Với vai trò Tập đoàn năng lượng hàng đầu của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hiện đang có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ.
Không nằm ngoài quy luật thế giới, chuyển dịch năng lượng đã, đang và sẽ tác động đến các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam. Trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí suy giảm, để tiếp tục thực hiện vai trò của một doanh nghiệp trụ cột trong thực hiện chiến lược năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, Petrovietnam đã nghiên cứu, xây dựng lộ trình phát triển mới trong tương lai, đặc biệt là phát huy các lợi thế sẵn có của ngành Dầu khí Việt Nam - hình thành hoàn chỉnh toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị dầu khí từ thăm dò, khai thác, xử lý, vận chuyển, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí... để phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Petrovietnam có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Petrovietnam đã xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. Xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh của Petrovietnam thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất hydrogen và phát triển điện gió ngoài khơi. Những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.
Petrovietnam định hướng từ năm 2025-2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Từ năm 2030-2045, Tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới...
Để hoàn thành được những mục tiêu trên, với chuỗi giá trị dầu khí đang có, Tập đoàn đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Đầu tiên có thể nói đến là việc Petrovietnam đang có một cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, phù hợp để thích ứng với chuyển dịch năng lượng. Hiện tại, Petrovietnam đang sở hữu toàn bộ hệ thống giàn khoan, khai thác dầu khí cũng như toàn bộ hệ thống phân phối khí, các nhà máy lọc hóa dầu, một số nhà máy điện tại Việt Nam. Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tận dụng các cơ sở hạ tầng của ngành dầu khí để chuyển đổi sang các hoạt động chuyển dịch năng lượng. Chuỗi giá trị dầu khí của Petrovietnam có nhiều tương đồng với các định hướng chuyển dịch năng lượng như: kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình trên biển sẽ đóng góp lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi; hydrogen đang được sản xuất và sử dụng tại các nhà máy chế biến dầu khí của Tập đoàn. Ngoài ra, chuỗi giá trị CCS/CCUS tương đồng với chuỗi giá trị dầu khí. Việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là hoạt động thường xuyên tại các nhà máy của Tập đoàn để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao lợi nhuận...
Đối với bất kỳ một doanh nghiệp lớn nào, con người luôn là giá trị cốt lõi tạo nên thành công và phát triển. Đối với Petrovietnam, nguồn nhân lực không chỉ có vai trò cốt lõi mà còn là lợi thế quan trọng để Tập đoàn thực hiện thành công chiến lược phát triển và thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng. Trải qua hơn 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, Petrovietnam đã xây dựng được đội ngũ lao động gần 60.000 người chất lượng cao nhờ kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành các hoạt động khai thác dầu khí và các nguồn năng lượng truyền thống khác trong suốt nhiều năm. Người lao động dầu khí đã được đào tạo và trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản lý rủi ro, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường. Các kỹ năng này sẽ rất hữu ích trong việc triển khai các dự án chuyển dịch năng lượng. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nắm bắt được xu thế chuyển dịch năng lượng, có chuyên môn, có khả năng dẫn dắt, định hướng, triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng; đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch và hiệu quả năng lượng. Tập đoàn cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, bảo đảm hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Để đảm bảo thành công cho quá trình chuyển dịch năng lượng cần một nguồn tài chính mạnh và ổn định. Là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, Petrovietnam có mức độ độc lập về tài chính cao, tình hình tài chính lành mạnh, được xếp hạng tín dụng cao bởi các tổ chức đánh giá quốc tế. Năm 2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đã công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế của Petrovietnam ở mức “BB+”. Kết quả xếp hạng này đã khẳng định vị thế của Petrovietnam là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất của Việt Nam với chuỗi giá trị hoạt động hoàn chỉnh từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, đảm bảo doanh thu ổn định trong tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, công tác thu xếp vốn cho các dự án đầu tư vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Những lợi thế trên cùng sự đồng lòng, với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, từng bước xây dựng và phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu của đất nước và khu vực.