Tin Tập đoàn

Khoa học công nghệ Petrovietnam: Kỳ vọng đột phá

Với sự định hướng rõ ràng, cùng các cơ chế đột phá, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của Petrovietnam được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước ngoặt phát triển, nâng tầm Petrovietnam, xứng đáng với vai trò Tập đoàn Công nhiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

 

Khoa học công nghệ Petrovietnam nhất định có đột phá
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các đổi mới trong hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ của Tập đoàn

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ Petrovietnam lên tầm cao mới, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Petrovietnam (Ban Chỉ đạo), Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là nhu cầu tự thân của Tập đoàn trong gần 50 năm qua. Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn vươn mình, mỗi thành viên của Petrovietnam không ai được phép đứng ngoài cuộc. Trong đó, nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn là yêu cầu tất yếu.

KHCN Petrovietnam
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn là yêu cầu tất yếu

Gần 50 năm qua, khoa học công nghệ Petrovietnam đã đi từ không đến có, người Petrovietnam từ vị trí học việc đến làm chủ mọi vị trí chính yếu, làm chủ các công nghệ từ thăm dò khai thác đến chế biến, chế tạo các sản phẩm trong cả một chuỗi giá trị của Tập đoàn. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều cán bộ, kỹ sư Petrovietnam không chỉ luôn nỗ lực tự nghiên cứu, sáng tạo mà còn luôn tự tin vào tinh thần không ngừng học hỏi vươn lên.

Nhắc đến các thành tựu về khoa học công nghệ của Petrovietnam chắc chắn không thể không nói đến 4 công trình nghiên cứu đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và 6 công trình đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, cũng như nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến công nghệ trải dài trong hệ sinh thái Petrovietnam từ Thăm dò, khai thác dầu khí - Dịch vụ dầu khí - Chế biến dầu khí - Công nghiệp điện và đến nay là năng lượng xanh.

KHCN Petrovietnam
Nhà máy Đạm Cà Mau liên tục nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng của đất nước

Tự hào về bề dày và những cống hiến của các nhà khoa học Petrovietnam là như vậy nhưng để có sự đột phá, chắc chắn phải có cái nhìn mới về nghiên cứu khoa học. Trước hết, cần phải rạch ròi “nghiên cứu khoa học” và “phát triển công nghệ”. Trong đó, phát triển công nghệ là sự hấp thụ công nghệ, phát triển lên một tầm cao mới, tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện đất nước, con người, phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh. Còn sứ mệnh của khoa học là tìm ra cái mới, sản phẩm mới cho doanh nghiệp, đem lại sự đột phá trong sản xuất kinh doanh... đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Sở dĩ cần phải tách biệt hai lĩnh vực trên bởi đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là sản xuất kinh doanh sao cho hiệu quả. Nên việc hấp thụ công nghệ mới, phát triển công nghệ sẽ gắn chặt với sản xuất, xuất phát từ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Petrovietnam với các thành viên là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ song hành, phối hợp cùng Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn thực hiện tốt hơn chiến lược về khoa học công nghệ Petrovietnam.

Trong gần 50 năm qua, Petrovietnam không chỉ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, giữ vai trò trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến, hóa dầu,... đóng góp quan trọng trong sản xuất công, nông nghiệp. Như hai Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mau đang đáp ứng trên 70% nhu cầu phân đạm của cả nước, đảm bảo bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy việc tăng giá trị nông sản cũng như vị thế nông nghiệp nước nhà. Nhiều sản phẩm mới như phân bón tan chậm (sử dụng công nghệ nano), nhiều mặt hàng phân bón phù hợp với từng khu vực thổ nhưỡng tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những vùng cao nguyên, phân bón cải tạo đất trong thời gian ngắn được hai nhà máy phân bón của Petrovietnam nghiên cứu đưa ra thị trường.

KHCN Petrovietnam
NMLD Dung Quất đi đầu sản xuất, nghiên cứu các loại nguyên, nhiên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao

Mặt khác, lãnh đạo Petrovietnam cũng đã thống nhất các định hướng nghiên cứu nhằm phát triển Tập đoàn theo Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị; cùng đãi ngộ đối với các nhà khoa học, trong đó tính toán đến cả chiêu mộ nhà khoa học ngoài Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam.

TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đã chỉ rõ 3 cơ chế đột phá về khoa học công nghệ của Tập đoàn gồm: Thu nhập xứng đáng; Xử lý rủi ro khi công trình nghiên cứu khoa học không đạt kết quả như mong đợi và phân phối lợi ích từ công trình nghiên cứu khoa học; Đồng thời định hướng nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực cụ thể: Công nghệ năng lượng mới (lượng tử, pin hạt nhân, động cơ vĩnh cửu); Công nghệ vật liệu siêu carbon (tổng hợp nhiên liệu hydrocarbon); Công nghệ khai thác khoáng sản đáy biển (đất hiếm) và công nghệ chuyển đổi số (big data, AI, IOT).

Có thể thấy rằng, với các cơ chế mới, cùng bề dày thành tích và đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu giàu kinh nghiệm được hình thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Petrovietnam có đủ cơ sở để tin tưởng sẽ tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao, tạo nên đột phá, nâng tầm Petrovietnam xứng đáng với vai trò Tập đoàn Công nhiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Petrovietnam đã có 4 công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 6 công trình đạt giải thưởng Nhà nước và hàng trăm sáng kiến, sáng chế mỗi năm.

Theo PetroTimes

 

Bài viết liên quan