Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN) tiếp tục phát huy bản lĩnh, kinh nghiệm và không ngừng đổi mới, nhận thức rõ hơn vai trò, chức năng của Hội phục vụ sự phát triển ngành Dầu khí. Đồng thời, khai thác tối đa sức mạnh của Hội, góp phần tích cực vào “truyền lửa” cho người lao động dầu khí trong sự phát triển ngành nhằm đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hội DKVN ký kết hợp tác với Petrovietnam
Ngành Dầu khí luôn là ngành mũi nhọn của các quốc gia trên thế giới, cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, đáp ứng nhu cầu cần thiết đối với đời sống xã hội. Bên cạnh những giá trị về kinh tế, ngành Dầu khí còn có vai trò quan trọng đối với chính trị toàn cầu. Không ít các cuộc chiến tranh, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị có nguyên nhân sâu xa từ các hoạt động cạnh tranh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dầu mỏ. Hiện tại, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất, đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu. Hằng năm, thế giới vẫn tiếp tục tìm kiếm được những nguồn dầu khí mới để phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.
Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành Dầu khí ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện mong ước của Bác Hồ kính yêu, sau hơn 65 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ ngày 3-9-1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành Dầu khí Việt Nam mà trong đó nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã trải qua một chặng đường xây dựng và phát triển thần kỳ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào: Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã được Đảng và Nhà nước đề ra, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu các sản phẩm dầu khí; sản xuất điện, phân bón... cung ứng cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song hành cùng sự phát triển của ngành Dầu khí, ngày 12-9-2009, Hội DKVN đã được thành lập theo Quyết định số 1053/QĐ-BNV. Với một trọng trách lớn lao là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Hội có vai trò, chức năng tập hợp, kết nối, phát huy trí tuệ, lòng say mê nghề nghiệp, cùng kinh nghiệm quý giá của các hội viên, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, Hội chủ động tham gia đóng góp công sức và trí tuệ một cách có trách nhiệm nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành Dầu khí, đóng góp một phần vào sự phát triển chung của ngành đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước...
Trong suốt 15 năm hoạt động và phát triển, Hội DKVN luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan thuộc Trung ương Đảng, các bộ, ban ngành và Petrovietnam, cũng như các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực năng lượng nói chung. Hội đã không ngừng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, hoạt động ngày một phát triển cả về “chất và lượng” nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng của Hội. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài cơ quan Trung ương Hội DKVN, đã có 10 Hội trực thuộc, với 111 Ủy viên Ban Chấp hành, 34 Ủy viên Ban Thường vụ, trong đó hội viên tổ chức là 90 doanh nghiệp/đơn vị (bao gồm các đơn vị/doanh nghiệp trong và ngoài ngành Dầu khí tham gia). Hội cũng đã quy tụ được nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Petrovietnam qua các thời kỳ, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí tham gia tổ chức Hội, cũng như đóng góp vào các hoạt động của Hội.
Ban Thường vụ Hội DKVN nhiệm kỳ IV ra mắt Đại hội
Nhằm đóng góp công sức và trí tuệ một cách có trách nhiệm vào sự phát triển của ngành như tôn chỉ của Hội đã đề ra, hoạt động của Hội được thực hiện và hướng đến 5 lĩnh vực chính sau: Hoạt động chuyên môn: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề về công nghệ, kỹ thuật, quản lý, kinh tế, môi trường trong ngành Dầu khí và năng lượng có liên quan; Hoạt động nghiên cứu: Thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, vận chuyển, phân phối và sử dụng dầu khí; Hoạt động đào tạo: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ, chuyên gia trong ngành; Hoạt động đối ngoại quốc tế: Tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về dầu khí, năng lượng, hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế; Hoạt động xã hội: Tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng.
Hoạt động của Hội luôn được lãnh đạo Hội thường xuyên quan tâm, tổ chức, chỉ đạo định kỳ, đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trong đó, lấy hoạt động tư vấn - phản biện về chuyên môn là chức năng, nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực, thể hiện vai trò và đóng góp của Hội với ngành năng lượng nói chung và ngành Dầu khí, Petrovietnam nói riêng.
