.291 - 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 - 80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng 6.000 - 6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030-2035. Đây là nguồn năng lượng được xác định không chỉ cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn năng lượng xanh, sạch giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, dù đã có nhiều chính sách, cơ chế được ban hành, tuy nhiên vẫn còn nhiều e ngại đến từ các nhà đầu tư. Chính phủ, Quốc hội đã đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế về năng lượng, tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi thực thi cho các dự án chất lượng và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.