Ngày 13/2, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban trực tuyến dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2.
Tham dự giao ban có các Phó Tổng Giám đốc Phạm Tiến Dũng, Dương Mạnh Sơn; lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn. Về phía dự án có Trưởng Ban QLDA Phạm Xuân Trường; Tổng giám đốc PETROCONs Phan Tử Giang, lãnh đạo Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu triển khai dự án.
Tính đến ngày 13/2/2023, dự án NĐDK Thái Bình 2 có tiến độ tổng thể đạt 98,27%, có 606 chuyên gia, kỹ sư và công nhân vận hành đang làm việc trực tiếp trên công trường NMNĐ Thái Bình 2.
Tổ máy số 1 đã kết thúc chạy tin cậy vào lúc 19h34 ngày 05/02/2023. Từ ngày 05/02/2023 đến ngày 25/02/2023 sẽ ngừng Tổ máy để hoàn thiện một số công việc trước khi bàn giao; Tổ máy 02 đã hoàn thành 1/2 công tác kiểm tra không tải (AVR test), dự kiến ngày 11/02/2023 hoàn thành nốt các bài test không tải và hòa lưới bằng than, test AVR ở mức tải 150 MW (25%), kiểm tra vượt tốc Tuabine.
Hiện nay, trên công trường dự án vẫn còn một số hạng mục chính đang tiến hành xây lắp và vận hành thử. Cụ thể, hệ thống bốc dỡ vận chuyển than, đã hoàn thiện 3 máy bốc dỡ than, máy bốc số 4 đang đấu nối cáp điều khiển, dự kiến 24/2/2023 hoàn thành chạy thử. Còn máy bốc dỡ than số 5 mới hoàn thành lắp đặt cơ khí, chưa bàn giao cho Nhà thầu FLS tiến hành vận hành thử.
Toàn cảnh buổi giao ban dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Mặt khác, các hệ thống máy phá đống kho than số 1, số 2 dự kiến đến ngày 15/2 mới hoàn thành chạy thử, các tuyến băng tải vào kho 1 và từ kho 1 ra vẫn chưa được đấu nối cáp quang để hoàn thành công tác vận hành đồng bộ. Về cơ bản dự án đã hoàn thiện hệ thống PCCC cho các tuyến băng tải và tháp chuyển tiếp phía trong nhà máy. Đang thực hiện lắp đặt đường ống PCCC ngoài cảng nhận than.
Các hạng mục còn lại như: Kho than số 1; Bãi thải xỉ; Nhà hành chính… đang được các nhà thầu khẩn trương lấy lại tiến độ, dự kiến hoàn thành trong trung tuần tháng 3/2023.
Sau khi lắng nghe báo cáo từ Ban QLDA, Tổng thầu, góp ý của lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn, các Phó Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng, Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, NMNĐ Thái Bình 2 là dự án rất khó khăn, nhiều vướng mắc nên đòi hỏi cán bộ công nhân viên Tập đoàn, Ban QLDA cùng Tổng thầu nỗ lực hơn nữa, trong Quý I/2023 phải đưa Nhà máy vào phát điện thương mại, bàn giao nhà máy.
Đối với Tổ máy số 1, Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng cấp chứng nhận chấp thuận phát điện tạm thời (PAC) và vận hành thương mại (COD). Với Tổ máy số 2, cần các Bên chủ động rà soát, lập tiến độ chạy thử chi tiết đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ, đi kèm là các giải pháp để hoàn thành mục tiêu: Kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kiên quyết thực hiện đúng kế hoạch trong quý I hoàn thành các điều kiện kỹ thuật phát điện thương mại.
Phòng họp Tập đoàn kết nối với Thái Bình và TP Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý, Ban QLDA, các Ban chuyên môn Tập đoàn cùng Tổng thầu PETROCONs cần rà soát, hoàn thiện các hồ sơ theo quy định pháp luật, trình các cấp thẩm quyền, đảm bảo đầy đủ các giấy phép cho NMNĐ Thái Bình 2 đi vào vận hành thương mại, trong đó đặc biệt lưu ý các chứng chỉ, giấy phép về PCCC, an toàn môi trường, giấy phép xả thải…;
Rà soát lại hợp đồng EPC, các phụ lục cần hoàn thiện để tiến hành bàn giao Nhà máy từ vận hành chạy thử sang giai đoạn phát điện thương mại; Kiểm tra tính đồng bộ của nhà máy theo thiết kế; Tập trung khẩn trương hoàn thành ngay các hạng mục xây lắp còn dang dở. Mặt khác, Ban QLDA và Tổng thầu phải đảm bảo tối ưu thời gian chạy tin cậy, dự báo nguyên liệu đầu vào (than, dầu), vật tư phụ tùng thay thế, dự phòng tiêu hao cho Nhà máy vận hành 2 năm; Xem xét tính toán điều chỉnh kế hoạch vận hành thương mại phù hợp với thực tế.
Có thể thấy rằng, việc các Tổ máy của NMNĐ Thái Bình 2 hoàn thành 30 ngày vận hành tin cậy mới chỉ hoàn thành điều kiện cần cho hoạt động của một nhà máy điện. Nhưng để NMNĐ Thái Bình 2 đi vào phát điện thương mại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cần phải có sự hỗ trợ, thống nhất quan điểm của nhiều bên trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương về hợp đồng mua bán điện, tạo điều kiện cho Nhà máy hoạt động hiệu quả đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và mong muốn của nhân dân.