Trong những năm qua, hoạt động tư vấn, phản biện của Hội đã đạt được những kết quả to lớn, đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành và Tập đoàn. Cụ thể, Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, như Luật Dầu khí 2022, các nghị định hướng dẫn triển khai và thực hiện Luật Dầu khí: Nghị định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí…; các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch triển khai thực hiện về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch không gian biển; nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Ban Kinh tế Trung ương về Nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành Dầu khí; Quy hoạch điện VIII và chuỗi Dự án LNG, các thông tư, quyết định liên quan hoạt động dầu khí; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu dọn các công trình khí; Thông tư về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên trữ lượng dầu khí.
Cụm giàn xử lý trung tâm Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh
Nghiên cứu góp ý kiến với Petrovietnam và các tổng công ty trong ngành cho ý kiến phản biện các báo cáo trữ lượng dầu khí, kế hoạch phát triển một số mỏ như: mỏ Hàm Rồng - Đồi Mồi, Thiên Ưng - Mãng Cầu, Lạc Đà Vàng; Phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học thuộc lĩnh vực ngành như: Hội thảo “Khoan đan dày, thăm dò mở rộng Lô 05-2, 05-3 và kết nối các mỏ gần Mộc Tinh”…, cùng nhiều hội thảo, tọa đàm về nhiều lĩnh vực khác nhau do VUSTA, các bộ, ban, ngành, Petrovietnam và các đơn vị thành viên tổ chức. Các ý kiến đóng góp, tham gia của Hội đã được cơ quan Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành đánh giá cao và tiếp nhận; các đề tài, nhiệm vụ phản biện được nghiệm thu, đưa vào thực hiện…
Kết quả đạt được đã khẳng định định hướng đúng đắn của Hội DKVN đối với công tác tư vấn - phản biện và các hoạt động khác của Hội nhờ thực hiện tốt việc tập hợp, kết nối và quy tụ kinh nghiệm quản lý, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, chuyên gia/hội viên; thể hiện rõ vai trò của Hội trong công tác tư vấn - phản biện với các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị.
Ngành năng lượng nói chung và ngành Dầu khí nói riêng trong giai đoạn tới, bên cạnh những thuận lợi cũng đối diện với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là đó là vấn đề chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu…
Nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức và sự biến động, thay đổi đáng kể của ngành năng lượng nói chung và ngành Dầu khí nói riêng, Hội DKVN với chức năng, vai trò của mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Trong đó, Hội tập trung phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, tích cực tham gia đóng góp nhiều hơn nữa những ý kiến xác đáng, phản biện về chuyên môn trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; về năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các công trình dự án của ngành.
Bên cạnh đó, Hội bám sát và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí trước những biến động của thị trường năng lượng trong và ngoài nước. Cùng với đó, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nhằm góp phần vào hoạt động và sự phát triển chung của ngành trong giai đoạn mới, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển ngành đã được Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Hội DKVN tiếp tục phát huy bản lĩnh, kinh nghiệm và không ngừng đổi mới, tìm tòi học hỏi, nhận thức rõ hơn vai trò, chức năng của Hội trong tình hình mới, nâng cao hiểu biết, kiến thức nghề nghiệp của các hội viên phục vụ sự phát triển ngành Dầu khí; khai thác tối đa sức mạnh của Hội góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, động viên, khơi dậy niềm tự hào, “truyền lửa” cho người lao động dầu khí trong sự phát triển ngành nhằm đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, Hội DKVN định hướng hoạt động những năm tiếp theo, đó là tiếp tục bám sát mục đích tôn chỉ của Hội: “Kết nối - Trí tuệ - Phát triển”, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV (2022-2027), chương trình công tác toàn khóa, gắn với yêu cầu của xã hội và thực tiễn để đề ra nội dung công tác cụ thể, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Dầu khí ngày càng vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành Dầu khí theo Nghị quyết 41, cũng như Kết luận 76 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Với vai trò là hội khoa học kỹ thuật chuyên ngành Dầu khí, Hội DKVN sẽ luôn đồng hành với quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam và các đơn vị, doanh nghiệp ở tất cả các cấp độ.
TS. Nguyễn Quốc Thập