Năm 2008, với vai trò là ngành kinh tế đầu tàu và ý thức trách nhiệm với an ninh năng lượng quốc gia, PVN đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được đầu tư 5 trong số 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trả lại do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2008-2015, PVN được giao nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% tổng sản lượng điện phát ra.
Mạnh dạn giao thầu trong nước
Bằng nguồn vốn tự có cùng ý chí và quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ về phát huy nội lực, PVN đã triển khai quyết liệt các dự án điện và mạnh dạn giao cho Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama) làm tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện chạy khí như Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 mà không qua phương thức đấu thầu quốc tế. Các dự án này đã được tổng thầu Lilama thực hiện rất thành công, không chỉ hoàn thành đúng và trước kế hoạch mà còn tiết kiệm nhiều ngoại tệ cho đất nước, trong đó Nhơn Trạch 2 là dự án tiêu biểu.
Dự án này không chỉ tiết kiệm gần 100 triệu đô la (khoảng 20%) so với giá chào thầu của nước ngoài mà còn được trao giải thưởng vàng duy nhất về lĩnh vực “Dự án nhà máy điện được xây dựng nhanh nhất, tốt nhất” tại Hội chợ triển lãm thường niên Điện lực Châu Á tổ chức tại Thái Lan. Đây là giải thưởng có uy tín hàng năm về lĩnh vực điện lực dành cho các công trình, dự án điện tiêu biểu ở Châu Á và lần đầu tiên Việt Nam đạt được giải thưởng uy tín này. Từ trước đến nay, giải thưởng này chỉ được trao cho các tập đoàn, các nhà sản xuất lớn hàng đầu thế giới.
Dự án Biển Đông 1 thi công trên biển rất khó khăn, phức tạp do PTSC làm tổng thầu.
Cũng bằng phương thức giao thầu trong nước (hai nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thủy điện là Tổng công ty Sông Đà và Lilama), sau 5 năm khẩn trương thi công, PVN đã đưa Nhà máy thủy điện Hủa Na, công suất 180 MW vào vận hành đúng tiến độ. Đến nay, Nhà máy đã cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 400 triệu kwh điện, góp phần làm thay da đổi thịt vùng Tây Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Nối tiếp thành công các dự án nhiệt điện chạy khí và dự án thủy điện do doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu, PVN đã tiếp tục giao cho Lilama làm tổng thầu EPC Dự án NM nhiệt điện Vũng Áng 1, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC Dự án NM nhiệt điện Thái Bình 2 và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) làm tổng thầu EPC Dự án NM điện Long Phú 1. Đây là những dự án nhiệt điện chạy than có công suất lớn, công nghệ và kỹ thuật rất phức tạp (đặc biệt là việc xử lý đốt than) và chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam thực hiện được.
Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 2 do Lilama làm tổng thầu đã tiết kiệm gần 100 triệu USD so với giá chào thầu nước ngoài.
Trên một bình diện khác, PVN cũng đã mạnh dạn giao cho PTSC làm tổng thầu EPCI (EPCI (Engineering, Procurement, Construction and Installation) các dự án trên biển - một trong những lĩnh vực quan trọng và khó khăn, phức tạp nhất của ngành dầu khí. Nếu như các dự án tổng thầu EPC hoàn toàn thực hiện trên đất liền thì các dự án tổng thầu EPCI sau khi đã hoàn thành nhà máy hay dự án, nhà thầu còn phải vận chuyển khối sắt thép khổng lồ ấy, những “con khủng long” ấy ra biển và lắp đặt nó ở độ sâu từ 70 - 150 m tùy vào quy mô dự án hay địa lý, địa chất của biển. Gần 20 năm qua, PTSC đã thực hiện thành công gần 50 dự án tổng thầu EPCI mà tiêu biểu nhất là dự án Biển Đông 1.
Đến nay, PTSC đã trở thành doanh nghiệp kỹ thuật then chốt của ngành dầu khí với 6 loại hình dịch vụ cốt lõi chính. PTSC không chỉ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho ngành công nghiệp dầu khí, dịch vụ cung ứng tàu chuyên ngành dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng, dịch vụ kho nổi chứa, xuất và xử lý dầu thô (FSO/FPSO) mà còn là doanh nghiệp đi đầu trong việc thiết kế chế tạo thiết bị, giàn khoan, thực hiện tổng thầu EPCI nhiều công trình dầu khí trên biển. Đây là lý do quan trọng để PVN tin tưởng giao cho PTSC làm tổng thầu EPC Dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1.
Lợi ích của tổng thầu EPC
Trong khi nhiều chủ đầu tư chấp nhận giá thấp để cho các nhà thầu nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vào Việt Nam làm tổng thầu nhiều dự án lớn khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải làm thuê trên sân nhà mình, người lao động không có việc làm, ngành cơ khí trong nước không có điều kiện phát triển thì việc PVN giao cho các doanh nghiệp trong nước làm tổng thầu là một việc làm rất đúng chủ trương của Đảng.
Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN: Cho đến nay những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương được tổng thầu EPC trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...và thực tế ở Việt Nam mấy năm qua cho thấy tổng thầu EPC, EPCI đã mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia lợi ích rất lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, thúc đẩy ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim…cùng phát triển.
Các doanh nghiệp muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI.Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.
Nhờ mạnh dạn đảm nhận vai trò tổng thầu mà đến nay Lilama và PTSC đã trở thành hai “ngôi sao sáng” trong các doanh nghiệp xây lắp Việt Nam và được các tập đoàn, đối tác nước ngoài tin tưởng và đánh giá là các nhà thầu EPC và EPCI chuyên nghiệp nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp này đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư quản lý, điều hành dự án chuyên nghiệp, hàng ngàn thợ giỏi tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại và có “đôi tay vàng”, trong đó nhiều nhất là thợ cơ khí, thợ hàn bậc cao. Đây chính là tài sản quý của doanh nghiệp, của quốc gia và họ thực sự là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tổng thầu kèm thu xếp vốn
Không giống các dự án của PVN thực hiện trước đó được xây dựng bằng nguồn vốn trong nước hay các dự án của EVN đã thu xếp vốn từ trước, dự án nhiệt điện Long Phú 1 (tổng công suất hai tổ máy 1.200 MW, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD) được giao cho PTSC làm thí điểm tổng thầu EPC có kèm theo thu xếp vốn thông qua hình thức vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) cho ít nhất 80% gía trị hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng là G7 hoặc tương đương. Do đã thực hiện thành công hơn 40 dự án tổng thầu EPCI và một số đối tác nước ngoài mong muốn cam kết thu xếp vốn cho dự án nên PTSC đã mạnh dạn nhận thực hiện dự án này. Lần đầu tiên vừa đảm nhận vai trò tổng thầu dự án lớn vừa phải đứng ra thu xếp vốn tổng thể cho dự án là công việc vô cùng khó khăn, thử thách không chỉ đối với PTSC mà còn đối với bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào khi thực hiện mô hình này.
“Vạn sự khởi đầu nan”, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, với tư cách là tổng thầu EPC dự án, PTSC đã huy động các nguồn lực, các kỹ sư giỏi, các nhà tư vấn, thiết kế có kinh nghiệm, năng lực trong và ngoài nước cùng tham gia triển khai dự án, đồng thời phân chia các gói thầu và lựa chọn nhà cung cấp thiết bị chính. Nhà thầu Sojitz (Nhật Bản) sau khi nghiên cứu kỹ đầu bài kỹ thuật đã chào giá cao hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Nhà thầu này sau đó không tham gia chào giá cho phần còn lại sau khi không thắng thầu gói STG (tuabin hơi và máy phát). Do đó PTSC không lựa chọn được các nhà thầu phụ nước ngoài theo kế hoạch ban đầu và phải mất nhiều thời gian để lựa chọn các nhà thầu thay thế và phải điều chỉnh phạm vi các gói thầu do khả năng thực hiện của các nhà thầu, các nguồn vốn vay trên thị trường quốc tế khác nhau.
Với nỗ lực và các giải pháp tối ưu, PTSC đã lựa chọn được Công ty tư vấn có năng lực kinh nghiệm quốc tế là Black &Veatch (Mỹ) nhằm hỗ trợ tổng thầu trong công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện dự án. PTSC cũng đã cơ bản lựa chọn xong nhà thầu cung cấp thiết bị chính là Liên danh nhà thầu PM-BTG. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp thiết bị chính, diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính đã gây nhiều khó khăn cho công tác thu xếp tài chính cho dự án.
Trước tình hình trên, PVN đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC là tổng thầu thành Liên danh tổng thầu EPC gồm, PM- BTG (OJSC Power Machines và BTG Holding S.R.O) và PTSC, trong đó PM – BTG là thành viên đứng đầu liên danh. Liên danh này cũng cam kết thu xếp vốn vay ECA 793 triệu USD và 300 triệu USD cho phần xây dựng, lắp đặt trong nước. Liên doanh nhà thầu GEC – GEII trúng thầu gói thầu STG và cam kết thu xếp vốn vay thương mại phần còn lại.
Theo báo cáo của PVN, tổng giá chào thầu của hai Liên danh cho hai gói thầu trên là 919.492.219 USD, thấp hơn giá trị tương ứng trong tổng dự toán công trình đã được duyệt. Các phần việc thi công xây dựng, lắp đặt, chế tạo cơ khí và dịch vụ hỗ trợ chạy thử sẽ do PTSC và các doanh nghiệp trong nước đảm nhận.
Các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng cho rằng: Mô hình Liên danh nhà thầu PM-BTG-PTSC này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án NM nhiệt điện Long Phú 1 và đưa dự án đến thành công.
Theo Đất Việt